TPHCM:

Tiền tỷ để… sân thượng

(Dân trí) - Ngoài việc tìm được nơi lưu trú mới cho bonsai, cây cảnh… với nhiều người nhạy bén, một hướng kinh doanh hái ra tiền đang dần hình thành trên sân thượng, nơi bấy lâu nay bị bỏ trống để mặc rêu mốc, gió trời.

Trào lưu “đưa cây cảnh lên trời”

Sài Gòn đất chật, người đông. Những vườn bonsai, cây cảnh nhường chỗ cho những ngôi nhà, công trình mới mọc lên. Thú chơi của một bộ phận người Sài thành tưởng chừng sẽ mai một, thế nhưng bằng niềm đam mê và sự sáng tạo, nhiều nghệ nhân đã tìm cách tận dụng khoảng không gian sân thượng bỏ trống để đưa những chậu cảnh, bonsai từ dưới đất lên.

Theo chân ông Đào Thành (64 tuổi) lên sân thượng của ngôi nhà 3 tầng tại phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước một vườn cây cảnh đủ chủng loại, kiểu dáng. Cách mặt đất 20 mét là khoảng không gian hoàn toàn khác biệt, những chậu bonsai với dáng thế độc đáo tạo nên không gian xanh giữa nơi nhiều nắng và gió.

Nghệ nhân Đào Thành đang chăm chút từng chậu bonsai mini trên sân thượng nhà mình
Nghệ nhân Đào Thành đang chăm chút từng chậu bonsai mini trên sân thượng nhà mình

Đưa cây cảnh lên sân thượng được 2 năm, ông Thành tạo dựng cho mình khoảng không gian với gần 1.000 chậu bonsai, bonsai mini các loại. Theo ước tính của những người chơi trong nghề, giá trị vườn bonsai của ông vào khoảng 2-3 tỷ đồng.

“Mình cũng ít bán cây, chủ yếu cũng vì đam mê, nhưng nhiều lúc gặp khách hợp tính, hiểu cây, mình lại bán nhiều. Từ cái cây chỉ 50.000 đồng ban đầu, sau 2-3 năm săn sóc, nó có thể cho mình 20 triệu hoặc nếu cao là 40 – 50 triệu đồng”, ông Thành chia sẻ.

Ở quận Tân Phú, một vườn kiểng tiền tỷ trên sân thượng không kém so với ông Đào Thành chính là vườn bonsai của ông Nguyễn Thành Công (54 tuổi, ngụ phường Tân Sơn Nhì). Sân thượng nhỏ, tuổi nghề và quy mô cũng không bằng nghệ nhân Đào Thành nhưng lại có tiếng trong việc tạo ra những chậu bonsai có dáng, thế độc đáo.

Những chậu bonsai như thế này, nhưng được tạo dáng uyển chuyển, giá vài chục triệu đồng/chậu
Những chậu bonsai như thế này, nhưng được tạo dáng uyển chuyển, giá vài chục triệu đồng/chậu
Những chậu bonsai như thế này, nhưng được tạo dáng uyển chuyển, giá vài chục triệu đồng/chậu
Những chậu bonsai như thế này, nhưng được tạo dáng uyển chuyển, giá vài chục triệu đồng/chậu

Mười năm đi theo đam mê tạo hình cho cây, ông Nguyễn Thành Công cũng gây dựng được khoảng sân 200 chậu cảnh… Tính ra giá trị thị trường, ông đang có trong tay cả tỷ đồng từ 40m2 diện tích. Trong những tác phẩm của mình, ông Công tâm đắt nhất với chậu bonsai dáng “thác đổ” vừa đạt giải vàng tại Fetival Huế, giá trị của chậu này được ông ước lượng hơn 100 triệu đồng.

