1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Tiền gửi “không cánh mà bay”: Đều phải trông chờ vào cơ quan điều tra

(Dân trí) - Chuyên gia cho rằng, khi xảy ra các vụ việc tiền gửi “bốc hơi”, động thái hành xử của các ngân hàng còn rất lúng túng, thiếu tính chuyên nghiệp. Hầu hết vụ việc đều phải trông chờ vào sự can thiệp của cơ quan điều tra và kết quả của nó thường phát sinh nhiều quan điểm khác nhau.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Như Dân trí thông tin, vài năm trở lại đây đã có hàng chục vụ mất tiền, vàng tiết kiệm của khách hàng, trong đó có nhiều vụ để xảy ra với giá trị lớn lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Thậm chí, nhiều cử tri đã kiến nghị lên Quốc hội về việc tổng thanh tra, kiểm tra đối với các hoạt động và giao dịch ngân hàng để tránh xảy ra tình trạng này.

Nhà băng còn lúng túng, thiếu chuyên nghiệp

Liên quan tới vấn đề này, Luật sư Vũ Phi Long – Nguyên Phó Chánh tòa Hình sự TPHCM cho rằng, cần nhìn nhận sự việc một cách khách quan, công bằng cho cả hệ thống ngân hàng bởi đó là an ninh tiền tệ và tài sản khách hàng gửi vào các ngân hàng vẫn được bảo đảm.

“Những vụ việc “bốc hơi” tiền gửi với khối lượng khá lớn chỉ là một vài hiện tượng cá biệt, không mang tính phổ biến”, ông Long nói.

Tuy nhiên, ông Long cũng cho rằng, động thái hành xử của một ngân hàng trong những vụ khách hàng mất tiền còn rất lúng túng, thiếu tính chuyên nghiệp của ngân hàng khi giải quyết sự cố xảy ra ngay tại đơn vị của mình.

“Như hai vụ việc khá nổi bật là vụ Huỳnh Thị Huyền Như tại VietinBank CN TPHCM và vụ Eximbank TPHCM đều phải trông chờ vào sự can thiệp của cơ quan điều tra và kết quả của nó thường phát sinh nhiều quan điểm khác nhau giữa nghiệp vụ ứng xử của ngân hàng – của pháp luật hình sự và dư luận truyền thông”, ông Long bình luận.

Nói về trách nhiệm dân sự giữa bên gửi tiền và bên ngân hàng trong các vụ việc nhân viên ngân hàng lừa đảo để chiếm đoạt tiền của khách hàng, Luật sư Vũ Phi Long cho rằng, về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, căn cứ các qui định của pháp luật hình sự đã xác định ai gây ra thiệt hại thì phải bồi thường.

“Tuy nhiên nếu họ là người có chức vụ, quyền hạn, sử dụng nghiệp vụ, hệ thống tín dụng hoặc các thủ tục tài liệu chứng từ của ngân hàng như là một phương tiện, thủ đoạn để phạm tội thì chính ngân hàng đó phải chịu phần trách nhiệm trong việc bồi thường”, ông Long nhấn mạnh.

"Gửi xe bị mất, bắt đền ai?"

Đồng quan điểm, TS. Luật sư Bùi Quang Tín – Giảng viên Đại học Ngân hàng dẫn trường hợp vụ “siêu lừa” Huyền Như giả chữ ký rút tiền của 5 công ty sau khi đã chuyển vào tài khoản tại VietinBank cho biết, cần phải đề cập đến ở đây là 5 công ty đã mở tài khoản tại VietinBank đúng luật, đúng quy định và số tiền gửi của 5 công ty chuyển vào VietinBank đúng quy định.

“Tiền đã chảy từ tài khoản của công ty này vào tài khoản của ngân hàng, tài khoản ngân hàng cũng đã hiển thị số dư thì ngân hàng phải có trách nhiệm bảo vệ an toàn cho số tiền trong tài khoản của khách hàng. Khi tiền của khách hàng bị mất, dù với bất cứ lý do nào mà không phải do lỗi của họ thì ngân hàng ngay lập tức phải hoàn trả số tiền này cho khách hàng”, ông Tín nói.

Ông Tín cho rằng, như ở vụ việc của Huyền Như đã làm giả chữ ký thực chất là việc trong nội bộ của ngân hàng, rủi ro đạo đức và tác nghiệp của ngân hàng. Để xảy ra sự việc, ngân hàng đã có lỗi trong công tác quản lý tiền gửi của khách hàng, có lỗi trong việc quản lý cán bộ, nhân viên của mình, buông lỏng công tác kiểm tra kiểm soát.

Vị chuyên gia cũng dẫn thêm một trường hợp thực tế: “Thử tưởng tượng trường hợp người dân đi gửi xe ở bãi. Nhân viên giữ xe nhận xe và giao vé thật (hoặc làm giả) cho khách rồi sau đó dắt xe trốn luôn. Tới bắt đền thì chủ bãi xe nói là do “cá nhân” nhân viên lừa đảo nên họ không chịu trách nhiệm. Tất nhiên nếu mang ra tòa kiện, trải qua các thủ tục pháp lý rắc rối và không minh bạch, chủ bãi xe có thể thắng nhưng uy tín của chủ bãi xe chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và không ai dám gửi xe ở đó nữa”.

Còn theo chuyên gia Trần Nguyễn Minh Hải, giảng viên đại học ngân hàng, trên thực tế người dân bình thường thường không quan tâm tới các khía cạnh pháp lý rắc rối. Đối với họ, câu chuyện chỉ là mang tiền tới ngân hàng gửi (hoặc nhiều ngân hàng bây giờ sẵn sàng cho người tới nhà nhận tiền gửi nếu người dân có nhu cầu), có nhân viên ngân hàng ký nhận đàng hoàng xong giờ bị mất.

“Nếu các ngân hàng phủi tay và đổ trách nhiệm do nhân viên lừa đảo thì chắc chắn sẽ làm giảm lòng tin của người gửi tiền. Việc mất lòng tin như vậy chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả rất lớn và không lường được cho hệ thống ngân hàng khi người dân và các doanh nghiệp có thể không dám mang tiền gửi vào ngân hàng, ngân hàng không có tiền cho vay, các doanh nghiệp sẽ bị đói vốn”, bà Hải nói.

Phương Dung

Tiền gửi “không cánh mà bay”: Đều phải trông chờ vào cơ quan điều tra - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm