Thiếu “cung”, tư thương vào siêu thị buôn rau

(Dân trí) - Rét đậm, rét hại kéo dài hơn 30 ngày qua không chỉ khiến người tiêu dùng phải chịu mức giá “ngất ngưởng” mà cánh bán hàng rau cũng điêu đứng do thiếu “cung”. Tại một số siêu thị ở Hà Nội, tư thương đã vào mua rau đem ra ngoài… bán để hưởng chênh lệch.

Hà Nội: “Khôn ngoan” đi siêu thị vào buổi sáng

Đến siêu thị vào những ngày đầu tháng Giêng này, nhất là cuối giờ đi làm về, người dân khó có thể chọn cho mình loại rau vừa ý, không chỉ vì rau cuối ngày kém chất lượng mà còn không có để mua.

Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Thái Dũng - Phó Tổng giám đốc Big C - cho biết: Sau tết Nguyên đán, siêu thị đã dự trữ lượng hàng thực phẩm khô, đồ đông lạnh, thịt bò và gà nhập khẩu, còn đồ tươi sống như: thịt, cá và rau, củ, quả hầu như không tích trữ được.

“Mặc dù nhà cung cấp đã có cam kết với siêu thị về giá và khối lượng hàng sẽ không thay đổi trong thời gian trước và sau tết 2 tuần nhưng Big C đang thiếu hụt nguồn hàng rau xanh và thịt. Bởi nhà cung cấp chỉ đáp ứng đủ từ 50-60% giá trị đơn đặt hàng".

Theo giải thích của ông Dũng, nguyên nhân khiến nhà cung cấp giao hàng không đủ theo cam kết là vì giá giao cho siêu thị thấp hơn ngoài thị trường; bên cạnh đó, chính sự chênh lệch giá giữa siêu thị và thị trường tự do đã khiến một số tư thương đầu giờ vào siêu thị lấy hàng ra để bán khiến lượng rau xanh thiếu hụt hẳn vào cuối ngày.

Trước hiện tượng này, siêu thị Big C có chủ trương “găm” lại một lượng hàng nhất định để bán ra cuối ngày, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng lúc tan tầm.

Thiếu hụt nguồn cung rau xanh cũng xảy ra ở hầu hết hệ thống siêu thị tại Hà Nội, ngay cả Metro đến cuối giờ chiều cũng chỉ còn thừa lại những mớ rau cũ, dập nát còn tồn lại từ buổi sáng.

Khảo sát thị trường rau Hà Nội cho thấy, giá cả mặt hàng rau, củ, quả vẫn tiếp tục tăng và đang tăng từ 30-50%, một vài loại rau tăng tới 70% so với trước tết.

Theo các siêu thị, việc khan hiếm hàng hoá hiện nay kéo dài nhiều lắm cũng chỉ sau Rằm Tháng Giêng, từ ngày mồng 10 (âm lịch) lượng cung hàng sẽ đảm bảo dần do thời tiết đã có dấu hiệu ấm lên. Tuy nhiên, họ không đảm bảo được liệu giá cả có thể trở về mức giá ban đầu như trước tết hay không (!?).

TPHCM: Thương lái “đẩy” giá rau tăng khoảng 20%

Tại TPHCM, không chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi những đợt rét đậm, rét hại như ngoài miền Bắc, nhưng giá rau xanh từ những ngày giáp tết đến nay, giá rau xanh liên tục tăng mà không có dấu hiệu giảm.

Người tiêu dùng “than trời” vì rau xanh “đội giá” chóng mặt. Còn tiểu thương tại các chợ cũng không biết làm thế nào để hạ giá bán vì thực tế, giá rau tăng tại nguồn sản xuất và các thương lái.

Thiếu “cung”, tư thương vào siêu thị buôn rau - 1
  

Không chịu ảnh hưởng của thời tiết, giá rau TPHCM vẫn tăng 20%.

