“Thổn thức” doanh nghiệp nhỏ và vừa
(Dân trí) - 20% doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đứng trước nguy cơ phá sản, 80% còn lại đang gặp khó khăn chồng chất… là thực trạng khiến các hiệp hội, doanh nghiệp một lần nữa đứng ra “kêu cứu”.
Khả năng tái đầu tư bị triệt tiêu
Cả nước hiện có gần 350.000 DNNVV, chiếm hơn 95% tổng số doanh nghiệp, với số vốn đăng ký gần 1.400 nghìn tỷ đồng.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, khoảng 20% tổng số doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phá sản, 60% số doanh nghiệp chịu tác động của khó khăn kinh tế, khiến sản xuất, kinh doanh bị sút kém. Lạm phát cũng làm các công ty không kiểm soát được chi phí, mất thị trường và không đủ vốn để duy trì sản xuất.
Theo luật gia Vũ Xuân Tiền, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn quản lý và Đào tạo VFAM Việt Nam, để phát triển ổn định và bền vững, quy trình tái đầu tư của doanh nghiệp phải diễn ra liên tục, vòng sau cao hơn vòng trước.
“Song với các DNNVV, quy mô kinh doanh nhỏ, lợi nhuận thu được hàng năm rất ít trong điều kiện bình thường, quỹ dự phòng tài chính gần như không có.
Vì vậy, những tác động của lạm phát như: lãi suất tiền vay, tỷ giá hối đoái tăng cao… đã tác động trực diện vào các DNNVV. Khả năng tự chống đỡ của họ trước cơn “đại hồng thủy” này gần như bằng 0, khả năng tái đầu tư bị triệt tiêu hoàn toàn”, ông Tiền nói.
Đó là chưa kể, với những doanh nghiệp đang thực hiện dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng, theo chiều sâu… lạm phát còn làm cho chỉ tiêu tổng mức đầu tư thay đổi rất lớn.
Phần lớn dự án đầu tư của các DNNVV, chủ yếu ở khu vực ngoài quốc doanh, đều sử dụng lớn 60 - 70% vốn vay của các ngân hàng. Tổng đầu tư tăng lên nhưng tổng số tiền vay được của các ngân hàng không tăng, nghĩa là chủ đầu tư phải bảo đảm bằng vốn tự có.
Thậm chí, lạm phát còn đẩy không ít dự án có tính khả thi cao thành không còn là khả thi. Theo thống kê từ Vụ tín dụng (Ngân hàng Nhà nước), tính đến ngày 29/9, chỉ có 50% doanh nghiệp ngoài quốc doanh (163.673 doanh nghiệp) có quan hệ tín dụng với ngân hàng.
“50% số doanh nghiệp còn lại phải tự xoay sở từ thị trường không chính thức với nhiều hệ lụy khôn lường" - ông Vũ Duy Thái, Chủ tịch Hiệp hội công thương Hà Nội nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Bích Đạt, thực tế cho thấy hầu hết DNNVV vẫn còn nhiều hạn chế và yếu kém, nhất là về tiềm lực tài chính, năng lực quản lý, kinh nghiệm thương trường, khả năng tiếp cận các nguồn lực đầu tư.
Thậm chí, sự thiếu minh bạch trong quản lý (các DNNVV do sinh sau, đẻ muộn nên quy mô nhỏ, phần lớn giới hạn trong phạm vi gia đình) đã và đang trở thành một thách thức lớn trong hợp tác, liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài trong bối cảnh nước ta đã gia nhập WTO.
Tháo gỡ khó khăn
Với những khó khăn chồng chất mà khối DNNVV đang gặp phải, hội thảo “Doanh nghiệp nhỏ và vừa, vai trò, thách thức và triển vọng” diễn ra tại Hà Nội vào ngày 10/10 nhằm đưa ra những biện pháp tháo gỡ, kêu gọi kêu gọi Chính phủ, ngân hàng... giúp đỡ họ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Ý kiến từ luật gia Vũ Xuân Tiền, Ngân hàng Nhà nước cần từng bước nới lỏng hạn mức tín dụng, nhằm khắc phục tình trạng mất cân đối dòng tiền tại các DNNVV và tránh tình trạng các dự án phải "nằm chờ vĩnh viễn".
Ngược lại, doanh nghiệp cần rà soát lại hoạt động để tạo ra sự minh bạch trong điều hành và giữ cho được chữ tín. Tăng cường sự hợp tác liên doanh, liên kết với nhà đầu tư ngoại cũng là một trong những phương thức giúp doanh nghiệp trong nước nâng cao tiềm lực về vốn và năng lực quản lý, điều hành.
Theo ông Lê Quang Mạnh, phó Cục trưởng Cục phát triển DNNVV (Bộ kế hoạch và Đầu tư), trợ giúp doanh nghiệp nên theo hai nhóm: Trợ giúp về tài chính (bảo lãnh tín dụng, bão lãnh phát hành cổ phiếu, trái phiếu, bảo lãnh nhập khẩu trang thiết bị kỹ thuật...) và trợ giúp tăng cường năng lực cạnh tranh (trợ giúp công nghệ, kỹ thuật, đào tạo nhân lực, xúc tiến thương mại...).
Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV cho hay: Hiện Chính phủ đang họp bàn, xem xét 18 kiến nghị đề xuất do hiệp hội cùng Hiệp hội ngân hàng, Hiệp hội chứng khoán trình lên.
Trước mắt, các hiệp hội này đề nghị Chính phủ dành một số vốn tương ứng, thích hợp cho các doanh nghiệp vay, tùy thuộc vào đóng góp của các DNNVV, tập trung vào các doanh nghiệp đang có tiềm năng phát triển, sản phẩm tốt, thị trường tốt, với một mức lãi suất hợp lý.
Trong điều kiện hiện nay, hiệp hội kiến nghị Chính phủ trong phạm vi quyền hạn của mình dựa trên tình hình thực tế của từng doanh nghiệp để mà có chính sách miễn, giảm thuế phù hợp đối tượng thuộc một số ngành, lĩnh vực gặp nhiều khó khăn.
Về lâu dài, hiệp hội kiến nghị Chính phủ lập Quỹ hỗ trợ DNNVV, tiếp tục chỉ đạo lập và phát triển các quỹ bảo lãnh tín dụng, giúp cả bên cho vay là các ngân hàng, tổ chức tín dụng và bên đi vay là các DNNVV yên tâm, cùng có trách nhiệm hơn trong vay vốn…
Nguyễn Hiền