Thủ tướng: Ngành Công Thương có những đóng góp "không bàn cãi" nhưng đừng để mất thị trường bán lẻ
(Dân trí) - Việt Nam tham giá nhiều FTA, do vậy Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý Bộ Công Thương đẩy mạnh hơn nữa kim ngạch xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu. “Chúng ta có 100 triệu dân. Không thể để mất thị trường bán lẻ được”, Thủ tướng nói.
Quy mô xuất nhập khẩu lớn chưa từng có
Ngày 27/12, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị tổng kết năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ năm 2020.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những đóng góp “không bàn cãi” của ngành công thương Việt Nam đối với những thành tựu vừa qua đất nước đạt được.
Theo Thủ tướng, trong bối cảnh toàn cầu tụt dốc thì thành quả toàn diện năm 2019 Việt Nam đạt được (tăng trưởng kinh tế đạt trên 7%, lạm phát thấp…), khách quan nhận xét có sự đóng góp to lớn toàn ngành công thương.
Thủ tướng cho biết, tổng quy mô xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt trên mức 500 tỷ USD, lớn chưa từng có, tốc độ tăng gấp 4 lần so với bình quân thế giới.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục gần 264 tỷ USD; xuất siêu đạt 9,94 tỷ USD. Có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
“Những con số này 10 năm trước đây chúng ta không hình dung được. Bởi trước đây chúng ta nhập siêu liên tục”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Mặc dù trong cơ cấu này, hàng của doanh nghiệp Việt dù chưa cao bằng FDI song theo Thủ tướng, sự tăng trưởng này cũng đã thể hiện sự lớn mạnh của doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó tỷ lệ xuất khẩu hàng thô cũng giảm, thay vào đó các hàng hoá qua chế biến được đẩy mạnh hơn.
Thủ tướng cũng cho rằng, lạm phát thấp, đời sống người dân được cải thiện, mức sống tốt lên đưa tổng mức bán lẻ hàng hoá tăng. “Ra đường phố người ta mua bán nhộn nhịp lắm, tôi rất vui mừng. Doanh nghiệp cần nghiên cứu để phục vụ thị hiếu của người tiêu dùng. Dân có giàu nước mới mạnh”, Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết ông ghi nhận những nỗ lực cải cách của Bộ Công Thương trong năm 2019 góp phần xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động.
Sau khi là Bộ đầu tiên hoàn thành việc cắt giảm, đơn giản hóa 675/1216 điều kiện kinh doanh vào năm 2017 (tiết kiệm hơn 122.000 ngày công mỗi năm), Bộ Công Thương tiếp tục là Bộ đầu tiên ban hành Quyết định 3720/QĐ-BCT ngày 11/10/2018 về Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh lần thứ 2 cho giai đoạn 2019 - 2020.
Theo đó, năm 2019, Bộ Công Thương đã tiếp tục đơn giản hóa, cắt giảm 33 thủ tục hành chính trong tổng số 445 thủ tục hành chính hiện có thuộc phạm vi chức năng quản lý.
Thủ tướng giao Bộ Công Thương nhiều nhiệm vụ quan trọng
Nhấn mạnh năm 2020 có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước sẽ diễn ra, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương phải nhận thức được nhiệm vụ, đảm bảo thực hiện mọi mặt phải tốt hơn 2019, tiếp tục phương châm hành động, bứt phá để vượt các chỉ tiêu 2019-2020.
3 mục tiêu cụ thể mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra cho ngành công thương gồm: Công nghiệp chế biến chế tạo phải tăng 12%; Xuất khẩu đạt mốc chạm 300 tỷ USD trong năm 2020; Tăng trưởng thương mại nội địa, bán lẻ hàng hoá đạt tăng trưởng 12%.
Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Công Thương lưu ý một số nhiệm vụ.
Đầu tiên là bám sát những nội dung nhiệm vụ trong Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
Bộ Công Thương cần triển khai đồng bộ các Hiệp định thương mại (FTA), chú trọng các thị trường tiềm năng. Hoàn thiện thể chế, tiếp tục đổi mới cơ chế, từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, đơn giản thủ tục hành chính.
Thủ tướng cũng yêu cầu ngành công thương tiếp tục tái cơ cấu, tập trung xử lý các dự án thua lỗ kéo dài. Không chỉ 12 dự án mà có thể là 15 -17 dự án.
“Chúng ta không kêu ca cái cũ, đổi lỗi cho ai cả nhưng trách nhiệm của chúng ta là phải gánh những tồn tại này”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, phát triển năng lượng nói chung, các dự án điện nói riêng là vấn đề quan trọng nhằm đảm bảo cung cấp đủ điện. "Không được thiếu điện" là mệnh lệnh Thủ tướng giao cho ngành điện.
Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh cần phải ưu tiên phát triển năng lượng sạch, bảo vệ môi trường. Đối với các dự án điện than, nếu phát triển thêm có thể sẽ nhận phản ứng trái chiều từ dư luận. Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ của ngành công thương chứ không riêng của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Thủ tướng đề nghị chú trọng đến chính sách phát triển công nghiệp, yêu cầu các địa phương phải hưởng ứng phát triển công nghiệp.
“Bộ Công Thương phải đi đầu trong vấn đề giải quyết quy hoạch, không để quy hoạch làm ách tắc phát triển. Có những chủ trương biện pháp cụ thể để giải phóng các nguồn lực đang trì trệ như mặt bằng, nhân lực. Phổ cập hơn nữa, thúc đẩy hơn nữa các cam kết quốc tế nhất là người dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng nhấn mạnh, hiện nay có nhiều FTA nhưng hiểu biết của nhiều vị sở giám đốc công thương các địa phương, cán bộ quản lý yếu, cần phải nâng cao hơn nữa.
Ngoài ra, Việt Nam tham giá nhiều FTA, do vậy Thủ tướng lưu ý Bộ Công Thương đẩy mạnh hơn nữa kim ngạch xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu.
“Chúng ta có 100 triệu dân. Không thể để mất thị trường bán lẻ được”, Thủ tướng lưu ý Bộ Công Thương.
Nguyễn Mạnh