Thường vụ Quốc Hội: Tập trung tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế
(Dân trí) - Mặc dù kinh tế có phục hồi và các chỉ số vĩ mô dần ổn định nhưng những nguy cơ và khó khăn đối với nền kinh tế đang lớn dần. Thường vụ Quốc hội khẳng định, năm tới cần đặt trọng tâm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, đời sống người dân
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Về mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và những năm tới, báo cáo thẩm tra của UBKT và Thường vụ Quốc hội đều nhất trí là: tập trung “tháo gỡ khó khăn sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân”.
Thường vụ Quốc hội cũng đồng tình bỏ mục tiêu: “giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô”, kìm hãm tốc độ ”lạm phát” trong mục tiêu tổng quát của nhiệm vụ phát triển kinh tế của Quốc hội. Ủy ban Thường vụ cho rằng nhiệm vụ “giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô” , kìm hãm tốc độ ”lạm phát” là công việc và nhiệm vụ thường xuyên và hàng năm của Chính phủ nên không đưa vào nhiệm vụ và mục tiêu của phát triển kinh tế hàng năm và kế hoạch phát triển kinh tế của Quốc hội.
Theo đó, Chủ nhiệm UBKT Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết mặc dù tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp cùng với kinh tế – xã hội trong nước còn nhiều khó khăn, nhưng Chính phủ đã nỗ lực chỉ đạo, điều hành, kinh tế nước ta cơ bản thực hiện đạt mục tiêu tổng quát năm 2014 theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra.
Tình hình An sinh xã hội được đảm bảo, các chính sách giảm nghèo được quan tâm triển khai đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm; cơ chế, chính sách pháp luật ưu đãi người có công được hoàn thiện; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 70%.
Tuy nhiên, Báo cáo cũng chỉ ra những khó khăn và thách thức lớn đối với nền kinh tế, trong đó đặc biệt số doanh nghiệp phá sản gần bằng với số DN mới thành lập. 9 tháng đầu năm 2014, số doanh nghiệp giải thể, phá sản là 51.244, trong khi số doanh nghiệp thành lập mới là 52.525. Số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động là 18.873.
UBKT nêu rõ, bắt đầu đã có một số doanh nghiệp quy mô trung bình và lớn phải ngừng hoạt động, giải thể dù đã cầm cự được trong mấy năm vừa qua. Hiện tượng này đã tác động tiêu cực tới vấn đề lao động, việc làm, thu ngân sách nhà nước, tăng nợ xấu… Ngoài ra sức khỏe của doanh nghiệp chưa được đảm bảo, 9 tháng đầu năm, cả nước có 213.000 doanh nghiệp kê khai lỗ không phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp, chiếm 68,6% tổng số doanh nghiệp nộp tờ khai.
Tỷ lệ thất nghiệp chung theo báo cáo là giảm, nhưng thực chất là do lao động ở khu vực chính thức đã phải chuyển sang làm việc trong khu vực phi chính thức, đồng thời nhiều lao động thiếu việc làm, không có việc làm thường xuyên, thu nhập thấp và thiếu ổn định. Năng suất lao động xã hội thấp và có xu hướng tăng chậm lại.
Việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng hiệu quả chưa cao, số lượng nợ xấu được xử lý còn thấp, khoảng 17% so với kế hoạch. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng thương mại có xu hướng tăng trở lại (năm 2013 là 3,61%, cuối tháng 5/2014 là 4,07%, đến cuối tháng 7/2014 là 4,11%).
Theo UBKT Quốc hội, tiến độ giải quyết nợ xấu của Công ty VAMC còn chậm. Từ khi đi vào hoạt động tháng 7/2013 cho đến cuối tháng 8/2014, VAMC mua được 3.281 khoản nợ với tổng dư nợ gốc hơn 56 nghìn tỷ đồng, giá mua hơn 46 nghìn tỷ đồng (thấp hơn so với kế hoạch mua từ 70.000 - 100.000 tỷ đồng nợ xấu trong cả năm 2014).
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 4 năm 2011-2014 dự kiến sẽ chỉ đạt khoảng 5,6%/năm, thấp xa so với chỉ tiêu tăng trưởng bình quân theo Kế hoạch 5 năm 2011-2015theo Nghị quyết của Quốc hội là (6,5% - 7%).
Tốc độ tăng trưởng này được UBKT Quốc hội nhận định thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực. So với một số nước trong khu vực ASEAN thì tăng trưởng kinh tế của nước ta chậm lại trong khi một số nước đã có sự cải thiện và duy trì được tốc độ tăng trưởng cao. Singapore (từ 1,3% năm 2012, tăng 4,1% năm 2013), Myanmar (tăng từ 5,6% năm 2011 lên 7,6% năm 2012, năm 2014 ước đạt 7,6%), Campuchia (tăng từ mức 7,1% năm 2011 lên 7,3% năm 2012, năm 2013 là 6,7% và năm 2014 ước đạt 7%), Lào (năm 2012 là 8,2%, năm 2013 là 7,5%, năm 2014 ước đạt 7,2%.
Sản xuất nông nghiệp được đánh giá là trụ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm dần (năm 2011 là 4,02%; năm 2012 là 2,68%; năm 2013 là 2,67%), năm 2014 ước tính tăng trở lại nhưng cũng ở mức 3%-3,1%
Về tổng mức đầu tư cho nền kinh tế, theo báo cáo của Chính phủ thì năm 2014 tỷ lệ đầu tư là 30,1% GDP, kế hoạch trong năm 2015 là 27,7% GDP. UBKT cho rằng mức đầu tư này hiện quá thấp, phản ánh môi trường kinh doanh chưa hấp dẫn, chưa tạo được niềm tin cho nhà đầu tư. UBKT kiến nghị Chính phủ và Quốc hội tăng tổng đầu tư cho nền kinh tế 32% GDP để đảm bảo mức tăng trưởng của nền kinh tế, kịp thời phục hồi năng lực hội nhập theo các cam kết quốc tế và khu vực.
Theo báo cáo thẩm tra, UBKT đánh giá mặc dù nền kinh tế tiếp tục xuất siêu năm thứ 3 liên tiếp nhưng tỷ lệ thấp, năm 2012 là 780 triệu USD, năm 2013 là 863 triệu USD và 9 tháng đầu năm xuất siêu đạt 1 tỷ USD. Nhưng xuất siêu vẫn đạt thấp, chủ yếu vẫn là các hàng hóa gia công, lắp ráp của khối các doanh nghiệp FDI với máy móc, thiết bị, trình độ khoa học công nghệ tương đối thấp và trung bình, giá trị gia tăng tạo ra không cao, những tác động đến xã hội, môi trường còn chưa được đánh giá đầy đủ.