Thu nhập quốc gia bình quân đầu người đang giảm

Lâu nay, các nhà kinh tế trong nước thường xem tăng trưởng kinh tế đồng nghĩa với tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP). Điều này chỉ đúng phần nào.

Thu nhập quốc gia bình quân đầu người đang giảm  - 1
Số liệu thống kê cho thấy trong khi GDP bình quân đầu người năm 2009 tăng 1,14% so với năm 2008, thì tổng thu nhập quốc gia bình quân đầu người lại giảm 1,2%.
 
Việc tính toán chỉ tiêu GDP ở Việt Nam hoàn toàn từ phía cung, tức là cộng tất cả giá trị gia tăng của các đơn vị kinh tế là thường trú trong nước. Chẳng hạn doanh nghiệp FDI khai thác tài nguyên trong nước và toàn bộ giá trị gia tăng của doanh nghiệp này được tính vào GDP, mặc dù trong đó có cả phần thặng dư của nước khác.

Niên giám của cơ quan thống kê hiện nay không chỉ công bố số liệu về GDP mà còn có cả số liệu về tổng thu nhập quốc gia (GNI - Gross National Income), nhưng tiếc là hầu như không có (hoặc rất ít) người sử dụng số liệu này trong các nghiên cứu hoặc các báo cáo.

Tổng thu nhập quốc gia (GNI) = tổng sản phẩm trong nước (GDP) + thu nhập từ sở hữu – chi trả sở hữu. Chỉ tiêu GNI phản ánh thực chất hơn cái mà mỗi quốc gia được hưởng. Có người ví von rằng tài nguyên thiên nhiên của một quốc gia như của cải của ông cha trong một gia đình để lại cho con cháu, nhưng vì ông cha cất rất kỹ nên chúng ta phải mời người ngoài vào để lấy hộ số của cải đấy ra và phải chia cho người ta một phần của cải.

Toàn bộ số của cải lấy được đó sau khi trừ đi một phần nhỏ chi trả cho việc mua các dụng cụ cắt khóa chẳng hạn, gia đình đó có thể đi khoe với hàng xóm, nhưng thực chất cái mà gia đình đó được hưởng chỉ là một phần trong số tài sản của mình. Tương tự, cái phần được hưởng đối với một quốc gia cũng như vậy và được thể hiện trong tổng thu nhập quốc gia (GNI).

Nhìn lại số liệu 10 năm qua, từ năm 2000-2009, GDP theo giá hiện hành năm 2009 đã tăng gấp 3,8 lần năm 2000 và bình quân hàng năm tăng 16%. Còn GDP đã loại trừ yếu tố giá thì tăng 1,89 lần và bình quân hàng năm tăng 7,3%. Nhưng nếu xét về tổng thu nhập quốc gia theo giá thực tế, năm 2009 so với 2000 chỉ tăng 3,6 lần và nếu lấy chỉ số giảm phát GDP để loại trừ yếu tố giá của tổng thu nhập quốc gia thì mức tăng là 1,81 lần và bình quân hàng năm chỉ tăng 6,8%.

Phần chênh lệch giữa tổng thu nhập quốc gia và tổng thu nhập trong nước nếu là số dương có nghĩa phía Việt Nam có thu nhập sở hữu thuần túy với nước ngoài, và âm tức là phía Việt Nam phải chi trả sở hữu cho nước ngoài nhiều hơn phần thu được từ sở hữu với nước ngoài.

Phần chênh lệch này (niên giám thống kê gọi là thu nhập thuần túy từ nước ngoài) từ năm 2000 đến nay luôn luôn là một số âm. Nếu năm 2000 phía Việt Nam phải chi trả cho nước ngoài 6.300 tỉ đồng thì đến năm 2009 phần phải chi trả sở hữu cho nước ngoài lên đến gần 91.000 tỉ đồng, chủ yếu là lãi tiền vay và doanh nghiệp FDI chuyển lợi nhuận về nước. Xét theo giá hiện hành, tốc độ tăng chi trả sở hữu cho bên ngoài của năm 2009 gấp khoảng 14,4 lần so với năm 2000 (trong khi GDP chỉ tăng 3,9 lần).

Bên cạnh đó, tốc độ chi trả sở hữu ra nước ngoài tăng bình quân hàng năm khoảng 34% (còn GDP tăng bình quân 7,3%). Nếu loại trừ yếu tố giá, hai tỷ lệ trên lần lượt là 7,2 lần và khoảng 25%. Điều này càng cho thấy bản thân chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP không phản ánh chính xác thực trạng của nền kinh tế.

Một điểm nữa cũng cần lưu tâm là nếu xét từ năm 2005-2009, tốc độ tăng giá của GDP hơn 50% nhưng sự thay đổi giá USD chỉ vào khoảng 14%. Như vậy, việc tính GDP bình quân đầu người theo USD như hiện nay (lấy GDP theo giá hiện hành chia cho tỷ giá liên ngân hàng) về thực chất không thể hiện đúng mức thu nhập vì nếu đồng tiền Việt Nam mất giá nhanh hơn đồng USD thì cũng đẩy thu nhập bình quân đầu người tính theo USD cao hơn. Số liệu thống kê cho thấy trong khi GDP bình quân đầu người năm 2009 tăng 1,14% so với năm 2008, thì tổng thu nhập quốc gia bình quân đầu người lại giảm 1,2%.

Trong lúc tổng thu nhập quốc gia ngày càng nhỏ so với GDP (năm 2000 tỷ lệ này là 98,6% GDP đến năm 2009 giảm còn 94% GDP) thì tỷ lệ tiết kiệm từ nền kinh tế cũng giảm nhanh chóng, đặc biệt từ 2006 đến nay (từ 36% xuống còn 29% GDP). Tiết kiệm của nội bộ nền kinh tế là nguồn cơ bản để đầu tư, thế nhưng tỷ lệ tiết kiệm trên tổng vốn đầu tư hàng năm lại giảm nhanh, từ 87% của năm 2006 xuống chỉ còn 67% trong năm 2009.

Như vậy là trong vòng 4 năm, tỷ lệ này giảm gần 20 điểm phần trăm, nhưng điều đáng ngại hơn cả là tỷ lệ đầu tư trên GDP lại không hề suy giảm và thường xuyên ở mức hơn 40% GDP. Điều này cho thấy không thể nói chung chung giảm tăng trưởng để ổn định vĩ mô mà cần xác định ổn định vĩ mô là ổn định cái gì?

Theo Bùi Trinh
 TBKTSG