Thời khát tiền và nỗi đau cổ phiếu thưởng

Không còn hào hứng mong đợi như trước đây, việc chia tách cổ phiếu, thưởng cổ phiếu đang trở thành nỗi ám ảnh với cổ đông bởi số lượng cổ phiếu ngày càng chất đống trong khi TTCK vẫn khá èo uột, không mấy hấp dẫn giới đầu tư.

Ồ ạt phát hành cổ phiếu

 

Chỉ trong vòng khoảng 1 tuần qua, TTCK đón nhận hàng chục DN công bố phát hành hoặc lên kế hoạch phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông, nhẹ thì vài chục phần trăm, còn nhiều thì theo tỷ lệ 1:1.

 

CTCP Hãng Sơn Đông Á (HDA) hôm 26/9 cho biết dự kiến phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 20% cho năm 2011 và 15% cho năm 2012. Tổng cộng 770.000 cổ phiếu thưởng sẽ được phân phối cho cổ đông, nâng vốn điều lệ từ 22 tỷ đồng lên gần 30 tỷ đồng.

 

Trước đó một ngày, Traphaco (TRA) cho biết đã nhận quyết định của Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM chấp thuận niêm yết bổ sung hơn 12 triệu cổ phiếu vào ngày 26/9, trong đó có gần 6,2 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu.

 

Hôm 24/9, Thủy sản Hùng Vương (HVG) cũng công bố thông tin cho biết, số lượng cổ phiếu cố quyền biểu quyết đang lưu hành của DN tăng thêm hơn 40,8 triệu đơn vị lên gần 120 triệu đơn vị, trong đó bao gồm 39,59 triệu cổ phiếu thưởng HVG phát hành cho cổ đông hiện hữu và 1,2 triệu cổ phiếu ESOP.
 
Thời khát tiền và nỗi đau cổ phiếu thưởng

 

Vinexad (VNX) chốt 26/9 là ngày giao dịch không hưởng quyền phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 6:1; trong khi đó Hudland (HLD) chốt 27/9 là ngày đăng ký cuối cùng trả cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu của HLD với tỷ lệ 1:1 (cổ đông sở hữu 01 cổ phiếu được nhận 01 cổ phiếu mới).

 

Hàng loạt các DN khác trong tuần qua cũng công bố kế hoạch phát hành cổ phiếu thưởng như: Kỹ nghệ lạnh SRF (tỷ lệ 1:1 tăng vốn gấp đôi lên 162,5 tỷ đồng); Đầu tư & Sản xuất Việt Hàn VHG (phát hành 12,5 triệu cổ phiếu theo tỷ lệ 2:1 tăng vốn lên 375 tỷ); Cảng Đình Vũ DVP thông báo 9/10 tới là ngày đăng ký cuối cùng thưởng cổ phiếu 1:1... Và trước đó, nhiều DN cũng phát hành hoặc kế hoạch phát hành cổ phiếu thưởng khủng là: SCJ (90%); SGH thưởng 1:1; SD5 (tỷ lệ 1:1); TCT (tỷ lệ 1:1); HGM (tỷ lệ 1:1); TV.Pharm (tỷ lệ 2:1)...

 

Bên cạnh cổ phiếu thưởng, rất nhiều DN cũng tung thêm nhiều cổ phiếu ra thị trường thông qua phát hành thêm cổ phiếu để trả cổ tức.

 

Có thể thấy, cách đây vài năm khi TTCK còn sôi động, các thông tin DN phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ cao thu hút sự quan tâm rất lớn của giới đầu tư. Việc thưởng cổ phiếu không chỉ giúp cho DN gia tăng quy mô vốn, chứng tỏ DN đang trên đà phát triển như vũ bão mà còn giúp cho cổ phiếu dễ tăng giá bởi giá thấp dễ tăng, dòng tiền dễ đổ vào hơn. Các DN khi đó cũng đã chạy đua tiến hành các đợt chia tách cổ phiếu dồn dập cũng như phát hành thêm cổ phiếu để hút vốn.

 

Trái ngược với sự hào hứng mong ngóng để mua được những cổ phiếu sắp chia tách trước kia, giờ đây rất nhiều NĐT tỏ ra dị ứng với những kế hoạch tăng vốn kiểu này.

 

Mặc dù vậy, một điều khá ngạc nhiên là làn sóng "cổ phiếu thưởng" đang trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết trong vài tháng qua. Trong một thời gian rất ngắn, vài chục DN đã chọn phương án này, bất chấp sự thờ ơ, chán nản của thị trường.

