Thực phẩm tươi vẫn có chất bảo quản

Sau vụ rau câu đóng vỉ nghi nhiễm DEHP, từ đầu tháng 6/2011 đến nay, bà Trần Thu Tâm (quận 10, TP.HCM) lại ra cửa hàng hoặc siêu thị gần nhà mua bánh flan, rau câu, sữa đậu xanh… loại ăn liền (hạn sử dụng ngắn, yêu cầu bảo quản lạnh).

Bà Tâm nghĩ, đây là thực phẩm tươi, an toàn hơn loại sản xuất công nghiệp. Ngay khi mua chả lụa, bà Tâm cũng chọn loại gói lá chuối. Nhưng thực tế không hẳn vậy.

 

Nhiều món tươi vẫn chứa chất bảo quản

 

Tại một siêu thị bán chả lụa gói lá chuối, người phụ trách kinh doanh tại đây cho biết, họ luôn yêu cầu nhà cung cấp trình hoá đơn mua thịt từ nhà cung cấp uy tín, kiểm tra nơi sản xuất, thậm chí mua dụng cụ thử phát hiện hàn the… nhưng chưa kiểm tra được trong chả lụa có chứa chất bảo quản natri benzoat hoặc chất tạo mùi thịt…
 
Thực phẩm tươi vẫn có chất bảo quản - 1

 

Ngày 4/6/2011 tại hội thảo Phụ gia thực phẩm: những nguy cơ tiềm ẩn” tổ chức tại TP.HCM, ông Vũ Trọng Thiện, phó viện trưởng viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM cho biết: qua kiểm tra ngẫu nhiên 100 chiếc bánh bao được bày bán trên thị trường thì có đến 93 chiếc sử dụng chất bảo quản ngoài danh mục cho phép.

 

Một số thực phẩm khác như: phômai, sữa tươi tiệt trùng, thực phẩm chay, mì ăn liền, tương ớt, tương cà cũng sử dụng liều lượng natri benzoat vượt mức cho phép, có loại vượt gấp nhiều lần.

 

TP.HCM có hàng trăm điểm bán bánh bao, từ tiệm ăn đến lề đường, hầu hết đều lấy từ các lò. Thời gian từ lúc sản xuất đến tay người dùng có khi qua vài ngày. Vì vậy chất bảo quản sẽ giúp nhân thịt, trứng không bị hư.

 

Bà N., chủ một cơ sở sản xuất bánh mứt ở TP.HCM cho biết: “Bánh bông lan, bánh trung thu thường tự bảo quản bằng độ ngọt của đường. Do người tiêu dùng thích bánh ít ngọt, thời gian sử dụng sẽ ngắn lại. Bánh được bày bán trong tủ kính dưới nắng, dưới đèn nóng... khiến vi khuẩn dễ phát triển, muốn bảo quản lâu phải cần đến natri benzoat”. Việc sử dụng chất bảo quản natri benzoat (còn gọi là muối natri) để thực phẩm không bị ôi thiu, nấm mốc nhằm kéo dài thời hạn sử dụng đang rất phổ biến.

 

Rau câu, bánh flan, sữa đậu xanh… vốn là loại ăn liền, người bán để trong tủ lạnh và người mua cũng phải giữ lạnh nên thường bị nhầm lẫn là món tươi. Thực ra trong thành phần một số loại bánh flan, có ghi chứa muối natri. Một số loại còn thêm hương liệu để dậy mùi sữa, mùi caramen. Trong rau câu ngoài chất bảo quản, còn có thêm màu xanh, màu đỏ, màu cam… và mùi hương lá dứa, hương dâu, hương cam (tuỳ theo loại).

 

Con gái bà Tâm đã từng để quên dĩa chả lụa trong lồng bàn hai ngày, trong thời tiết nóng ẩm, không bảo quản lạnh, miếng chả vẫn không bị hư. Thấy vậy bà Tâm đã thử mua cây chả gói lá chuối mang về dùng 1/2 cây, và 1/2 còn lại để tủ lạnh, sau một tháng chả vẫn tươi. Còn bà Tuyết (quận 3) đã hốt hoảng khi thấy nước tiểu của con trai tám tuổi có màu đỏ. Truy hỏi cặn kẽ mới biết cậu bé đã ăn đến hai gói xôi gấc mua gần trường. Bà Tuyết chia sẻ: Tôi không rõ họ nấu bằng phẩm màu gì mà đi tiểu ra màu đỏ, từ đó không bao giờ tôi dám mua xôi gấc, xôi xanh lá dứa hay tím lá cẩm nữa.

 

Ngay cả bánh trung thu, cũng đừng tưởng loại nào cũng dùng toàn nguyên liệu tự nhiên như lòng đỏ trứng tẩm vào vỏ bánh để khi nướng có màu vàng nâu và bảo quản bằng độ ngọt của đường. Một số loại bánh nhân thập cẩm còn chứa chất điều vị, bánh nhân ngọt chứa hương liệu tạo mùi đậu xanh, trà xanh, dâu… và phẩm màu.

 

Tác hại tiềm ẩn

 

Theo tiêu chuẩn châu Âu (CODEX), cũng như tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), quy định của bộ Y tế, thì chất bảo quản natri benzoat được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm, với khuyến cáo không dùng cho trẻ dưới một tuổi.

 

Vào tháng 12/2009, cơ quan chức năng từng xử phạt một số cơ sở sản xuất cháo dinh dưỡng cho trẻ em tại TP.HCM vì dùng natri benzoat để bảo quản mà không công bố thành phần này để người tiêu dùng biết. Hiện nay bánh flan, rau câu bảo quản lạnh dù có ghi thành phần này trên bao bì nhưng không ghi độ tuổi sử dụng. Nhiều bà mẹ lại tìm cách ép cho con ăn vì nghĩ bánh flan bổ dưỡng…

 

Tại hội thảo về phụ gia thực phẩm được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 5/2011, PGS.TS Phan Thị Sửu (hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam) công bố: kiểm tra 203 mẫu nguyên liệu gồm chín loại màu trên thị trường thì 100% màu xanh dương, tím nho, hồng đều là màu ngoài danh mục cho phép, chỉ có 2/32 màu xanh lá cây nằm trong danh mục.

 

Về tác hại của phẩm màu, theo hội thảo “Sử dụng phẩm màu trong thực phẩm” do viện Vệ sinh y tế công cộng (sở Y tế TP.HCM) tổ chức vào tháng 3/2011, các diễn giả đều cho rằng, lạm dụng phẩm màu tiềm ẩn các nguy cơ gây hại cho sức khoẻ. Người tiêu dùng không thể phân biệt các loại thực phẩm sử dụng phẩm màu tự nhiên hay tổng hợp. Tất cả chỉ trông vào... lương tâm và uy tín của nhà sản xuất qua những thông tin khai báo (theo quy định bắt buộc) trên bao bì. Còn đối với các loại thực phẩm tươi bày bán không có bao bì, nhãn mác thì người tiêu dùng đành chịu.

 

Theo quy định, nhà sản xuất tự công bố chất lượng và phải đảm bảo sản xuất thực phẩm đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Trên thực tế, với cả ngàn điểm sản xuất thực phẩm tươi từ công ty đến hộ gia đình như hiện nay, chỉ đến khi có sự cố xảy ra, cơ quan chức năng đến kiểm tra thì mới biết nơi sản xuất và sản phẩm đó có đạt tiêu chuẩn hay không!

 

Theo Bích Thảo

SGTT

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm