Thoái vốn tại Habeco: Còn nhiều vấn đề bỏ ngỏ

(Dân trí) - Năm 2017 khép lại với dấu ấn của thương vụ thoái vốn Nhà nước tại Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) – một trong hai “ông lớn” ngành bia nội. Nhìn từ thương vụ này có rất nhiều những ý kiến trái chiều, qua đó đúc rút ra bài học cho các thương vụ thoái vốn lớn trong thời gian tới như tại Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) để đạt được hiệu quả cao nhất.


Habeco là doanh nghiệp có bề dày lịch sử được người tiêu dùng yêu mến, là thương hiệu quốc gia của Việt Nam

Habeco là doanh nghiệp có bề dày lịch sử được người tiêu dùng yêu mến, là thương hiệu quốc gia của Việt Nam

Ngành bia Việt đang đứng trước nhiều khó khăn

Lượng bia tiêu thụ của Việt Nam giai đoạn 2010 – 2017 liên tục tăng qua các năm, từ 2.41 tỷ lít vào năm 2010, con số này đã tăng lên 4.05 tỷ lít năm 2017. Tuy nhiên theo thống kê cho thấy, tốc độ tăng trưởng của ngành bia trong có xu hướng chậm lại. Năm 2015 sản lượng bia đạt 3,46 tỷ lít, tăng 10,33% so với năm 2014, nhưng đến năm 2016 tốc độ đã giảm dần từ 9,3% xuống còn 5,65% vào năm 2017. Tốc độ tăng trưởng này phù hợp với quy hoạch phát triển ngành bia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 do Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 3690/QĐ-BCT ngày 12/9/2016. Theo đó, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 – 2020 là 5,8%/năm, giai đoạn 2021 – 2025 là 4,6%/năm và giai đoạn 2016 – 2035 là 4%/năm.


Bên cạnh xu hướng tăng trưởng chậm lại, trên thực tế các doanh nghiệp ngành bia cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các hãng bia ngoại khiến thị trường nội địa ngày càng trở nên chật hẹp. Thị trường Bia trong nước đang có mức độ tập trung cao khi mà hơn 90% thị phần do 4 hãng bia là: Sabeco, Habeco, Heineken Việt Nam và Carlsberg Việt Nam nắm giữ; lượng thị phần còn lại (khoảng dưới 10%) thuộc về các doanh nghiệp ngoại mới gia nhập thị trường và các doanh nghiệp bia quy mô nhỏ. Theo thống kê hiện có khoảng 30 thương hiệu bia quốc tế đang có mặt tại Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp đứng đầu thị trường rơi vào tình trạng vừa phải lo đối phó nhau vừa phải lên chiến lược cạnh tranh với tất cả các thương hiệu trên thị trường.

Hiện tại, các doanh nghiệp bia nội địa đang phải đối mặt với một thực tế là xu hướng tiêu dùng đang có sự dịch chuyển sang những sản phẩm bia nhập khẩu cao cấp với hương vị lạ, độc đáo, đề cao sự trải nghiệm cho người sử dụng. Chính điều này là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm mạnh về doanh thu của Habeco thời gian qua. Ngay cả Sabeco, đơn vị đang dẫn đầu thị phần bia tại Việt Nam trong cũng gặp phải những thách thức không nhỏ. Biên lợi nhuận gộp của Sabeco ghi nhận sụt giảm liên tiếp trong 3 năm trở lại đây. Nguyên nhân cũng xuất phát từ việc thị phần đang bị san sẻ cho những đơn vị ngoại như Heineken, Sapporo…

Thậm chí, đặt kế hoạch cho năm 2018, Sabeco dự kiến lợi nhuận sau thuế giảm những 20% về 4.007 tỷ đồng. Đây là con số dự kiến sụt giảm rất lớn do công ty đã lường trước được những khó khăn sẽ phải đối mặt. Về kết quả kinh doanh quý 2/2018, doanh thu thuần 9.170 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên giá vốn hàng bán chiếm 7.073 tỷ đồng kéo lãi gộp Sabeco còn 7.073 tỷ đồng, tương ứng biên lãi gộp 22,8%, thấp hơn đáng kể so với mức 26,5% cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, những yếu tố khách quan như tình hình thời tiết diễn biến thất thường; giá cả các yếu tố sản xuất đầu vào liên tục có những biến động phức tạp; thuế suất TTĐB đối với mặt hàng bia điều chỉnh tăng (từ 60% lên 65% từ ngày 1/1/2018); các chính sách hạn chế tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn, đặc biệt dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu bia do Bộ Y tế đang đề xuất… sẽ tiếp tục chặn đà phát triển của ngành bia, ảnh hưởng đến sức tiêu thụ sản phẩm bia trong những năm tới.