Nhiều bà nội trợ than thở, đi chợ bây giờ đồng tiền cứ muốn “nhảy” ra ngoài vì giá cả thực phẩm vẫn giữ nguyên như dịp Tết Nguyên đán.

Giá rau xanh tăng cao khiến người tiêu dùng phải cân nhắc và chọn lựa rất kỹ lưỡng. Chị Thúy Hằng ngụ tại quận 1 vừa bước ra từ chợ Bến Thành cho biết, để có một ký hoa thiên lý dùng để xào với thịt bò chị đã phải bỏ ra 70.000 đồng, giá mới này đã tăng thêm 15.000 đồng so với trước tết.

Hiện, các loại rau cải tại các chợ đều tăng giá thêm 1.000 - 3.000 đồng/kg, tăng mạnh nhất là xà lách từ 7.000 đồng đã lên 18.000 đồng/kg; cải cúc từ 5.000 đồng lên 10.000 đồng/kg; cải xanh từ 6.000 đồng lên 8.000 đồng/kg; rau thì là giá 25.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg.

Giải thích nguyên nhân giá rau tăng vọt, các tiểu thương cho rằng, thực tế người bán hàng cũng không thể tự ý tăng giá rau.

Những nông dân sản xuất rau cũng chỉ tăng giá thêm khoảng 500 - 1.000 đồng/kg do chi phí sản xuất tăng. Tuy nhiên, các thương lái đã “đẩy” giá rau tăng khoảng 15% - 20% với lý do chi phí vận chuyển tốn kém hơn. Nhiều mối lái đã găm hàng trong thời điểm trong và sau tết tạo nên tình trạng khan hiếm rau trên thị trường.

Bà Thu Nguyệt, Trưởng ban quản lý chợ Tân Định (quận 1) cho biết, do có nhiều người phàn nàn về giá rau quá cao, nhiều tiểu thương tại chợ này phải chuyển sang lấy mối rau từ các nhà vườn chứ không lấy hàng cao cấp từ các công ty kinh doanh rau nữa nhằm “bình dân” dân hóa giá rau xanh.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, giá rau có xu hướng đứng giá ở mức cao hoặc giảm nhẹ chứ khó “hạ nhiệt”. Bởi hiện tại, nhiều tiểu thương đang về quê ăn tết chưa trở lại nên các chợ hiện nay chỉ hoạt động khoảng 50% công suất.

Vì vậy, rau xanh trên thị trường vẫn chưa thực sự dồi dào như ngày thường và giá rau còn “tăng” mạnh.

Tại các chợ ở Hà Nội, các loại thịt lợn đã giảm khoảng 20% so với 2 - 3 ngày trước đây, thịt bò, gà, cá chững lại ở mức giá: Thịt bò loại 1 dao động từ 120.000 đồng - 140.000 đồng/kg; cá quả 80.000 đồng/kg; tôm sú 220.000 đồng/kg; chân gà 62.000 đồng/kg, cánh gà 69.900 đồng/kg, gà ta 99.000 đồng/kg, gà tam hoàng 62.000 đồng/kg, ngan sạch 62.000 đồng/kg.

Riêng mặt hàng rau xanh vẫn còn dấu hiệu tăng tiếp, thị trường đặc biệt khan hiếm rau muống, giá loại rau này lên tới 25.000 - 30.000 đồng/mớ cũng không có để bán. Giá rau trong siêu thị so với giá tại các chợ khó tìm thấy “tiếng nói chung” và nếu không khéo mặc cả, khách hàng dễ bị đội giá thêm vài ba nghìn đồng ở cùng một dãy hàng trong chợ.

Tại TPHCM, giá thịt tại các chợ có xu hướng giảm trở lại gần bằng giá trước tết. Giảm mạnh nhất là giá gà ta giảm 10.000 - 20.000 đồng/kg; gà công nghiệp, tam hoàng, vịt giảm 1.000 đồng - 4.000đ/kg; giá thịt lợn giảm khoảng 3.000 đồng/kg.

Nguyễn Hiền - Nguyên Tuấn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm