Thương lái Trung Quốc lại làm rối loạn ngành tôm!

(Dân trí) - Việc thu gom mua tôm nguyên liệu với giá cao của thương lái Trung Quốc lên đến 100 tấn/tỉnh/ngày đã khiến các doanh nghiệp thủy sản trong nước lao đao. Không những vậy,còn bơm chích tạp chất có mục đích, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh tôm Việt Nam.

Thương lái Trung Quốc lại làm rối loạn ngành tôm!
Trong nỗ lực xây dựng hình ảnh tôm Việt Nam trên thương trường quốc tế, các doanh nghiệp nội khả năng lại bị thua trên chính sân nhà vì các chiêu trò của thương lái Trung Quốc.

Chỉ trong vòng 2 tuần từ 26/8 đến 11/9/2013, Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) đã liên tiếp gửi 3 công văn liên quan đến tình trạng thương lái Trung Quốc thu gom tôm.

Cụ thể, ngày 26/8/2013 và ngày 10/9/2013, Vasep đã có công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương, Tổng cục Thủy sản phản ánh về việc thương lái tổ chức đẩy mạnh thu mua tôm nguyên liệu tươi đưa sang Trung Quốc. Đồng thời, đề nghị các cơ quan có biện pháp hữu hiệu, kịp thời ngăn chặn và hạn chế thiệt hại cho người nuôi và doanh nghiệp thủy sản.

Tại công văn phát ngày 26/8, Vasep nhấn mạnh, tôm là sản phẩm chiến lược trong xuất khẩu thủy sản nói riêng và xuất khẩu của Việt Nam nói chung. Giá trị mặt hàng này mỗi năm hiện khoảng 2,3-2,5 tỷ USD (chiếm 37-40% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Ngành công nghiệp nuôi trồng, sản xuất, chế iến và xuất khẩu tôm đang là trọng tâm kinh tế của nhiều tỉnh thành từ miền trung đổ vào, tạo hàng trăm nghìn việc làm và tạo nên lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong cơ cấu nông - lâm - ngư nghiệp.

Thế nhưng, trong những năm gần đây đã xuất hiện tình trạng các thương lái mua tôm sú và tôm chân trắng cỡ lớn với giá cao tại hầu hết các tỉnh có nuôi tôm, rồi ướp đá hoặc cấp đông và chở thẳng sang Trung Quốc.

Vasep cho biết, hiện trạng này đã tác động tiêu cực đến nguồn cung tôm nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến tôm trong nước, khiến nhiều doanh nghiệp liên tục thiếu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu, nhất là ảnh hưởng đến các đơn hàng chế biến sản phẩm giá trị gia tăng.

Khoảng hơn 1 tháng trở lại đây, tình hình diễn biến đã trở nên phức tạp hơn nhiều khi nhiều thương lái đang gia tăng việc thu mua tôm tươi từ các tỉnh rồi ướp đá vận chuyển sang Trung Quốc với khối lượng lớn, tăng đột biến. Ngoài tôm sú và tôm chân trắng, thương lái Trung Quốc còn mua sang cả tôm chân trắng cỡ nhỏ, mua trực tiếp từ ao hoặc đại lý thu gom rồi ướp đá, đóng thùng.

Đặc biệt, giá mua mà thương lái Trung Quốc đưa ra cao hơn hẳn từ 15-20% so với giá mà các doanh nghiệp trong nước đang mua, khối lượng mua rất lớn, theo đánh giá lên tới 100 tấn/tỉnh/ngày. Việc này khiến lượng tôm nguyên liệu thô xuất khẩu tăng cao, cơ cấu sản phẩm tôm giá trị gia tăng xuất khẩu của cả nước bị giảm sút nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới giá trị gia tăng của sản phẩm chiến lược mà các doanh nghiệp đã đầu tư nguồn lực và công nghệ tân tiến.

Điều đáng lo ngại là giới thương lái lại thu mua và không quan tâm kiểm soát kháng sinh trong tôm nguyên liệu mà còn thực hiện bơm chích tạp chất có mục đích. Tình trạng này sẽ có nguy cơ gây ảnh hưởng tiềm tàng đến hình ảnh tôm Việt Nam, ảnh hưởng chung đến sự nỗ lực của cả ngành tôm trong vấn đề kiểm soát kháng sinh, chất lượng nuôi.

Ngoài ra, việc cạnh tranh giữa các thương lái gây rối loạn thị trường nguyên liệu tôm nguyên liệu. Xét kinh nghiệm và tác động tiêu cực đã có với một số sản phẩm nông sản được mua giá cao chuyển sang Trung Quốc thời gian trước đó, Vasep cho rằng, việc người dân ham giá cao sẽ dễ bị lừa đảo, giật tiền hoặc đầu tư ồ ạt cho lợi ích trước mắt, không theo quy hoạch hoặc không tuân thủ những yêu cầu quan trong khác liên quan đến khác sinh, chất lượng, tạp chất...

Trước tình hình trên, ngày 11/9, Tổng cục Thủy sản đã gửi Công văn đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố thực hiện tuyên truyền, phổ biến và khuyến khích người dân, doanh nghiệp thực hiện tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng; tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình trạng đưa tạp chất vào tôm gây ảnh hưởng đến chất lượng và uy tín của tôm nuôi Việt Nam.

Tổng cục cũng khuyến cáo người nuôi tôm thận trọng với các thương lái khi mời chào với giá cao, không yêu cầu kiểm soát chất lượng và kích cỡ tôm thu hoạch. Người nuôi tôm nên tìm hiểu về tư cách pháp nhân của thương lái thu mua thông qua các cơ quan chức năng. Nếu phát hiện các thương lái chưa được phép hoạt động kinh doanh tại Việt Nam cần báo ngay cho cơ quan quản lý để kịp thời xử lý theo quy định.

Trong năm 2013 này, nhờ xuất khẩu tôm tăng trưởng khả quan nên đã bù đắp cho sự sụt giảm xuất khẩu ở nhiều mặt hàng thủy sản khác như cá tra, nhuyễn thể và cá ngừ. Xuất khẩu tôm đang gặp một số thuận lợi như giá tôm trên thị trường thế giới tăng, nguồn cung tôm từ Thái Lan giảm mạnh do ảnh hưởng của hội chứng tôm chết sớm (EMS), tạo cơ hội cho các nước cung cấp khác - trong đó có Việt Nam. Mới đây, ngày 10/9/2013, Bộ Thương mại Mỹ cũng vừa công bố kết quả cuối cùng đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá tôm NK vào Mỹ giai đoạn 1/2/2011 – 31/1/2012 (POR7) với tất cả 33 DN đều có mức thuế 0%.

Thế nhưng, với tình trạng đối đầu với các thủ đoạn của thương lái Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp ngành tôm có thể sẽ đối mặt với việc “thua ngay chính trên sân nhà” dù đã đầu tư bài bản cho cơ sở sản xuất chế biến, ký kết nhiều hợp đồng xuất khẩu giá trị lớn, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động để từng bước xây dựng hình ảnh về chất lượng tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Bích Diệp