Thừa mía không còn là nguy cơ
Ông Lê Văn Tam - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường VN cho biết: chuyện thừa mía và giá mía giảm không còn là nguy cơ nữa mà sẽ diễn ra trong niên vụ tới.
Dự báo sản lượng mía tại khu vực ĐBSCL vào niên vụ tới ở mức 7-7,2 triệu tấn, chưa kể nhiều địa phương hiện vẫn tiếp tục mở rộng diện tích trồng mía. Trong khi đó, nhu cầu nguyên liệu của 9 nhà máy đường tại khu vực này chỉ vào khoảng 5,5-6 triệu tấn, thậm chí có thể giảm do hai nhà máy đường tại Kiên Giang và Cà Mau sẽ ngưng hoạt động. Do vậy bài học đã từng xảy ra năm 2002 và 2004 có thể lặp lại, chịu thiệt là nông dân trồng mía “tiền mất, nợ mang”.
Nhưng chính các nhà máy đường đang kích thích nông dân trồng mía khi đẩy giá mua mía lên cao.
Tôi lo vì mức giá mía này thật vô lý và sẽ không tồn tại lâu! Ngay tại Thái Lan, giá mía vào thời điểm cao nhất cũng chỉ khoảng 28 USD/tấn, còn bình thường ở mức 20 USD/tấn. Tính ra giá mía của họ chưa bao giờ vượt 500.000đ/tấn.
Một số nhà máy đường ở khu vực ĐBSCL bắt đầu sản xuất từ cuối tháng tám và đầu tháng 9-2005, dự kiến đến cuối tháng 5-2006 mới hết mía, như vậy đâu có thiếu mía. Nông dân chưa khó nhưng ngay lúc này không ít nhà máy đường đang ngắc ngoải vì đã lỡ đẩy giá mía lên cao. Tôi từng nói với các nhà máy là giá cao cũng là giá... “treo cổ” các nhà máy đường.
Vì sao, chẳng lẽ các nhà máy đường lại tự giết mình, thưa ông?
Với giá nguyên liệu đầu vào lên tới 700.000đ/tấn mía, giá thành sản phẩm đường đã lên hơn 10.000đ/kg, quá bất hợp lý. Không ít nhà máy sản xuất ra rồi... cất đường trong kho, không bán được vì không cạnh tranh nổi với đường nhập lậu.
Ngay cả đường nhập khẩu về đến VN cũng chỉ khoảng 9.000-9.500đ/kg, nhưng các doanh nghiệp cũng không dám nhập vì sợ đường lậu.
Thời gian qua giá đường trong nước tăng và đứng ở mức cao là do chúng ta thiếu đường, nguồn cung thấp hơn nhu cầu, buộc người tiêu dùng phải chấp nhận mua đường giá cao. Nhưng chắc chắn giá đường sẽ không tăng mãi.
Theo tôi được biết, mới đây Bộ Thương mại đã kiến nghị Chính phủ bỏ hạn ngạch nhập khẩu đường, đồng thời giảm thuế suất nhập khẩu đối với mặt hàng này. Nếu kiến nghị này được chấp nhận, tôi e rằng không lâu nữa, có thể vào cuối năm nay, nhiều nhà máy đường sẽ khó khăn.
Vậy thì theo ông, giải pháp nào để vừa có thể hài hòa được các lợi ích: người tiêu dùng - nông dân - nhà máy đường?
Thay vì tăng giá mua mía, các nhà máy hỗ trợ nông dân nâng cao năng suất và chất lượng mía. Với giá mía 700.000đ/tấn, ruộng mía có năng suất 60 tấn/ha, nông dân chỉ thu được 42 triệu đồng/ha. Nhưng nếu ruộng mía đạt năng suất 100 tấn/ha, chỉ cần giá mía vào khoảng 500.000đ/tấn, nông dân đã có thu nhập 50 triệu đồng/ha.
Thực tế, nhiều diện tích mía đạt năng suất hơn 100 tấn mía/ha. Do vậy có thể khẳng định việc đẩy giá mía lên cao không phải là cách tốt nhất để tăng thu nhập cho nông dân.
Một giải pháp nữa mà chúng tôi vừa đề xuất là các nhà máy đường cùng góp vốn thành lập một công ty cổ phần cung ứng nguyên liệu chung cho các nhà máy tại khu vực ĐBSCL. Đơn vị này có trách nhiệm đầu tư vùng nguyên liệu và cung cấp cho các nhà máy.
Tôi tin rằng nếu có một công ty cung ứng nguyên liệu, hiện tượng tranh mua tranh bán hay bỏ rơi nông dân sẽ không còn tái diễn...
Theo Hải Đăng
Báo Tuổi trẻ