 

Hiện tượng đó khiến nhiều NĐT đặt ra câu hỏi: tại sao làn sóng "phát hành cổ phiếu thưởng" lại xuất hiện trong bối cảnh hiện nay, khi mà TTCK vẫn chưa thoát ra khỏi cảnh trầm lắng, thị trường tràn ngập cổ phiếu có thị giá đang rất thấp mà không mấy người quan tâm?

 

NĐT chán "viễn cảnh", DN tính xa

 

Với rất nhiều NĐT, thái độ không mặn mà với cổ tức trả bằng cổ phiếu, cổ phiếu thưởng là khá rõ ràng. Trong bối cảnh TTCK đang thừa mứa cổ phiếu như hiện tại, việc đón nhận thêm cổ phiếu (rất nhiều trường hợp tăng gấp đôi) trở thành nỗi sợ hãi bởi cổ phiếu có thể chịu tác động tiêu cực, giá có thể giảm xuống thấp hơn tỷ lệ bị pha loãng và khả năng bán được cổ phiếu càng trở nên khó khăn. Thay vì chờ đợi cổ phiếu thưởng, nhiều người chốt bán để quay về nắm giữ tiền mặt.

 

Còn với các DN, với các cổ đông lớn, câu chuyện có lẽ lại hoàn toàn khác. Hiện tượng DN ồ ạt phát hành cổ phiếu thưởng, cổ phiếu trả cổ tức gần đây là minh chứng cho điều này.

 

Với nhiều DN hoạt động tốt, giá cổ phiếu ở mức cao hơn mặt bằng chung khá nhiều và thặng dư vốn lớn, cổ phiếu "đặc quánh", thì việc chia tách cổ phiếu có lẽ là một lựa chọn hợp lý. Về ngắn hạn, có thể giá cổ phiếu bị ảnh hưởng bởi tâm lý chán nản chung nhưng về dài hạn khi TTCK sôi động rất có thể mọi chuyện lại khác.

 

Không những thế, nhiều cổ đông lớn của các DN làm ăn tốt đôi khi không mấy quan tâm tới việc giá cổ phiếu có thể giảm trong ngắn hạn. Nhiều đại gia đứng tốp đầu trong danh sách những người giàu nhất trên TTCK thường ít khi bán ra cổ phiếu của mình. Giá cổ phiếu giảm thậm chí là cơ hội để họ mua thêm vào. Sự gia tăng quy mô vốn thông qua lợi nhuận tích lũy sẽ giúp cho DN dễ dàng phát triển và là yếu tố bổ trợ giúp DN vay vốn dễ dàng hơn. Các DN mạnh dạn tăng vốn điều lệ lên mạnh mẽ trong trường hợp này khá nhiều như: DVP, HLD, LIX, SRF, SD5, HGM...

 

Chẳng hạn, SGH có chủ trương tăng vốn điều lệ theo tỷ lệ 1:1 từ 17,66 tỷ đồng lên 35,33 thông qua phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu. Cùng với đó SGH sẽ vay 40 tỷ đồng từ Agribank để nâng cấp khách sạn.

 

DVP có giá cổ phiếu khá cao ở mức 74.000 đồng/cp (so với mức phổ biến dưới 10.000 đồng của hầu hết các DN hiện nay). Việc gia tăng quy mô vốn có lẽ là một lựa chọn "đường dài" của DN này.

 

Ở chiều ngược lại, không ít DN dường như đang phát hành cổ phiếu thưởng, cổ phiếu trả cổ tức theo trào lưu. Hoạt động kém hiệu quả, thậm chí thua lỗ đã khiến DN không thể trả cổ tức. Họ đem thặng dư vốn từ những năm trước ra "thưởng" cho cổ đông, nhưng thực chất là chia tách cổ phiếu.

 

Trước đây, không ít DN đã tăng quy mô vốn rất nhanh, gấp rất nhiều lần kể từ khi lên sàn thông qua cả huy động và thưởng cổ phiếu. Quy mô DN tăng nhanh, số lượng cổ phiếu tăng vọt có lẽ đã giúp không ít các ông chủ sáng lập DN bán ra khi thị trường sôi động, thu về không ít tiền và trở thành những người giàu có. Rất có thể chiêu bài tăng quy mô DN, tăng số lượng cổ phiếu để chờ thời đang được một số đại gia áp dụng, bất chấp nhận thức trên TTCK cũng như quan điểm cho vay của hệ thống ngân hàng đã thay đổi khá nhiều.

 

Theo Huấn Tú

VEF