"Thoái trào" của các đại gia Mỹ
Việc cắt giảm nhân công ở Ford buộc phải diễn ra nhanh hơn dự kiến khiến cổ phiếu của hãng sút giảm, MasterCard vướng vào rắc rối pháp lý, Adobe thông báo lợi nhuận giảm mạnh còn Coca-Cola bị liên doanh tại Uzbekistan buộc tội... Một thời điểm không tốt đẹp cho các đại gia Mỹ.
Đây đều là những công ty mà giá cổ phiếu của họ biến động có thể gây biến động chung cho thị trường chứng khoán Mỹ và biến động doanh thu cùng lợi nhuận của họ có thể ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Mỹ nói chung.
Cắt giảm nhân công ở Ford - cổ phiếu giảm
Trước đây, Ford lên kế hoạch sẽ cắt giảm 30.000 nhân công, kể từ cuối năm 2005 tới năm 2008. Tuy nhiên, ông Mark Fields cho rằng sự cắt giảm sẽ diễn ra nhanh hơn thời hạn đó, vì yêu cầu cắt giảm chi phí hiện đang quá bức thiết, nếu không muốn bị phá sản.
Đặc biệt là việc cắt giảm những lao động làm việc tính lương theo giờ ở hãng. Ông Mark Fields không cho biết cụ thể con số cắt giảm nhanh hơn đó.
Chủ tịch Ford Mark Fields cùng các cộng sự cho rằng đây là việc cần thiết và nằm trong công cuộc cải tổ hãng xe này, vốn đang bị sụt giảm doanh số trong thời gian gần đây, do sự cạnh tranh quá quyết liệt của các đối thủ đến từ châu Á.
Theo báo cáo bán hàng tháng vừa được công bố ngày 30/5, các hãng xe đang có chân trên đất Mỹ đã cùng nhau bán ra được tổng cộng khoảng 16,2-16,5 triệu chiếc tại thị trường tiêu thụ ôtô lớn nhất thế giới này trong tháng 5/2006, giảm nhẹ so với con số 16,7 triệu chiếc của tháng trước và 17,7 triệu chiếc của cùng kỳ năm 2005.
Trong đó, theo con số chưa chính thức, doanh số bán ra của hãng xe Ford lừng danh của Mỹ sụt giảm khoảng 11% so với tháng trước. Ở chiều ngược lại, các hãng xe nổi tiếng nước Nhật như Toyota và Honda tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Nguyên nhân các đại gia Mỹ gặp khó ngay trên sân nhà cũng như trên thị trường toàn cầu chính là do giá xăng dầu tăng kỷ lục, lượng xe cỡ lớn (sở trường của các đại gia Mỹ) bán ra giảm, chi phí cho sản xuất cao và sức ép cạnh tranh quyết liệt với các hãng ôtô châu Á.
Cổ phiếu của Ford ngay lập tức giảm 10 xu, xuống còn 6,58 USD/cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán New York.
Ford Motor chính là hãng vừa ra thông cáo báo chí hoan nghênh việc chính thức đệ trình dự luật trao cho Việt Nam Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR). Ford tuyên bố ủng hộ và kêu gọi Quốc hội Mỹ sớm thông qua PNTR để tạo cho Việt Nam được quyền kinh doanh bình đẳng tại thị trường Mỹ sau khi trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Ford cho rằng việc Quốc hội Mỹ phê chuẩn PNTR sẽ kết thúc tiến trình bình thường hóa các mối quan hệ kinh tế giữa hai nước.
MasterCard vướng vào rắc rối pháp lý
Cổ phiếu của Hãng thẻ tín dụng MasterCard đang đứng trước nguy cơ giảm mạnh sau khi có nhiều nghi vấn đã được đặt ra đối với việc phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) của hãng cuối tháng trước.
Đầu tháng này, một nhóm các nhà đầu tư và buôn bán cổ phiếu chuyên nghiệp đã chuẩn bị thủ tục khởi kiện vì họ nghi ngờ việc phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu của MasterCard có vấn đề gian lận.
Nhóm này cho biết sẽ đưa sự việc lên tận toà án liên bang Mỹ và mong muốn của họ là giá chào bán của cổ phiếu MasterCard phải giảm bớt 0,72 USD xuống còn 45,23 USD/cổ phiếu, bởi theo họ, đó mới là giá đúng.
