Tiền tỉ “cháy” theo vàng mã!
Cúng kiếng cho người đã khuất bằng cách đốt những vật dụng bằng giấy mô phỏng nhà, xe, quần áo, điện thoại, người giúp việc... là tập tục tồn tại nhiều năm nay và ngày càng “biến tướng” theo kiểu “phú quý sinh lễ nghĩa”.
Phía bắc: hàng mã Đông Hồ bội thu
Dạo quanh các chùa lớn của Hà Nội những ngày này, dễ dàng thấy nhu cầu đốt vàng mã cúng kiếng người thân rất lớn. Phía Bắc, cơ sở làm hàng cõi âm tập trung ở Thái Bình, Bắc Ninh. Trong đó, quy mô lớn nhất là làng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh). Mấy năm gần đây, dân làng tranh Đông Hồ chuyển từ nghề vẽ sang làm đồ vàng mã.
“Những cơ sở sản xuất lớn thu được vài trăm triệu đồng trong đợt này” - anh Nguyễn Văn Hà, chủ cơ sở kinh doanh vàng mã Truy Hà (ngõ chợ Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) cho biết.
Theo anh Hà, làng Đông Hồ ước chừng có vài trăm hộ làm hàng mã, trong đó gần chục cơ sở lớn, vừa sản xuất - vừa thu mua, phân phối, tổng cộng doanh thu được vài tỉ đồng. “Như cơ sở của gia đình tôi tổng doanh thu được khoảng 300 – 400 triệu đồng. Cả làng có khoảng chục cơ sở lớn, đạt khoảng 4 – 5 tỉ đồng. Các cơ sở gia công nhỏ lẻ cũng thu vài chục triệu đồng/hộ”.
Giá của một đồ lễ bằng hàng mã tại nơi sản xuất như Đông Hồ không cao. “Một chiếc ôtô hàng mã được bán với giá vài chục ngàn đồng, hay như một ông ngựa giấy khoảng 15.000 đồng. Ra Hà Nội tiêu thụ, giá được đưa lên vài trăm ngàn đồng…”, anh Hà cho biết.
TP.HCM: hàng tỉ đồng tiền thật đổi lấy giấy tiền âm phủ
Tối ngày 13.8 (tức 14.7 âm lịch), bà S. ngụ tại phường 16, quận 11 khiến cả xóm một phen hoảng hồn khi bà chất đống giấy tiền âm phủ trước sân rồi châm lửa đốt. Ngọn lửa bốc lên cao suýt bén vào tấm bạt che mái hiên.
Cứ vào tháng 7 âm lịch hàng năm, thị trường giấy tiền âm phủ lại vào mùa. Theo khảo sát của phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, tại khu vực các quận 5, 6 và 11, các hộ gia đình chi từ 200.000 – 600.000 đồng tiền thật để mua giấy tiền âm phủ. Còn tại một số hãng xưởng hoặc nơi buôn bán của người Hoa, chi phí cho việc mua giấy tiền âm phủ ít nhất cũng từ 1 triệu đồng.
Bà Châu ở quận 11 vừa đốt vừa chỉ tay vào đống giấy tiền âm phủ nói: “Giấy tiền năm nay tăng giá quá, tui mua hết 500.000 đồng mà chỉ có bấy nhiêu”. Theo bà Châu, đốt giấy tiền nhiều để cha mẹ, ông bà “ở dưới” đỡ vất vả kiếm tiền, chỉ việc ngồi chơi phù hộ cho con cháu.
Bà A, chủ sạp P.A. chuyên bán sỉ nhang đèn tại chợ Bình Tây (quận 6) cho biết, cứ vào tháng 7 âm lịch, lượng giấy tiền tiêu thụ lại tăng gấp đôi. Hiện nay, chỉ tính riêng giấy tiền, sạp bán được hơn 50 triệu đồng/ngày. Chợ sỉ Bình Tây hiện có khoảng 20 sạp chuyên kinh doanh giấy tiền, nhang đèn. Như vậy, ước tính sẽ có khoảng 1 tỉ đồng bị đốt mỗi ngày.
Tại các khu xóm lao động, lượng giấy tiền âm phủ cũng được tiêu thụ mạnh. Bà Lan, chủ sạp bán giấy tiền trên đường Bà Hom (quận Bình Tân) cho biết, bà mua hàng tại chợ sỉ, xếp lại rồi đóng gói bán lẻ. Mỗi gói “vàng” giá 20.000 đồng, mỗi ngày bà bán được hơn 1 triệu đồng.
Dường như tập tục đốt giấy tiền chỉ ít hơn do người dân ngán ngại giá cả. Dự kiến, từ ngày 14 – 15 (tức rằm và 16.7 âm lịch) là hai ngày cao điểm của mùa cúng cô hồn. Ngoài chuyện đốt giấy tiền, hoạt động thí cô hồn, thảy tiền cũng diễn ra tấp nập do một số người quan niệm, phải thảy tiền, có người lượm nhiều thì làm ăn mới khấm khá. Chuyện thí cô hồn cho vui nay ngày càng biến tướng. Tại quận 5, 6 và 11 từ tối ngày 13.8 đến trưa ngày 14.8, nhiều nhóm thanh niên đã tổ chức đi lượm, ra tay cướp giật đồ cúng khi chủ nhà sơ hở.