Thị trường xi măng 2012:
Thương hiệu lớn vẫn không sợ… ế hàng
Mặc dù thị trường xi măng 2012 được dự báo là cung vượt cầu song một số “đại gia” trong lĩnh vực này vẫn tiếp tục mở rộng thị phần và tự tin vào khả năng tiêu thụ sản phẩm của mình.
Thống kê của Bộ Xây dựng (tháng 1/2012) cho thấy năm 2011 vừa qua, tổng lượng xi măng tiêu thụ chỉ đạt hơn 49 triệu tấn trên tổng số 56 triệu tấn được sản xuất. Tuy nhiên, một số hãng xi măng lớn vẫn tự tin vào khả năng tiêu thụ sản phẩm trong bối cảnh cung bắt đầu vượt quá cầu như vậy.
Tình trạng trên bắt nguồn từ công tác dự báo chưa chuẩn xác, nhu cầu tiêu thụ xi măng của Việt Nam năm 2011 được ước tính là 55 triệu tấn. Một yếu tố nữa khiến cho cầu yếu đi là việc hầu hết các nhà sản xuất xi măng trên cả nước đều tăng giá bán kể từ tháng 2/2011.
Tuy vậy, bước sang năm 2012, nhiều “đại gia” xi măng Việt Nam vẫn không có ý định giảm bớt sản lượng, và thậm chí còn mở rộng thêm thị trường sản phẩm của mình. Xi măng Nghi Sơn là ví dụ điển hình. Đầu năm 2012, công ty này chính thức tung ra thị trường loại xi măng PCB40 dân dụng bên cạnh mặt hàng PCB40 truyền thống được ưa chuộng trong các công trình lớn. Những kết quả đầu tiên cho thấy loại xi măng mới này đã thâm nhập thị trường nhanh và được đón nhận.
“Mỗi bao của Nghi Sơn bán lẻ hiện khoảng 75.000 đồng trong khi các hãng khác chỉ khoảng 55.000 đến 60.000 đồng. Tuy vậy, Nghi Sơn vẫn giữ chỗ đứng vững chắc bởi Nghi Sơn có thương hiệu gắn liền với chất lượng tốt. Trong tất cả các loại xi măng thì Nghi Sơn có độ khử vôi tốt hơn cả, Nghi Sơn khử được hầu hết vôi tự do nên độ bền của công trình rất lớn” - ông Nguyễn Ngọc Miền, Giám đốc công ty cổ phần đầu tư xây dựng Phú Thái cho biết.
Theo Nghi Sơn, sản phẩm PCB40 dân dụng này có thể sử dụng đồng thời cho nhiều công đoạn khác nhau trong quá trình xây nhà, giúp người tiêu dùng không phải kết hợp nhiều loại xi măng khác nhau như trước.
Trưởng phòng Kỹ thuật công ty xi măng Nghi Sơn Akira Obatake cho biết: “Để sản xuất mặt hàng PCB40 dân dụng này, các kỹ sư thuộc Nghi Sơn đã mất 2 năm nghiên cứu, đầu tư thêm thiết bị, thậm chí dành hẳn một dây chuyền và silo riêng cộng với việc sử dụng phụ gia đặc dụng để đảm bảo loại xi măng mới có độ dẻo cao và độ bền cao hơn.”
Thực tế cho thấy nếu không có sự đầu tư bài bản về mặt công nghệ như Nghi Sơn, khả năng thành công của sản phẩm xi măng mới là rất khó. Vốn đầu tư hạn chế và dây chuyền công nghệ thiếu hiện đại đã dẫn tới nhiều trường hợp thua lỗ như dự án nhà máy xi măng Đồng Bành, Thanh Liêm…
Số nhà máy xi măng trên toàn Việt Nam được chia thành 3 nhóm chính: nhóm trực thuộc Tổng công ty công nghiệp xi măng Việt Nam, các đơn vị liên doanh với nước ngoài và các nhà máy xi măng được những tập đoàn và công ty tư nhân tự đầu tư xây dựng. Tổng cộng trên cả nước có gần 100 nhà máy sản xuất xi măng, nhưng trong đó ước chừng chỉ 20% là những thương hiệu đã đứng vững được trên thị trường.
PV