Với các nhà đầu tư cổ phiếu, tin này có thể sẽ khiến họ ngần ngại với cổ phiếu MasterCard. Trước đó, hầu hết các nhà đầu tư đều rất hào hứng với loại cổ phiếu này, giúp giá trị mỗi cổ phiếu tăng tới 16% chỉ sau chưa đầy 1 năm phát hành ra công chúng lần đầu.
Adobe thông báo lợi nhuận giảm mạnh
Trong 3 tháng trở lại đây (tính đến hết ngày 2/6), doanh số bán ra của hãng phần mềm Adobe (nhà chế tạo 2 phần mềm nổi tiếng khắp thế giới Acrobat và Photoshop) đã giảm sút với lợi nhuận của hãng đã giảm tới 18%.
Giá cổ phiếu của Adobe đã sụt 4% trong ngày thứ năm, sau khi công ty Adobe có trụ sở đặt tại San Jose đưa ra mức dự báo về lợi nhuận và doanh thu trong 3 tháng này và thời gian còn lại của năm thấp hơn mức dự báo của các chuyên gia tài chính phố Wall.
Tuy nhiên ngày hôm sau giá cổ phiếu đã nhích lên 16 cent, kết thúc phiên giao dịch ngày thứ sáu tại thị trường chứng khoán Nasdaq một cổ phiếu Adobe có giá 29,12 USD.
Chủ tịch hội đồng quản trị Bruce Chizen của Adobe nói: 3 tháng vừa rồi quả là một quãng thời gian khó khăn của Adobe. Doanh số bán ra của dòng sản phẩm Creative Suite thấp hơn mức dự kiến.
Bên cạnh đó, giám đốc quản lý hệ thống bán hàng toàn cầu Stephen Elop của Adobe sẽ ra đi vào ngày 5/12 và ông Narayen-người tiền nhiệm của Stephen Elop sẽ quay trở lại đảm nhiệm chức vụ này. Ông Bruce Chizen cũng nhắc đến hãng Microsoft với phần mềm PDF đã gây ra không ít khó khăn cho Adobe.
Coca-Cola bị liên doanh tại Uzbekistan buộc tội
Hãng Coca-Cola vừa bị tổn thất bởi phán quyết của trọng tài đòi bồi thường thiệt hại hơn 100 triệu USD với lí do hãng sản xuất nước giải khát lớn nhất thế giới này có dấu hiệu không lành mạnh nhằm chống lại một liên doanh của hãng khác tại nước này.
Lời buộc tội này do một công ty của một người Mỹ gốc Afghanistan có tên Mansur Maqsudi đưa ra. Công ty này viện cớ rằng hãng Coca-Cola đã có những hành động mờ ám để chiếm cổ phần đa số của ông Maqsudi tại nhà máy đóng chai của Coca-Cola ở Tashkent, nhà máy lớn nhất Trung Á.
Vụ kiện đã được đưa lên uỷ ban trọng tài Áo hồi tuần trước, dựa trên những điều khoản về liên doanh giữa Coca-Cola, công ty TNHH ROZ của ông Maqsudi và chính phủ Uzbekistan.
Coca-Cola kịch liệt phản đối lời buộc tội này. Theo họ dứt khoát không có sự liên kết mờ ám nào và điều này sẽ được xác nhận là đúng ở bất kỳ một toà án hay uỷ ban trọng tài nào.
Vụ kiện này diễn ra khi hãng Coca-Cola đang cố gắng sửa chữa hình ảnh của mình vốn đã xấu đi do những vụ kiện của các nghiệp đoàn lao động tại Mỹ và Châu Âu.
Ông Maqsudi đã hợp tác với hãng Coca-Cola vào năm 1992 nhằm giúp công ty xây dựng nhà máy đóng chai đầu tiên ở Tashkent.
Tính đến năm 1997, doanh số bán hàng hàng năm của nhà máy này đạt 118 triệu USD và đã hai lần được Coca-Cola bình chọn là “nhà máy của năm”. Nhưng quan hệ giữa họ đã xấu đi kể từ năm 2001.
Theo khiếu kiện, nhà máy này bắt đầu bị kiểm toán thuế. Trong vòng 10 tháng, các toà án của Uzbekistan đã tước của công ty ROZ số cổ phần tại nhà máy ở Tashkent.
Trung Á là một trong những thị trường nước giải khát kém phát triển nhất thế giới, nhưng hãng Coca-Cola đang tích cực mở rộng thị trường tại khu vực này trước tình trạng doanh số bán hàng của hãng tại Mỹ và Châu Âu đang giảm.
Theo Nhật Vy
Vietnamnet/CNN, AFP, AP, Reuters