1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Đà Nẵng:

Thu hồi nước tương chứa độc tố quá chậm

(Dân trí) - Báo chí đã đưa tin dày đặc về mức độ nguy hiểm cho sức khoẻ con người từ các sản phẩm nước tương chứa chất 3-MCPD quá mức cho phép, nhưng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, việc triển khai thu hồi và tiêu huỷ các sản phẩm này xem ra vẫn còn quá chậm.

Tại chợ Hàn, lúc chúng tôi có ý định rảo quanh một vòng thì cũng là lúc Ban Quản lý chợ đang bắt đầu kiểm tra các kiốt bán thực phẩm và phát cho các chủ kinh doanh Quyết định số 34/QĐ-ATTP của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) về việc thu hồi và tiêu huỷ các sản phẩm nước tương, dầu hào này.

Chị Bảy, chủ một sạp hàng, cho biết: thông tin về những sản phẩm quá mức độc hại chúng tôi đã đọc trên báo nhiều ngày nay, và đã liên hệ với các đại lý để trả hàng lấy tiền lui từ cách đây vài ngày, được một điều là hầu hết các đại lý cũng đều vui vẻ chấp nhận.

Tuy nhiên, không phải người bán hàng nào cũng có ý thức như vậy. Chỉ trong vòng 30 phút kiểm tra các sạp, lực lượng chức năng đã phát hiện tại sạp của bà Nguyễn Thị Thanh và của bà Tuyết hơn 10 chai xì dầu, nước tương của 2 công ty sản xuất tại TPHCM nằm trong danh mục bị thu hồi.

Chủ sạp Nguyễn Thị Thanh phân bua: chúng tôi đã gọi điện cho đại lý đến đổi nhưng vẫn chưa thấy họ đến. Hơn nữa, chủ đại lý bảo cứ yên tâm, vì chỉ có một vài sản phẩm của công ty họ bị thu hồi chứ không phải là tất cả.

Rồi chị Thanh cho chúng tôi biết đó là sản phẩm của công ty Mêkong (phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, TPHCM). Trước đó, đại lý đã đưa cho chị một tờ giấy phôtô nhoè nhoẹt có nội dung là thông báo gởi cho các Sở Y tế, các Chi cục Quản lý thị trường và các chợ trên toàn quốc: “Việc yêu cầu thu hồi và tiêu huỷ toàn bộ sản phẩm nhãn hiệu Mêkong là sai tinh thần thông báo của Sở Y tế TPHCM. Công ty chúng tôi sẽ khiếu nại đến các cơ quan chức năng để bồi thường thoả đáng”. Văn bản này do ông Phan Bảo Tâm, giám đốc Mêkong ký ngày 2/6/2007. Công ty này cũng khẳng định chỉ có một loại nước tương của công ty là bị thu hồi, còn 5 loại khác hoàn toàn không vi phạm.

Trong khi đó, theo quyết định của Cục an toàn vệ sinh thực phẩm (kèm theo danh mục các công ty vi phạm) thì toàn bộ sản phẩm của Mêkong sẽ bị thu hồi. Và tất nhiên lực lượng chức năng sẽ tiến hành nhiệm vụ theo Quyết định trên.

Sự thắc mắc về các sản phẩm của Mêkong không phải chỉ có ở chợ Hàn, mà ở chợ Cồn nhiều tiểu thương cũng rất hoang mang vì cũng nhận được tờ rơi thông báo của công ty Mêkong từ đại lý. Chị Trần Thị Liễu cho biết: tôi đã gọi điện cho đại lý đến để trả hàng nhưng chủ đại lý chưa chịu và đưa cho tôi tờ thông báo này. Hầu như ai buôn bán mặt hàng này ở đây đều nhận được thông báo trên.

Không chỉ có sản phẩm của Mêkong, trên nhiều sạp khác, những loại nước tương, dầu hào của các công ty khác nằm trong “sổ đen” vẫn còn được bày bán. Chị Lê Thị Hồng Nhung vừa sốt sắng đưa cho tôi xem một chai nước tương hiệu Bến Thành nhưng lại được sản xuất tại Quảng Ngãi, vừa nói  “Chúng tôi chỉ mới đọc trên báo chứ đã nghe Ban Quản lý chợ nói gì đâu. Ở đây người ta vẫn bỏ hàng cho tôi loại này, không biết có được phép bán hay không?”

Hỏi về việc triển khai công tác thu hồi, tiêu huỷ các loại nước tương vi phạm sao quá chậm, anh Huỳnh Ngọc Quý, trưởng Ban quản lý chợ Cồn, cho biết: Muốn kiểm tra, thu hồi và tiêu huỷ các lô hàng sai phạm không phải dễ bởi đến tận sáng 6/6 chúng tôi mới nhận được công văn của Sở Y tế thành phố, kèm theo Quyết định của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm.

Về việc đại lý sản phẩm của công ty Mêkong đang tích cực phát tờ rơi, anh Quý cũng ngạc nhiên và khẳng định: Ban quản lý chưa hề nhận được một thông báo như vậy. Toàn bộ sản phẩm của công ty Mêkong vẫn sẽ bị tịch thu như ở danh mục kèm theo trong Quyết định của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm.

Lê Tấn Quỳnh