Thu cước điện thoại di động... tại tòa!
Khách hàng của Mobifone bị tòa mời lên làm việc, lên đến nơi thì chỉ thấy nhân viên của Mobifone đòi nợ, thu tiền cước… Trong bộ luật Tố tụng dân sự không hề có điều khoản nào cho phép tòa được gửi giấy mời người bị kiện lên làm việc trước khi thụ lý vụ kiện.
Trước đây, ông Vũ Mạnh Hùng, ngụ khu phố 3A, phường Tân Thới Hiệp, quận 12 (TP.HCM) bị Trung tâm Di động khu vực II của Mobifone đòi nợ gần 1 triệu đồng tiền cước ĐTDĐ cho số thuê bao 090699… Cho rằng mình chưa bao giờ đăng ký, sử dụng số thuê bao này, ông Hùng không nộp tiền và đã nhiều lần phản ứng với Trung tâm Di động khu vực II.
“Chỉ thấy nhân viên nhà mạng”
Ông Hùng kể lại: “Cuối tháng 3-2013, tôi bất ngờ nhận được giấy mời của TAND quận 12, nội dung yêu cầu tôi đến tòa vào lúc 8 giờ 30 ngày 7-4-2013 để thông báo về việc kiện, giải quyết vụ kiện của Trung tâm Di động khu vực II. Theo giấy mời, sáng hôm đó tôi đến TAND quận 12 thì thấy có khoảng hơn chục khách hàng khác của Mobifone cũng nợ cước ĐTDĐ và cũng bị tòa mời lên giống như tôi.
Ông Hùng bức xúc: “Với danh nghĩa mời chúng tôi lên để tòa làm việc nhưng trong buổi làm việc, chỉ có… một nhân viên của Mobifone tiếp xúc với chúng tôi để đòi nợ cước. Tại đây, một số khách hàng vì không muốn phiền phức nên đã đóng cước phí và nhân viên Mobifone thu ngay tại tòa. Riêng tôi cương quyết không đóng tiền và bỏ về vì thấy quá vô lý”.
Ông Hùng cũng cho biết thêm là từ ngày đó đến nay, dù ông không đóng khoản tiền cước mà phía Mobifone đòi nhưng cũng không thấy TAND quận 12 mời lên làm việc nữa.
Mời để xác minh địa chỉ?
Trao đổi với chúng tôi, Thẩm phán Trần Xuân Minh (Chánh án TAND quận 12) cho biết: Tòa này có nhận được hồ sơ từ Trung tâm Mobifone yêu cầu khởi kiện các khách hàng ngụ ở địa bàn quận để đòi nợ tiền cước. Trước đây, không ít trường hợp sau khi thụ lý, tòa phải đi xác định lại địa chỉ bị đơn vì họ đã chuyển đi đâu không rõ. Vì thế, nhằm tránh trường hợp án bị neo, kéo dài thành quá hạn, án tồn đọng không thể giải quyết do bị đơn không có hoặc không còn ngụ địa chỉ mà phía Mobifone cung cấp, tòa gửi thư mời các khách hàng đến tòa để xác định xem họ có ngụ ở quận 12 hay không. Động thái này nhằm xác định thẩm quyền giải quyết của tòa một cách thận trọng trước khi thụ lý vụ kiện.
Thừa nhận việc có một số khách hàng đến tòa theo thư mời thanh toán tiền cước cho nhân viên Mobifone nhưng Thẩm phán Minh khẳng định hoàn toàn không có việc tòa gây áp lực cho các khách hàng Mobifone trong việc đóng tiền cước này.
Sai luật!
Chia sẻ với tình huống trên, chánh án một tòa quận khác tại TP.HCM cho biết phía nhà mạng thường tập trung rất nhiều hồ sơ rồi chuyển qua tòa cùng lúc để khởi kiện nhiều vụ án. Xem xét, các tòa thấy có nhiều vụ khách hàng nợ không lớn, có khi chỉ vài trăm ngàn đồng, nếu kiện tụng thì rất mệt mỏi cho tất cả các bên. Vì vậy, trước khi thụ lý, tòa gửi thư mời đến khách hàng nhằm xác định lại địa chỉ cũng như tạo điều kiện cho khách hàng và nhà mạng thỏa thuận thanh toán cước phí mà không cần phải khởi kiện cũng là việc thông cảm được.
Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Minh Thuận (Đoàn Luật sư TP.HCM) không đồng tình với nhận định này. Theo ông, tòa án là cơ quan xét xử nhân danh Nhà nước, phải tuân thủ đúng pháp luật trong hoạt động xét xử của mình.
Luật sư Thuận phân tích: Về nguyên tắc, đây là hợp đồng dịch vụ giữa Mobifone với khách hàng. Nếu có tranh chấp xảy ra (cụ thể là đòi nợ cước thuê bao) thì thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa và tranh chấp này sẽ giải quyết theo quy định của BLDS và BLTTDS. Mobifone có thể khởi kiện khách hàng ra tòa, cung cấp đầy đủ hồ sơ như đơn khởi kiện, hợp đồng ký kết với khách hàng, biên lai cước phí còn thiếu, tên tuổi, địa chỉ khách hàng... để tòa xem xét thụ lý. Khi đã đủ hồ sơ, Mobifone phải nộp tạm ứng án phí. Sau khi có biên lai đóng tiền tạm ứng án phí thì tòa mới chính thức ra quyết định thụ lý vụ kiện. Sau khi thụ lý, tòa mới được thông báo, triệu tập khách hàng của Mobifone - lúc này mang tư cách bị đơn - lên lấy lời khai, hòa giải...
Luật sư Thuận nhấn mạnh: BLTTDS quy định rất rõ về trình tự, thủ tục giải quyết vụ án dân sự. Trong bộ luật này không hề có điều khoản nào cho phép tòa được gửi giấy mời cho người bị kiện lên làm việc trước khi thụ lý vụ kiện. Vì vậy, việc tòa thực hiện chuyện này là tùy tiện, tạo điều kiện cho đương sự bức xúc, nghi ngờ rằng tòa “giúp” nhà mạng thu hồi nợ mà không thông qua hoạt động tố tụng chính thức.
Trái cả quy định ngành Việc tòa gửi thư mời cho người bị kiện khi chưa thụ lý án như trên vừa không đúng pháp luật tố tụng dân sự vừa không đúng quy định của ngành về mẫu văn bản tố tụng và mục đích sử dụng. Trong án dân sự, các loại văn bản tố tụng phổ biến là: quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ, quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự, quyết định xem xét tại chỗ, quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời...; các loại thông báo như thông báo thụ lý, thông báo hòa giải, thông báo kháng cáo hoặc kháng nghị...; giấy triệu tập đương sự như triệu tập lấy lời khai, triệu tập đến phiên tòa...; hoặc giấy mời như mời hội thẩm nhân dân, mời kiểm sát viên tham gia phiên tòa (nếu có)... Hầu hết các loại văn bản này đều có mẫu do Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ban hành. Người tiến hành tố tụng cần phân biệt các đối tượng để sử dụng giấy triệu tập hoặc giấy mời cho đúng. Nói như thế để thấy giấy triệu tập và giấy mời trong tố tụng dân sự được ngành tòa hướng dẫn rất rõ. Một điều có thể khẳng định rằng Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao không hề có hướng dẫn về việc mời người bị kiện lên xác minh địa chỉ trước khi thụ lý. Tòa chỉ phát hành, tống đạt các văn bản tố tụng dân sự khi và chỉ khi đã thụ lý vụ án chứ không thể lạm dụng được. Một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM |