Thời của mua bán công ty

Trong khi thị trường chứng khoán (TTCK) đang có sức hút mãnh liệt mọi người thì một thị trường khác cũng sôi động không kém. Đó là hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (DN).

Có công ty được thành lập chỉ để được đem đi mua bán kiếm lời, có công ty lại mua cổ phần (CP) hoặc mua đứt luôn những công ty nhỏ để hình thành tập đoàn kinh tế hùng mạnh.

Từ 1 USD đến 350 tỉ đồng

Trên một trang web chuyên ngành, có hàng trăm DN được rao bán và rao mua. Hiện tại có 56 DN sản xuất, 43 DN thương mại dịch vụ, 47 DN bất động sản được rao bán... Giá trị các vụ mua bán này lên đến cả vài chục triệu USD.

Có những DN được rao bán chỉ... 1 USD (khoảng 16.000 đồng), nhưng cũng có nơi kêu bán đến 350 tỉ đồng. "Một công ty sản xuất tăm bông lau tai, trụ sở ở Hà Nội sở hữu 4 nhãn hiệu có uy tín, thị trường trải dài từ Hà Nội đến Huế, đang thâm nhập TPHCM. Do gặp khó khăn về tài chính, chúng tôi muốn chuyển nhượng toàn bộ DN với giá 1 USD".

Đó là một trong số hàng trăm mẩu rao trên trang web kia. Các "mặt hàng" được rao bán khá đa dạng, phong phú. Có công ty sản xuất, lắp ráp ô tô sở hữu nhà máy trên diện tích đến 20.000m2, hệ thống đại lý trải dài cả nước... nhưng lại rao bán từng phần hoặc tất cả với giá 3,5 triệu USD. Khu giải trí Đại Dương một thời nổi tiếng ở Q.7 (TPHCM) cũng được rao ở mức giá 90 tỉ đồng...

Không chỉ rao bán DN, ở đây còn rao bán nhượng quyền thương hiệu - một hình thức kinh doanh khá mới mẻ tại Việt Nam...

Ông Trần Trọng Hiếu, Tổng giám đốc IDJ cho biết đã có khoảng 400 thương vụ giao dịch qua trang web này và khoảng 70-80 trường hợp mua bán thành công. "Trong tương lai con số này sẽ còn cao hơn nhiều", ông Hiếu dự đoán.

Đó cũng là lý do chính mà IDJ không dừng lại ở vị trí "bà mối" cho các giao dịch mua bán DN mà vừa "đẻ" thêm nhánh IDJ Financial để mua lại các DN có ý định bán hoặc trở thành cổ đông chiến lược của những công ty chỉ muốn bán một phần DN.

Xu hướng liên kết

Giữa tháng 3, chủ một nhà hàng khá nổi tiếng trên đường Lê Quý Đôn, Q.3 (TPHCM) cho biết đã bán CP cho chủ một nhà hàng lớn khác. Cạnh tranh khốc liệt và muốn dựa vào thương hiệu của nhà hàng kia để phát triển là lý do bà chủ này bán CP của mình.

Mua CP để trở thành cổ đông chiến lược trong các công ty cùng ngành hàng cũng là cách thức khôn ngoan, vừa giảm thiểu đối thủ cạnh tranh, vừa tăng thêm sức mạnh cho mình cũng được nhiều công ty lớn áp dụng.

Trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, Công ty cổ phần Đồng Tâm đã sở hữu đến 60% CP của sứ Thiên Thanh, nắm giữ quyền điều hành, quản lý công ty này. Đồng Tâm cũng mới mua 20% CP của Công ty Vĩnh Cửu.

Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Tâm thừa nhận tham vọng đưa Đồng Tâm vươn lên trở thành một tập đoàn vững mạnh trong lĩnh vực này của khu vực.

"Hiện chúng tôi còn đang đàm phán với một số công ty trong ngành xây dựng khác để liên kết sức mạnh. Đó là cách đầu tư tài chính khôn ngoan mà tôi nghĩ nó là con đường thế giới đã đi thì Việt Nam cũng sẽ như vậy" - ông Thắng chia sẻ.

Trên thế giới, hoạt động mua bán, sáp nhập công ty đã phổ biến từ lâu. Còn ở Việt Nam, theo các chuyên gia kinh tế, một khi TTCK phát triển, hoạt động này sẽ càng có đất sống.

Một luật sư chuyên về tư vấn đầu tư cho biết, kể từ khi Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), công ty của ông đã nhận được một số đơn đặt hàng từ nước ngoài về việc tìm kiếm những công ty sắp phá sản hoặc làm ăn thua lỗ để nghiên cứu mua lại. Các công ty có hệ thống phân phối rộng khắp đang là đối tượng được đặc biệt chú ý.

Theo Trung Bình
Báo Thanh niên