Bảo toàn thương hiệu quốc gia

Thương hiệu được coi là thương hiệu quốc gia khi nó trở thành niềm tự hào của quốc gia đó với thế giới bên ngoài. Ở khía cạnh này, Habeco là doanh nghiệp có bề dày lịch sử, chất lượng sản phẩm, được người tiêu dùng yêu mến, là thương hiệu quốc gia, là niềm tự hào của Việt Nam. Trong bối cảnh rất nhiều các thương hiệu quốc gia của Việt Nam đã và đang rơi vào tay các nhà đầu tư nước ngoài. Có nhiều quan điểm cho rằng, tư duy “níu giữ”, “bảo tồn” thương hiệu quốc gia là đi ngược lại với xu hướng hội nhập kinh tế.

Tuy nhiên, khi nhìn lại trên bản đồ thế giới, chúng ta có thể thấy rằng các cường quốc hay các quốc gia có nền kinh tế phát triển đều hiện diện dưới những thương hiệu mang tính biểu tượng của quốc gia như: Ford (Mỹ), Samsung (Hàn Quốc), Sony (Nhật Bản), Mercedes-Benz (Đức), bia Singha (Thái Lan), bia Kirin (Nhật Bản)…


Việc thoái vốn tại Habeco còn nhiều vấn đề bỏ ngỏ

Việc thoái vốn tại Habeco còn nhiều vấn đề bỏ ngỏ

Việc mua, bán, sáp nhập là quy luật tất yếu của thị trường kinh tế thị trường, qua đó các doanh nghiệp sẽ phát huy lợi thế về quản trị, công nghệ, hệ thống phân phối. Tuy vậy, đối với những thương hiệu được coi là thương hiệu quốc gia, chúng ta cần phải có những chính sách bảo vệ thương hiệu quốc gia, đáp ứng sự mong mỏi của người tiêu dùng Việt Nam. Xây dựng một thương hiệu đã khó, biến nó trở thành biểu tượng, niềm tự hào của một quốc gia còn khó gấp nhiều lần. Vì vậy, việc giữ gìn và phát triển thương hiệu quốc gia là việc làm hết sức cần thiết và cấp bách.

Nhằm mục đích thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân trong việc ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt, sau 9 năm ra đời, cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” đã góp phần làm thay đổi diện mạo hệ thống phân phối hàng Việt Nam trong nền kinh tế và tác động mạnh mẽ đến thói quen mua sắm của người tiêu dùng trong xây dựng nền thương mại văn minh hiện đại. Sự đóng góp của các thương hiệu Việt có giá trị như Habeco trong tiến trình này là nguồn lực không nhỏ để tạo nên sức bật của hàng hóa “made in Vietnam”.


Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, ở các doanh nghiệp lớn, có thương hiệu mạnh của Việt Nam, cần phải có lộ trình và phương án thoái vốn đảm bảo lợi ích của người Việt

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, ở các doanh nghiệp lớn, có thương hiệu mạnh của Việt Nam, cần phải có lộ trình và phương án thoái vốn đảm bảo lợi ích của người Việt

Nếu bị chi phối bởi các nhà đầu tư nước ngoài, những doanh nghiệp lớn như Habeco với hệ thống phân phối sản phẩm sâu rộng trên toàn quốc; khi các nhà đầu tư nước ngoài nắm được hệ thống kênh phân phối sâu rộng đến từng điểm bán lẻ tận vùng nông thôn, việc chi phối thị trường, thậm chí đưa vào hệ thống nhiều sản phẩm tiêu dùng nhập ngoại ngoài bia, rượu, sữa… đè bẹp các nhà sản xuất nội địa khác là không khó.

Cần phải có lộ trình và phương án thoái vốn đảm bảo lợi ích của người Việt

Xuất phát từ những thực tế liên quan tới việc phải bảo vệ thương hiệu quốc gia, tránh rơi vào vết xe đổ của việc thương hiệu quốc gia đang dần bị chi phối bởi các tập đoàn đa quốc gia. Việc thoái vốn tại Habeco đòi hỏi phải có những bước đi hết sức thận trọng. Hơn nữa, trong bối cảnh ngành bia, đặc biệt các doanh nghiệp bia nội đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do áp lực cạnh tranh, qua đó ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh doanh cũng như giá trị doanh nghiệp. Chính vì vậy việc vội vàng thoái vốn lúc này rất có thể sẽ dẫn tới việc cổ phiếu Habeco bị định giá thấp, qua đó trực tiếp ảnh hưởng tới nguồn thu của ngân sách quốc gia.

Q.Anh