Thực hư "xăng sinh học E5 gây cháy nổ xe"?

(Dân trí) - Theo đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, 65% nguyên nhân cháy nổ là do chập điện, chuột cắn, 35% không rõ nguyên nhân và cháy chủ yếu là xe tải chạy dầu diesel không liên quan tới xăng E5.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

*
800.000 thuê bao bị lừa 9 tỷ đồng có thể được hoàn tiền?

* Bắt một gián điệp, Đức triệu đại sứ Mỹ

* HNX: Hơn 50% cổ phiếu niêm yết tăng giá trong tháng 6

* Trung Quốc cũng nhăm nhe "xoay trục" tại châu Á để đọ với Mỹ

Chất lượng xăng sinh học E5 một lần nữa đã được đề cập tại “Tọa đàm trực tuyến xăng sinh học E5” do Công thông tin điện tử Bộ Công thương tổ chức mới đây.
 
Tại tọa đàm, ông Trần Văn Vinh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn  (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, xăng E5 đạt tiêu chuẩn TCVNEQ-2009 và là sản phẩm công nghệ tốt, phù hợp với môi trường, không ảnh hưởng tới máy móc, thiết bị sử dụng.
 
Liên quan đến một số thắc mắc của người dân về việc “Liệu xăng E5 có phải là nguyên nhân gây ra một số vụ cháy xe cuối năm 2011- 2012 hay không?”, ông Vinh dẫn chứng, theo nghiên cứu của các Bộ (Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Giao thông vận tải, Công an) thì 65% nguyên nhân cháy nổ là do chập điện, chuột cắn, 35% không rõ nguyên nhân và cháy chủ yếu là xe tải chạy dầu diesel không liên quan tới xăng E5. Do đó, không thể khẳng định xăng E5 gây cháy nổ và người dân có thể hoàn toàn an tâm khi sử dụng xăng.
 
Xăng E5 được cho là có giá tương đương giá xăng thông thường.
Xăng E5 được cho là có giá tương đương giá xăng thông thường.
 
Tại tọa đàm, các khách mời cũng cho rằng, so với xăng khoáng RON 92 và RON 95 đang lưu thông trên thị trường, xăng E5 đang được bán với giá không chênh lệch nhiều so với xăng truyền thống. Nếu yếu tố cấu thành đầu vào tiết kiệm thì giá nhiên liệu sinh học sẽ rẻ hơn và ngược lại. 
 
“Giá xăng E5 hay E10 chủ yếu được quyết định bởi giá xăng nền là RON 92 từ 90%-95%. Còn lại 5%-10% tỉ lệ phối trộn cồn ethanol là phần sản xuất ở trong nước, lại có ý nghĩa về môi trường nên không chịu thuế nhập khẩu, được ưu đãi thuế môi trường. Do đó, chắc chắn giá thành không cao. Càng tăng từ xăng E5 lên xăng E10 thì giá càng giảm so với xăng khoáng thông thường” - theo ông Nguyễn Phú Cường - Phó vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công Thương).
 
Bàn về vấn đề năng lực sản xuất xăng sinh học, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, đến đầu năm 2013 cả nước đã có 6 nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học đi vào hoạt động với công suất thiết kế đạt 535 triệu lít ethanol/năm. 
 
Như vậy, với công suất hiện có, các nhà máy sản xuất ethanol hoàn toàn có khả năng thay thế 100% và vượt toàn bộ nhu cầu tiêu dùng xăng cả nước đến năm 2015 với tỷ lệ phối trộn 5%. “Hiện tại xăng E5 và xăng thông thường có giá thành như nhau vì tuân theo nguyên tắc thị trường, nhưng Chính phủ sẽ xem xét để hỗ trợ về thuế và phí cho xăng sinh học", Thứ trưởng Hưng chia sẻ.
 
Đến thời điểm này, cả nước mới có 3 trong số 19 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu tham gia kinh doanh xăng E5 với tổng số 169/13.000 cây xăng trong cả nước. Ước tính, mức tiêu thụ xăng E5 trong thời gian qua của các doanh nghiệp này cũng chỉ bằng 1/8 so với xăng truyền thống. 
 
Do vậy, ông Nguyễn Sinh Khang, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) kiến nghị: Chính phủ và Bộ Công Thương cần có chính sách dài hạn cho doanh nghiệp đầu tư vào nhiên liệu sinh học như miễn thuế nhập khẩu đối với thiết bị vật tư tồn trữ, vận chuyển, pha chế, phân phối nhiên liệu sinh học trong nước chưa sản xuất được. Đồng thời xem xét miễn thuế, phí môi trường đối với phần xăng nền để pha chế xăng E5; giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng E5 đưa vào lưu thông,v.v...
 
Về chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp, Thứ trưởng Hưng khẳng định, Chính phủ đã có phương án ưu đãi về đất đai, thuế doanh nghiệp khi triển khai kinh doanh sản phẩm xăng sinh học. "Ban đầu giá xăng E5 có thể ngang với xăng truyền thống, nhưng tùy điều kiện, doanh nghiệp có thể tự điều chỉnh giá để khuyến khích người tiêu dùng. Nhà nước sẽ không bù giá, chịu lỗ thay cho doanh nghiệp xăng dầu".
 
Bích Diệp

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”