Thu giữ hàng nghìn hàng hiệu nghi giả mạo ở khu phố sầm uất bậc nhất Hà Nội
(Dân trí) - Ngày 21/5, Tổng cục Quản lý thị trường cùng Cục quản lý thị trường Hà Nội tiến hành kiểm tra một loạt cơ sở kinh doanh tại khu vực phố cổ - nơi buôn bán sầm uất bậc nhất Hà Nội.
Đợt kiểm tra này nằm trong kế hoạch đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đến hết năm 2020 tại Quyết định số 3972 của Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT).
Thông tin nhanh về kết quả kiểm tra tại 7 cơ sở kinh doanh ngày 21/5, lực lượng QLTT cho biết đã tiến hành thu giữ 2.374 sản phẩm hàng hóa có dấu hiệu vi phạm.
Trong số này có nhiều sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu đã được bảo hộ ở Việt Nam. Ngoài ra, có một số hàng hóa chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan đến hàng hóa. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản tạm giữ để xác minh làm rõ theo quy định.
Cụ thể, tại địa điểm số 23 Hàng Ngang, Hoàn Kiếm, Hà Nội, số lượng hàng hoá tạm giữ là 565 sản phẩm bao gồm áo, quần, mũ, dép, áo sơ mi của các nhãn hiệu Burberry, Lacoste, Nike, Adidas, Gucci...
Còn tại địa điểm số 3 Hàng Điếu, cơ quan quản lý thị trường tạm giữ 171 sản phẩm bao gồm các sản phẩm ví, áo, phụ kiện thời trang, thắt lưng của các nhãn hiệu Burberry, Gucci, Chanel, LV, Hermes, Dior, Valentino...
Tại cửa hàng phụ kiện thời trang ở 51 Hai Bà Trưng, cơ quan quản lý thị trường cho biết số lượng tạm giữ 634 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng hóa chưa xuất trình hóa đơn...
Tổng số lượng thu giữ tại đợt kiểm tra quy mô lớn này là 2.374 sản phẩm. Hiện lực lượng chức năng đang tiếp tục mở rộng kiểm tra, làm rõ các hành vi vi phạm.
Nạn hàng giả, hàng nhái đã trở thành vấn nạn nhức nhối, bởi không chỉ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng tới lợi ích người tiêu dùng. Một trong những trọng tâm năm nay của Tổng cục Quản lý thị trường đó là “truy quét" các địa điểm buôn bán hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nổi cộm.
Cuối năm 2019, Tổng cục Quản lý thị trường từng công khai hàng trăm tụ điểm kinh doanh buôn bán hàng giả, hàng nhái nổi cộm tại 20 tỉnh, thành phố. Trong đó, có địa điểm quận Hoàn Kiếm: Chợ Đồng Xuân, các tuyến phố Hàng Bài, Huế, Bà Triệu, Tràng Thi, Hàng Khay, Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Buồm, Hàng Đường, Hàng Giấy, Hàng Khoai, Hàng Gai, Hàng Bông, Đinh Liệt…
Trong thời gian tới, lực lượng QLTT cho biết sẽ tiếp tục rà soát các đường mòn, lối mở dọc tuyến biên giới và các địa phương, địa bàn nổi cộm, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; chấn chỉnh những sơ hở, thiếu sót và đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Lãnh đạo Tổng cục QLTT cũng khuyến cáo người dân nên tìm đến những địa chỉ uy tín để mua bán hàng hóa, sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, tránh mua và sử dụng những sản phẩm trôi nổi trên thị trường.
Một số hình ảnh ghi nhận tại đợt kiểm tra:
Nguyễn Mạnh