Thợ truyền tải điện: Những người lính canh ánh sáng thời bình
(Dân trí) - Đi đến tận cùng vùng sâu biên giới, xa người yêu, xa vợ con hàng mấy tháng trời hay phải ngồi ghe hàng tiếng đồng hồ để vượt qua các kênh, rạch dài hàng chục km, lội qua những đầm lầy phèn, mặn thậm chí phải "hành quân" cả đêm để đến, kiểm tra các hệ thống cột điện, đường truyền tải điện, công việc gian nan của thợ truyền tải điện là thế. Nhưng, họ vẫn vui nghề, say nghiệp vì những cống hiến lặng thầm của họ giúp dòng diện mãi sáng ở những vùng đất được coi "phên dậu tổ quốc".
Để có dòng điện ổn định thường xuyên, cung ứng lâu dài, ngoài việc duy trì sự ổn định của các nhà máy điện, còn có công rất lớn của những người thợ truyền tải điện, những người được mệnh danh: lính thời bình, đi đêm tối để cho dòng điện mãi thắp sáng mọi miền quê.
Chúng tôi có dịp đi thực tế với với những công nhân truyền tải điện tại Châu Đốc (An Giang) và chứng kiến những việc làm, những đóng góp lớn lao thậm chí hy sinh đời sống riêng tư của nhiều công nhân ngành truyền tải điện để đảm bảo an toàn lưới điện quốc gia, an ninh năng lượng và hơn nữa là dòng điện luôn sáng mãi khu vực vùng sâu, vùng xa, giáp biên giới Campuchia.
Tại huyện biên giới Tịnh Biên (An Giang), một huyện biên giới có địa hình đa dạng, phức tạp có đồi, núi, đồng bằng và kênh rạch chằng chịt; để đảm bảo công tác truyền tải thông suốt, thợ truyền tải phải sử dụng mọi phương tiện từ đường bộ, đường sông và cả lội đầm, lội đìa...
Theo anh Trường, công nhân có 4 năm kinh nghiệm trong nghề, những vất vả của nghề truyền tải điện là không thể kể hết. Nếu như công đoạn dựng cột, được thực hiện hầu hết bằng thủ công, anh em phải chia nhau vận chuyển từng bộ phận dây cáp điện lớn, các thành phần của dây điện... thì việc đảm bảo an toàn hành lang lưới điện cũng phức tạp không kém.
Những người công nhân, kỹ sư phải tuân thủ chế độ trực, kiểm tra ban ngày định kỳ mỗi tuần 1 lần ở các vùng biên giới, nơi phải vượt hơn 60 km những người thợ truyền tải điện mới tiếp cận được 1 trụ điện, định kỳ kiểm tra đêm mỗi tháng 1 lần trên vị trí các cột và đường dây mà đơn vị quản lý.
Tại huyện biên giới Tịnh Biên (An Giang), phương tiện đi lại chủ yếu là ghe, xuồng. Do các cột điện cách xa nhau, mạng lưới sông ngòi đan xen, nên không thể đi đường bộ, mỗi ngày, trung bình thợ điện phải di chuyển hàng chục km trên những chiếc ghe nhỏ này.
Những chiếc cầu dân sinh, kết nối các vùng cư dân của Đồng bằng Sông Cửu Long cùng với đường dây điện lưới sẽ giúp xóa những khóm dân cư không điện, không đường trong nay mai
Cánh đồng thẳng cánh cò bay của sông nước An Giang và Đồng bằng Sông Cửu Long luôn có mặt của những người thợ truyền tải bám địa bàn suốt ngày đêm
Những người lính lưng trời, họ phải bám đường dây, yêu công việc như những đứa con của mình; kể cả trong trường hợp có gió bão lớn, công việc của những người thợ vẫn lặng thầm
Phút nghỉ trưa trên độ cao hàng trăm mét so với mực nước biển, người thợ điện tranh thủ ăn cơm trưa. Đối với họ, từng giây, từng phút sửa chữa đều cần nhanh, gấp gáp và rất quý giá. Dù phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt, nhưng họ vẫn phải tuân thủ mục tiêu: an toàn, nhanh, tiết kiệm và hiệu quả
Tại vùng giáp biên, có nhiều hộ dân nằm ẩn sâu trong kênh rạch, sông suối không có điện lưới quốc gia. Nhóm thợ truyền tải điện thuyết phục bà con di chuyển đến những khối xóm thuận tiện hơn để phấn đấu mục tiêu 100% hộ dân sẽ có điện.
Để đảm bảo an toàn lưới điện quốc gia và an toàn dòng điện cho người dân, những người thợ truyền tải kiêm luôn dân vận để hướng dẫn bà con cách sử dụng điện, bảo vệ tài sản Nhà nước.
Nguyễn Tuyền