Thống đốc: Lãi suất cho vay có thể giảm tiếp 1%
(Dân trí) - Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho hay, mặt bằng lãi suất cho vay trung và dài có thể hạ xuống thêm 1%, hướng tới mặt bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn xuống dưới 10%.
Hiện tại, lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 5-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng và có kỳ hạn dưới 6 tháng; 5,7-6,7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,7-7,3%/năm.
Với mức giảm dần đều thời gian qua, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 7%/năm trong ngắn hạn. Các NHTM nhà nước cũng tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 7-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,5-11%/năm đối với trung và dài hạn.
Phát biểu tại hội nghị triển khai kế hoạch năm 2015 của một ngân hàng tại Hà Nội cuối tuần qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết: Năm 2015, chính sách tiền tệ cơ bản giữ vững như hiện nay; trong đó, mặt bằng lãi suất cho vay trung và dài có thể hạ xuống thêm 1%, hướng tới mặt bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn xuống dưới 10%.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh Quý I/2015 của các tổ chức tín dụng (TCTD) và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam do Vụ Dự báo, thống kê Ngân hàng Nhà nước vừa công bố cho hay: Nhu cầu vay vốn của khách hàng có xu hướng phục hồi rõ nét kể từ Quý IV/2014. Khoảng 84 -97% TCTD dự báo, dư nợ tín dụng sẽ tiếp tục tăng cao trong Quý I và cả năm 2015, trong đó tín dụng VND tăng nhanh hơn so với tín dụng ngoại tệ. Bình quân toàn hệ thống kỳ vọng, dư nợ tín dụng tăng khoảng 3,5% trong Quý I và tăng 14,57% tính đến cuối năm 2015, ghi nhận kết quả tăng trong 4 năm liên tiếp.
Cùng với tâm lý lạc quan về triển vọng kinh doanh và rủi ro của các nhóm khách hàng giảm rõ rệt, hầu hết các TCTD nhận định tỷ lệ nợ xấu sẽ ổn định hoặc giảm trong Quý IV/2014 và dự kiến tiếp tục giảm trong Quý I/2015. Tính chung cả năm 2015, đa số các TCTD tin tưởng tỷ lệ nợ xấu của họ sẽ ở mức dưới 3% trên tổng dư nợ.
Nhà băng cạn “room” cho vay trung và dài hạn?
Theo lý thuyết, lãi suất giảm sẽ là động lực lớn để doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh và đầu tư. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải doanh nghiệp nào khi gõ cửa ngân hàng cũng đều được vay vốn.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Lâm Duy, Tổng Giám đốc Công ty CP Duy Lâm, công ty ông đang có nhu cầu vay vốn trung và dài hạn để mở rộng kinh doanh nhưng rất khó khăn khi tiếp cận vốn. Các ngân hàng sẵn sàng cho vay ngắn hạn nhưng đều từ chối cho vay trung và dài hạn; còn với doanh nghiệp, vay để đầu tư máy móc thiết bị mà vay ngắn hạn là rất rủi ro. Do đó, sau một thời gian dài tiếp xúc nhiều ngân hàng vẫn không thể tìm được vốn trung và dài hạn, công ty này đã chuyển hướng sang hợp tác với công ty thuê mua tài chính để có vốn đầu tư máy móc thiết bị.
Cán bộ tín dụng một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội than thở: “Làm tín dụng trong hoàn cảnh hiện nay thật khó và ẩn chứa nhiều rủi ro. Nhiều doanh nghiệp nhỏ có nhu cầu vay vốn nhưng ngân hàng không thể chào đón bởi năng lực tài chính yếu, tài sản đảm bảo chưa đạt chuẩn. Chúng tôi không thể vì mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà nhận những rủi ro về phía mình”.
Lý giải về việc ngân hàng “ngại” cho vay trung và dài hạn, cán bộ tín dụng này cho rằng, ngân hàng “mở” cơ chế hơn đối với những hợp đồng vay vốn ngắn hạn, bởi khả năng quay vòng vốn nhanh, tạo ra lợi nhuận nhiều hơn.
Theo kế hoạch, Thông tư 36 của NHNN sẽ có hiệu lực kể từ đầu tháng 2 tới, trong đó, “room” dùng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn được nới từ 30% lên 60% với kỳ vọng sẽ giải quyết được nhiều nhu cầu vốn kỳ hạn này của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Do đó, một số doanh nghiệp cho rằng, để dòng vốn ngân hàng chảy vào sản xuất kinh doanh nhiều hơn nữa, nhà băng cần tính đến việc nới cơ chế vay vốn sau đó mới đến lãi suất. Vì lãi suất thấp nhưng điều kiện cho vay khó khăn thì tín dụng vẫn tắc.
Nguyễn Hiền