Thiếu vận động, ì ạch trở thành nguyên nhân chính gây thừa cân béo phì

(Dân trí) - Một số bố mẹ thường giao thiết bị cầm tay cho con chơi để “giữ chân” con không nghịch ngợm và tưởng rằng con ngoan, nhưng rốt cuộc, hậu quả là con trở nên chậm chạp, ì ạch. Lối sống thiếu các hoạt động vui chơi đang là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thừa cân béo phì (TCBP) ở rất nhiều trẻ em thành phố.

Thiếu vận động, ì ạch trở thành nguyên nhân chính gây thừa cân béo phì - 1

Con “ngoan hiền” quá cũng lo

Gia đình chị Hoài Nam ở tại một căn hộ chung cư ở quận Hà Đông, Hà Nội. Anh Thắng - chồng chị, công tác trong quân đội nên thường xuyên xa nhà, chị Nam lại làm trong lĩnh vực ngân hàng nên thường xuyên bận rộn, cả 2 có rất ít thời gian chơi với con.

Hai anh chị có con trai - cháu Thế Bảo đang học lớp 3. Cháu Bảo ngoài thời gian học trên lớp và ở các trung tâm tiếng Anh. Khi về đến nhà, cháu chỉ duy nhất có một hoạt động là xem ipad.

Thời gian đầu khi Bảo còn học mầm non, lớp 1, chị Nam nghĩ rằng việc cho con tiếp xúc sớm với thiết bị công nghệ sẽ giúp con học thêm được nhiều thứ, đặc biệt là tiếng Anh. Hơn nữa, có chiếc ipad trong tay, Bảo trở nên ngoan ngoãn và… “dễ bảo”.

“Chỉ cần đưa ipad cho thằng bé, thì mọi vấn đề sẽ được giải quyết”, chị Hoài Nam cho biết. Lúc quá bận rộn, ipad trở thành một người trông trẻ, một người giúp việc đắc lực cho chị. Mọi việc có thể coi như thuận lợi, bởi chị vừa có thời gian làm việc, mà con lại ngoan ngoãn, an toàn ở trong nhà. Thế nhưng nhịp sống đều đặn ấy trôi qua, chị Nam bỗng giật mình vì con trai chị hầu như chỉ ru rú với trò giải trí duy nhất là chơi điện tử, xem hoạt hình và YouTube. Bảo cũng trở nên ì ạch, lười biếng.

Nếu ngày trước Bảo thỉnh thoảng vẫn xin mẹ được đi chơi thì nay cậu bé chỉ thích được ở nhà và dán mắt vào màn hình máy tính. Mới 8 tuổi mà bé đã nặng tới 37kg, nên chị Nam phải tìm đủ mọi cách để “hãm ăn” cho con mà Bảo lúc nào cũng trong tình trạng “đói” và “thèm ăn”.

Trên thực tế, những gia đình có thói quen nuôi dạy con cái như gia đình chị Hoài Nam khá phổ biến. Nhất là trong điều kiện ở thành phố, bố mẹ thường giao thiết bị cầm tay cho con chơi để “giữ chân” con không nghịch ngợm và tưởng rằng con ngoan. Nhưng rốt cuộc, hậu quả là con của họ dần trở nên chậm chạp, dễ bị TCBP. Thực tế này đã được khái quát hóa trong kết quả nghiên cứu về “Tình trạng dinh dưỡng, khẩu phần, tần suất và thói quen tiêu thụ thực phẩm của học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông ở một số tỉnh thành Việt Nam” được Viện Dinh dưỡng Quốc gia công bố trong tháng 7/2019, thời gian ngồi màn hình, bao gồm cả màn hình máy tính, ti vi, điện thoại,... của trẻ có xu hướng tăng dần theo cấp học và ngày nghỉ thì nhiều hơn ngày thường.

Béo phì do rất nhiều nguyên nhân trong đó lười vận động là nguyên nhân chính

GS. TS Phan Thị Kim, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật An toàn Thực phẩm Việt Nam cho biết: “Hiện tại trên thế giới tranh cãi rất nhiều về ăn đồ ngọt sẽ dẫn đến TCBP, nhưng đồ ngọt chỉ là một yếu tố thôi. Như người ta nói vận động mới là quan trọng, ăn vào nhiều nhưng vận động nhiều thì không béo phì.”

Nghiên cứu về của Viện Dinh dưỡng Quốc gia công bố trong tháng 7/2019 cho thấy, học sinh tiểu học có khẩu phần ăn uống giàu năng lượng và protein thậm chí cao hơn nhiều so với ngưỡng khuyến nghị, nhưng mức độ tham gia các hoạt động thể lực lại thấp, dẫn đến tỷ lệ thừa cân, béo phì ở học sinh tiểu học khá cao, nhất là ở khu vực thành thị.

Nghiên cứu này chỉ ra rằng, đa số trẻ em Việt Nam ở độ tuổi học đường đều có thói quen ít hoạt động thể lực. Hoạt động thể lực kém còn thể hiện qua thời gian tĩnh trong ngày với 84,6% và 85,1% trẻ có thời gian tĩnh trên 2 giờ trong một ngày, bao gồm cả ngày thường và ngày nghỉ. Thời gian ngồi màn hình ngày nghỉ là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc TCBP ở học sinh THCS lên 1.154 lần và ở học sinh tiểu học là 1.162 lần.

Theo TS. Từ Ngữ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam ,nguyên nhân gây ra béo phì ở trẻ không chỉ có chế độ dinh dưỡng và vận động, mà còn có yếu tố gen di truyền. TS. Từ Ngữ cho rằng: “Trong các giải pháp để giảm trẻ TCBP thì dinh dưỡng và vận động là hai giải pháp mà chúng ta có thể can thiệp và tác động, còn gen thì chúng ta không can thiệp được. Cho nên chúng ta chỉ tập trung vào hai vấn đề này: một là dinh dưỡng, hai là vận động”.

Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ ra một số yếu tố khác liên quan đến tình trạng TCBP ở trẻ, bao gồm tuổi, giới tính, khu vực sinh sống, điều kiện kinh tế xã hội và trình độ văn hóa của bố mẹ,.. Chế độ ăn uống và sinh hoạt cũng liên quan trực tiếp đến tình trạng này. Vì vậy, cần nhìn nhận đầy đủ các yếu tố này để đưa ra những biện pháp can thiệp phù hợp, hiệu quả nhằm cải thiện tình trạng TCBP ở trẻ.

Từ thực trạng đó, các chuyên gia đề nghị nên tăng cường truyền thông giáo dục tại nhà trường về chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng để phòng chống TCBP.Trong các chương trình giáo dục thì nên chú ý tới việc tăng cường hoạt động thể lực, giảm thời gian hoạt động tĩnh tại cho trẻ em cả ở trường và ở nhà. Theo đó, gia đình, nhà trường và các ban ngành cần tạo điều kiện cung cấp cho trẻ những bữa ăn lành mạnh, cân đối và tạo sân chơi để trẻ vận động cũng như đảm bảo giấc ngủ hàng ngày cho trẻ.