1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

“Thúc” tiến độ cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, sớm “khai thông” cửa ngõ Việt -Trung

(Dân trí) - Có chiều dài 43km, đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng khi hoàn thiện được kỳ vọng sẽ mở “nút thắt” cuối cùng cho cửa ngõ giao thương giữa Việt Nam - Trung Quốc. Đây là tuyến giao thông quan trọng nối kết Thủ đô Hà Nội với hành lang kinh tế phía Bắc, dự kiến sẽ cán đích trong năm 2020.

Cuối năm 2005, Trung Quốc hoàn thành xây dựng tuyến đường cao tốc từ thành phố Nam Ninh, thủ phủ tỉnh Quảng Tây xuống cửa khẩu Hữu Nghị theo vành đai biên giới Trung Quốc - Việt Nam và nối liền với Quốc lộ 1 của Việt Nam.

Ở Việt Nam, 5 tuyến cao tốc nối Hà Nội với Hải Phòng, Ninh Bình, Hòa Lạc, Lào Cai, Thái Nguyên đã được đầu tư xây dựng và đi vào khai thác từ nhiều năm nay. Hiện nay, tuyến đường Hà Nội - cửa khẩu Hữu Nghị đang trong giai đoạn tập trung mọi nỗ lực tháo gỡ “nút thắt” cuối cùng với 43km đoạn đi qua Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao), được Thủ tướng Chính phủ cho phép gộp chung vào Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.

Nút thắt cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị đang được dồn lực khai thông
"Nút thắt" cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị đang được dồn lực khai thông

Tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn - Hữu Nghị có vị trí đặc biệt quan trọng trong hành lang kinh tế kết nối Hà Nội với các tỉnh phía Bắc, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, phát triển giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tuyến giao thông quan trọng này được xác định là 1 trong 6 tuyến đường huyết mạch nằm hệ thống đường cao tốc hướng tâm kết nối với Thủ đô Hà Nội.

Tuyến cao tốc này được chia làm 3 đoạn: Đoạn Hà Nội - Bắc Giang dài 45km, đã đi vào khai thác; đoạn Bắc Giang - Lạng Sơn có chiều dài 64km đã khởi công từ tháng 3-2016, dự kiến cuối năm 2019 hoàn thành; đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng có chiều dài 43km thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc, có tốc độ 80km/h.

Ông Trần Phúc Tự - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn - Hữu Nghị cho biết, trong quá trình thực hiện, dự án gặp một số khó khăn, vướng mắc nhất là ở khâu giải phóng mặt bằng. Nếu địa phương làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tuyến đường sẽ phải hoàn thành trong năm 2020 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Theo ông Tự, nguyên nhân chính của những vướng mắc ở dự án là do việc đặt 2 trạm thu phí trên quốc lộ 1 trong phạm vi dự án dài 110km có nguy cơ xung đột lợi ích với người dân khi triển khai thu phí. Đồng thời, việc chậm triển khai sẽ dẫn đến việc không hoàn thành đoạn nối kết còn lại là Hữu Nghị - Chi Lăng theo kế hoạch vào năm 2019, làm ảnh hưởng lưu lượng xe tính toán do việc khai thác không đồng bộ tuyến cao tốc hành lang kinh tế Hà Nội - Lạng Sơn - Nam Ninh (Trung Quốc).

Được biết, Chính phủ ra hạn thông xe và đưa vào khai thác đoạn tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng vào năm 2020. Để triển khai dự án về đích theo đúng kế hoạch, các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, chính quyền địa phương nơi có tuyến đường đi qua và nhà đầu tư cần hợp lực chia sẻ trách nhiệm, thống nhất để tránh những xung đột không đáng có, bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, nhà nước và nhà đầu tư - góp phần tiết giảm tổng mức đầu tư của dự án.

Châu Như Quỳnh

“Thúc” tiến độ cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, sớm “khai thông” cửa ngõ Việt -Trung - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm