1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

“Tiền của dân, dù chỉ 1 đồng cũng phải được giám sát”

(Dân trí) - “Tiền của dân phải được giám sát dù chỉ một đồng, muốn đầu tư vào đâu thì phải được sự đồng ý của dân. Đại biểu sẽ chịu trách nhiệm khi quyết định vấn đề này”, đại biểu Huỳnh Nghĩa nhấn mạnh tới các dự án đầu tư công.

Theo dự kiến, Luật Đầu tư công sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 18/6 tới. Trước đây, dự án Luật Đầu tư công đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6 và ngay sau kỳ họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo việc nghiên cứu tiếp thu nghiêm túc tất cả những ý kiến của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý hoàn thiện dự thảo luật.

Đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đợi hơn 5.000 tỷ đồng vốn đầu tư.
Đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình "đợi" hơn 5.000 tỷ đồng vốn đầu tư.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:



Đóng góp ý kiến cho dự thảo luật, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng: Phạm vi điều chỉnh của luật đã bao quát được việc quản lý sử dụng các nguồn vốn đầu tư công gồm các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, công trái quốc gia, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước, vốn đầu tư từ nguồn thu để lại đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước, các khoản vốn vay của ngân sách địa phương để đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam và tại nước ngoài.

Tuy nhiên, đại biểu Đồng đề nghị bổ sung nội dung theo dõi, kiểm tra, giám sát vốn đầu tư công vào nội dung điều này bên cạnh việc quản lý sử dụng vốn đầu tư công, để bảo đảm bao quát hết tất cả các đối tượng tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đầu tư công.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) lại nhấn mạnh tới nguyên tắc công khai, minh bạch trong Luật Đầu tư công. Do đó, theo đại biểu, luật cần phải cụ thể hóa các tiêu chí phân loại dự án nhóm A, B, C. Tuy nhiên, cách phân loại dự án tại điều luật này chủ yếu dựa vào quy mô dự án, tính chất dự án mà chưa dựa vào tính chất của nguồn vốn của đầu tư công, chưa phân định nguồn vốn thuộc ngân sách địa phương, nguồn vốn đầu tư do ngân sách Trung ương phân bổ cho địa phương để xác định thẩm quyền từng cấp, thẩm quyền của Chính phủ và thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Tính chất phân định này chưa tạo điều kiện chủ động cho địa phương có điều kiện tự cân đối ngân sách đầu tư và không khuyến khích cho các địa phương chưa tự cân đối phấn đấu. Dự án luật cũng chưa quy định cụ thể tiêu chí và cách thức đánh giá hiệu quả đầu tư công, khó xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến để đề xuất phê duyệt chủ trương đầu tư, đặc biệt là trách nhiệm bồi thường thiệt hại”, đại biểu nói.

Về phân cấp thẩm quyền quyết định đầu tư ở địa phương, đại biểu Nghĩa cho rằng, đây là vấn đề mấu chốt cực kỳ quan trọng. Khoản 5, Điều 17 quy định Hội đồng nhân dân quyết định chủ trương đầu tư từ các dự án nhóm B, còn lại các dự án nhóm C thì Khoản 6, Điều 17 quy định giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

“Đây là điều cần xem lại, vì trong thực tế tại địa phương và rất nhiều năm mới có một dự án nhóm B, còn lại gần 99% là các dự án nhóm C, dưới 120 tỷ đồng là các dự án dân sinh liên quan đến đời sống hàng ngày của người dân, nhưng chỉ để một người quyết định là không ổn. Tiền của dân phải được giám sát thông qua đại biểu của nhân dân dù chỉ một đồng, muốn đầu tư vào đâu thì phải được sự đồng ý của dân, đại biểu sẽ chịu trách nhiệm trước dân khi quyết định vấn đề này. Do đó, tôi đề nghị đưa Khoản 6 vào Khoản 5 giao cho Hội đồng nhân dân quyết định cụ thể các dự án nhóm C”, đại biểu Huỳnh Nghĩa đề xuất.

Còn theo đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai), vấn đề quan trọng hàng đầu để chấn chỉnh đầu tư công là cần làm rõ khái niệm về hiệu quả đầu tư công. Đại biểu cho rằng, đây chính là cơ sở để đánh giá, xác định trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực hiện đầu tư công nhằm tránh lãng phí do công trình không đồng bộ, kéo dài và giải đáp được thực tiễn hiện nay đặt ra là hiệu quả đầu tư chưa tính đến tác động toàn diện về kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường.

Đại biểu Vở nếu dẫn chứng: “Trường hợp thủy điện 3 năm đại biểu Quốc hội giám sát, 3 năm mới ra nghị quyết được, xung quanh đánh giá hiệu quả đối với thủy điện Đồng Nai 6, 6A. Đây là căn cứ không thể thiếu khi quyết định chủ trương đầu tư, hơn nữa tôi cho rằng đây là yếu tố thúc đẩy nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong đầu tư công”.

Ngoài ra, theo đại biểu Vở: “Luật cần thể hiện rõ tính gắn kết, nhất quán giữa thẩm quyền với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu bộ, ngành Trung ương và địa phương, để nhẳm kịp thời chấn chỉnh xử lý vi phạm khi quyết định chủ trương, chương trình dự án đầu tư công sai, không cân đối được nguồn vốn, gây thất thoát lãng phí mà mỗi kỳ họp đại biểu Quốc hội đều quan tâm. Nói đến đầu tư xây dựng là nói đến dàn trải, lãng phí và không cân đối được nguồn vốn vẫn bố trí kế hoạch đầu tư, nói hoài, kỳ nào cũng nói”.

Nhấn mạnh tới nguyên tắc sử dụng vốn đầu tư công, đại biểu Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang) đề nghị luật thay cụm từ ”tránh thất thoát lãng phí” bằng cụm từ “không để thất thoát” để chúng ta thể hiện rõ thái độ đối với vấn đề đầu tư công và để nguyên tắc này có tính khẳng định hơn nữa thì không nên dùng từ “tránh” thay vào đó quy định là “không để thất thoát lãng phí”.

Nguyễn Hiền

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm