Thủ tướng thông qua Quy hoạch Cảng hàng không Quốc tế Long Thành

(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ra văn bản đồng ý về mặt nguyên tắc thông qua Đồ án Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai) do Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu đề xuất.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTV là đơn vị chịu trách nhiệm tiếp thu ý kiến, hoàn thành dự thảo Quyết định phê duyệt quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Long Thành trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4/2011; đồng thời, chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành, UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo, triển khai: lập Báo cáo đầu tư, Dự án đầu tư... trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Văn bản chỉ đạo số 92/TB-VPCP ngày 19/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ: Để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại thì một trong 3 khâu đột phá là phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là đối với các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam.

Theo Thủ tướng, việc đầu tư, xây dựng và đưa vào sử dụng sân bay Long Thành cùng với các sân bay khác như : Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và sân bay Biên Hòa ở khu vực phía Nam… sẽ tạo nên mạng lưới để kết nối giao thông cho cả vùng và khu vực.

Cùng với Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch - Đầu tư làm việc với phía Nhật Bản về đề nghị hỗ trợ vốn ODA cho công tác lập báo cáo Nghiên cứu khả thi dự án.
 
Thủ tướng thông qua Quy hoạch Cảng hàng không Quốc tế Long Thành - 1
Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành dự kiến được xây dựng vào năm 2015

Theo đề xuất của Bộ GTVT, dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành được chia làm 3 giai đoạn như sau:

Từ 2015- 2020: Tổng mức đầu tư trong giai đoạn này dự kiến lên tới hơn 6.744 triệu USD.

Đầu tư xây dựng 2 đường hạ cất cánh, đường lăn, khu đậu máy bay, nhà ga hành khách với công suất 25 triệu lượt khách/năm; nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn/năm; khu điều hành khai thác, khu quản lý hoạt động bay, khu công nghiệp hàng không, khu phụ trợ.

Hai đường cất hạ cánh trên có thể tiếp nhận các máy bay chở khách loại lớn nhất hiện nay như Airbus A380 và sân đậu máy bay có 34 chỗ.

Sau khi đưa vào khai thác, Long Thành sẽ thay thế sân bay Tân Sơn Nhất để trở thành sân bay quốc tế lớn nhất Việt Nam và trung tâm trung chuyển khách lớn trong khu vực.

Từ 2020 - 2030: sẽ có ba đường cất hạ cánh, hai nhà ga công suất 50 triệu khách/năm, ga hàng hoá 1,5 triệu tấn/năm.

Sau năm 2030: sân bay Long Thành gồm bốn đường cất hạ cánh song song với mỗi đường dài 4.000m và rộng 60m, và bốn nhà ga tổng công suất đạt 100 triệu khách/năm, ga hàng hoá công suất 5 triệu tấn/năm.

Bộ Giao thông vận tải cho biết, sau khi sân bay Long Thành hoàn thành và bắt đầu khai thác, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ vẫn tiếp tục được sử dụng. Tuy nhiên, từ năm 2020 - 2035, Long Thành sẽ khai thác 90% thị phần các đường bay quốc tế và 20% đường bay quốc nội; sân bay Tân Sơn Nhất khai thác 10% quốc tế và 80% quốc nội.

Sau năm 2035, Bộ GTVT sẽ căn cứ vào điều kiện cụ thể để quyết định mức độ hoạt động của sân bay Tân Sơn Nhất với tính chất, quy mô hợp lý và là sân bay dự phòng.

Trước đó, tháng 7/2005, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vị trí, quy mô và phân khu chức năng dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành tại Quyết định số 703/QĐ-TTg.

Tháng 12/2006, Cụm cảng Hàng không miền Nam và UBND Tỉnh Đồng Nai công bố quy hoạch sân bay này, cách trung tâm TP.HCM 40km, cách sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất 43km và cách trung tâm thành phố Vũng Tàu 48km.

Về quy hoạch giao thông đường bộ, đường sắt kết nối với sân bay Long Thành, Bộ GTVT đề xuất đường trục ra vào cảng phía đầu tây nam được nối trực tiếp vào đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đi về đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, phía đầu đông bắc nối với đường vành đai 4.

Ngoài ra, tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM - Nha Trang và tuyến đường sắt đô thị Thủ Thiêm - Long Thành sẽ được kết nối ngầm với sân bay Long Thành tại phía trục chính trước mặt nhà ga hành khách.

Quỳnh Anh