1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Thực phẩm cua lột - ai quản lý chất lượng?

(Dân trí) - Hẳn trong số nhiều người thích món cua biển khi đi chợ hay đi nhà hàng sẽ có thắc mắc cua lột (dân gian gọi là cua bấy) ở đâu mà nhiều thế, lột tự nhiên hay do người nuôi sử dụng hoá chất “ép” lột? Ghi nhận ban đầu của Dân trí về loại thực phẩm cao cấp này.

Cua lột: bao nhiêu cũng có

Điểm bán thuỷ sản chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) luôn thu hút nhiều bà nội trợ. Bà Vân - một chủ hàng cua tại đây - cho biết, từ ngày có dịch cúm gia cầm, dịch lợn tai xanh, hàng thuỷ sản, đặc biệt món cua là lựa chọn ưa thích của nhiều người thu nhập khá. Nếu trước đây cả ngày mới bán được gần chục kg, thì hiện nay một buổi sáng bà Vân cũng “xuất kho” vài trăm kg cua sống.

Mặc dù chưa cơ quan chức năng nào khẳng định cua lột có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn cua bình thường nhưng trên thị trường giá cua lột bao giờ cũng cao hơn cua vỏ cứng.

 

Một cán bộ có trách nhiệm tại Viện Hoá học và các hợp chất thiên nhiên (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, để có câu trả lời chính xác về hiện tượng cua lột “đột biến” như vậy, cần thiết phải tiến hành những thí nghiệm. Vị này cũng cho rằng, kết quả sẽ có sau vài tuần thực hiện.

Giá mỗi kg cua tươi từ 150.000đ - 180.000đ, giá cua lột cao hơn từ 200.000đ - 250.000đ. “Dù giá cao nhưng cua lột vẫn được nhiều người quan tâm vì đó là thực phẩm nhiều dinh dưỡng” - chị Hà, một chủ hàng cua tại chợ Thành Công, cho biết. Theo chị Hà, cua lột chủ yếu được bán vào các nhà hàng, khách sạn, người tiêu dùng nhỏ lẻ có mua nhưng lượng tiêu thụ chưa nhiều. Ngoài cua lột, ở đây cũng có cả ghẹ lột.

Tiếp xúc với các chủ bán cua thì được biết, hiện nay cua lột không còn hiếm như các năm trước. Bao nhiêu cũng có, bằng nhiều cách tác động khác nhau, cua sẽ lột theo ý muốn của người nuôi. Theo nhu cầu của người tiêu dùng, chủ nuôi sẵn sàng dùng chất kích thích để bắt cua phải… “bóc vỏ”. Họ cho rằng, cua lột thường có trọng lượng cao hơn so với cua vỏ cứng.

“Mạnh tay” đặt hàng lấy một tạ cua lột phục vụ nhà hàng mới mở, chủ cửa hàng “thế giới hải sản” tại chợ Kim Liên trấn an rằng “mua bao nhiêu cũng có”. Chủ hàng này tiết lộ thêm, cua lột chỉ có hàng đông lạnh, được nhập từ miền Nam ra: “Giá cua lột hôm nay (13/8) là 170.000đ/kg, mua nhiều thì có giảm giá”.

“Tuy chưa có thông tin về dinh dưỡng nhưng theo tôi thì giữa cua lột và cua chưa lột không có gì khác biệt nhiều về dinh dưỡng. Có thể do thịt và mai cua lột mềm mại, dễ ăn (không phải bóc mai cứng, không phải dùng kìm để phá vỡ vỏ càng cua ...) nên cua lột có giá cao hơn chăng?” - ông Vũ Văn In, Trung tâm chất lượng, an toàn vệ sinh thú y thuỷ sản vùng I, đặt câu hỏi.

“Ép” cua lột xác

Cũng theo ông In, trong tự nhiên, cua lột xác là để sinh trưởng và phát triển. Sau mỗi lần lột xác, chúng gia tăng về kích cỡ. Tuỳ giai đoạn phát triển mà chu kỳ lột xác của cua mau, thưa khác nhau. Ở giai đoạn cuối của vụ nuôi, cua thường lột xác từ 1-2 lần/tháng tuỳ thuộc vào chế độ chăm sóc và chất lượng môi trường ao nuôi. Theo ông In, không loại trừ cua bán ngoài chợ có thể do người nuôi sử dụng hoá chất kích thích lột xác.

Còn ông Phan Văn Mạch, phòng sinh thái môi trường nước (Viện sinh thái tài nguyên sinh vật) cho rằng, ngoài việc cua lột tự nhiên, hiện tượng người nuôi sử dụng hoá chất kích thích cua lột hàng loạt vẫn có thể xảy ra.

Khả năng phần nhiều là ép cua lột xác bằng cách sử dụng hoá chất hoặc một số loại thức ăn kích thích cua lột xác. Dưới góc độ nhà tiêu dùng, ông Mạch cho biết: “Đương nhiên người tiêu dùng sẽ đặt câu hỏi tại sao cua lột ngoài tự nhiên thì ít mà ở chợ lại bán nhiều như vậy. Như vậy khả năng người nuôi sử dụng các chất kích thích lột xác là có, rất tiếc là tôi chưa biết đó là những chất gì”.

Ông In lo ngại, nếu người nuôi sử dụng hoá chất độc hại thuộc danh mục cấm hoặc sử dụng không đúng cách thì dư lượng của các loại hoá chất đó trong sản phẩm nuôi có thể gây hại cho người tiêu dùng. “Cho đến nay thì tôi vẫn chưa biết người nuôi sử dụng loại hoá chất gì để kích thích cua lột” - ông In nói cũng như ông Mạch.

Trần Hưng