Theo anh Ngô Tý, Chi hội trưởng Chi hội bonsai quận Tân Phú thì chi hội có 60 thàng viên nhưng 90% trong số đó chơi cây cảnh trên sân thượng. Ngoài mục đích thoả niềm đam mê, thú chơi này đang là định hướng kinh doanh của không ít người bởi nó có thể cho thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm. “Hiệu quả kinh tế từ cây cảnh trên sân thượng rất là cao, như đây có anh Thắng, anh Công hay anh Thành. Họ tạo ra được những tác phẩm độc đáo nên nhiều người tìm về mua lắm”, anh Tý cho biết.

Nghề chơi cũng lắm công phu

Để có được những chậu bonsai trị giá hàng tỷ đồng trên sân thượng, cộng việc chăm sóc, bảo quản chúng không phải điều đơn giản. Chế độ chăm sóc trở nên khác biệt hoàn toàn so với việc chăm cây dưới đất.

Đưa cây cảnh lên sân thượng, việc tưới nước định kì mỗi ngày một lần được xem là vấn đề bắt buộc. Bởi với điều kiện nắng, gió trên sân thượng, chỉ cần thiếu nước 1-2 ngày, những chậu cảnh có giá hàng chục triệu đồng sẽ chết.

Những chậu bonsai như thế này, nhưng được tạo dáng uyển chuyển, giá vài chục triệu đồng/chậu
Nghệ nhân Nguyễn Thành Công cho biết dù số lượng bonsai của ông không nhiều nhưng lại thu hút sự quan tâm vì có thế đẹp

Thêm nữa, sân thượng cách mặt đất từ 20-40 mét nên chịu nhiều tác động của giông, gió… Cây cảnh vốn trơ trọi trên sân thượng rất dễ bị ngã đổ, khi đó thiệt hại là rất lớn. Không may mắn, chậu ngã xuống nhà hàng xóm, người chơi sẽ bị trách móc hoặc phải bồi thường thiệt hại.

“Tui cứ bị mắng vốn hoài ấy chứ. Nhiều lúc cây ngã đổ hoặc mình quên tưới nước, cây chết, hư hỏng đau như cắt từng khúc ruột. Mỗi cây đều có quá nhiều kỷ niệm và giá trị với tui mà”, ông Thành bày tỏ.

Thất bại và những khó khăn ban đầu cũng là động lực để ông Thành tìm cách khắc phục. Ông dùng silicon dán chặt dưới đế chậu để cố định hoặc dùng dây thép níu những chậu cảnh với nhau vào lan can của sân thượng. Những lần mưa giông lớn ông mang những chậu trên cao xuống đất để tránh gió quật ngã.

Để có được những chậu bonsai ưng ý, những nghệ nhân cũng phải đầu tư hết sức công phu
Để có được những chậu bonsai ưng ý, những nghệ nhân cũng phải đầu tư hết sức công phu

Tốc độ đô thị hóa ngày một nhanh hơn. Đất đai, vườn tược nhường chỗ cho những công trình mới. Nông dân mất đất… mà mất đất, họ không còn là nông dân nữa. Nông dân ở các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM giảm đi số lượng lớn. Thế nhưng giảm đi mà không biến mất, đó là vì đô thị xuất hiện những nông dân kiểu mới. Tận dụng đất ít, họ trồng lan, nuôi cá cảnh, chim thú… và đặt biệt là sự xuất hiện của trào lưu đưa cây cảnh lên sân thượng đã và đang giúp nhiều người có được mức thu nhập ổn định, có người thu cả tỷ đồng mỗi năm.

Mượn lời anh Ngô Tý để nói về chân dung của những người với thú chơi hàng tỷ đồng trên sân thượng thay cho lời kết: “Chơi cây cảnh trên sân thượng vừa là trào lưu vừa là hướng kinh doanh rất khả quan bởi cuộc sống đô thị vốn nhiều áp lực, việc xuất hiện một chậu bonsai, bonsai mini trên bàn làm việc hay khuôn viên nhà sẽ giúp tâm trí thoải mái hơn. Thế nên nếu ai thực sự đam mê và muốn làm giàu từ nó sẽ là định hướng rất tốt”.

Công Quang
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”