Thị trường văn phòng Hà Nội: “Cuộc chiến” đông - tây

Giới đầu tư đang chứng kiến sự dịch chuyển các văn phòng công ty từ Hoàn Kiếm ra Mỹ Đình - nơi có cơ sở hạ tầng thuận lợi hơn. Theo dự báo, một “cuộc chiến” sẽ diễn ra giữa các chủ đầu tư để giữ chân khách hàng.

Thị trường văn phòng Hà Nội: “Cuộc chiến” đông - tây - 1
Thị trường bất động sản Hà Nội đang có nhiều biến động
 
Nếu như mấy năm trước, thị trường văn phòng cho thuê chỉ tập trung tại các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng (phía Đông Hà Nội), với giá thuê văn phòng hạng A đỉnh điểm lên đến 100 USD/m2/tháng, thì câu chuyện hôm nay đã khác.

Sự phát triển nhanh chóng về cơ sở hạ tầng trong thời gian gần đây tại khu vực Cầu Giấy - Mỹ Đình (phía Tây Hà Nội) đã kéo theo hàng loạt cao ốc văn phòng, tạo nên một khu vực văn phòng cho thuê rất lớn tại Hà Nội, đủ sức cạnh tranh với khu vực phía Đông.

Ông Nathan Cumberlidge, Trưởng phòng Định giá và Nghiên cứu thị trường (Công ty Colliers International Việt Nam) nhận định, việc hình thành một thị trường với hai khu vực Hoàn Kiếm (phía Đông) và Mỹ Đình (phía Tây) cũng như sự cạnh tranh giữa hai khu vực này ngày một tăng sẽ khiến các chủ đầu tư ngày một tích cực hơn trong việc tìm kiếm khách hàng thuê.

Với người thuê, đây là tín hiệu đáng mừng, bởi nó có thể làm giảm giá thuê và tăng thêm những điều khoản thuê ưu đãi trong khoảng thời gian từ 3 năm đến 5 năm.

Trong quý I/2010, thị trường văn phòng cho thuê tại Hà Nội còn đón nhận thêm toà cao ốc văn phòng (hạng B) Capita Tower cao 23 tầng tại ngã ba Trần Hưng Đạo - Lê Duẩn, với diện tích mặt bằng cho thuê khoảng 21.000 m2.

Diện tích mới này đã đẩy tỷ lệ trống của thị trường văn phòng hạng B tại Hà Nội tăng thêm khoảng 3,5% so với quý trước đó, lên mức 21,5%. Đây là thông tin không vui đối với bất cứ chủ đầu tư cao ốc văn phòng cho thuê nào sắp có dự án cao ốc văn phòng hoạt động tại thị trường Hà Nội.

Sự dư thừa nguồn cung văn phòng cho thuê có thể khiến dư luận có liên tưởng nhất định đến Công văn số 241/BXD-QLN (ngày 10/2/2010) của Bộ Xây dựng về việc yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát văn phòng của các doanh nghiệp đóng trong các khu chung cư cũ và tiến tới việc yêu cầu các văn phòng này di dời khỏi các chung cư cũ vì lý do an toàn.

Nếu kế hoạch này của Bộ Xây dựng được Chính phủ chấp thuận thì các chủ đầu tư dự án cao ốc văn phòng cho thuê sẽ là những người được lợi nhất, vì số lượng khách hàng thuê văn phòng sẽ tăng đột biến.

Tuy nhiên, yêu cầu rà soát này của Bộ Xây dựng có vẻ như không được dư luận ủng hộ và đang dần rơi vào im lặng. Cho đến thời điểm này, chưa có địa phương nào phản hồi về số lượng các doanh nghiệp có văn phòng đóng tại các chung cư cũ.

Trở lại câu chuyện cạnh tranh giữa các chủ đầu tư khu vực phía Đông và phía Tây Hà Nội, theo một số công ty tư vấn bất động sản, các chủ đầu tư rất khó chấp nhận việc giảm giá nhưng tình hình nguồn cung văn phòng lớn sẽ buộc họ phải làm việc “bất đắc dĩ” này.

Các dự án phía Tây dọc đường Phạm Hùng đang rất thành công trong việc thu hút khách thuê, tạo áp lực lớn đối với các dự án ở khu vực phía Đông và đe dọa hút khách của khu vực này. Nhiều khách thuê lựa chọn khu vực phía Tây do cơ sở hạ tầng tốt, giá thuê thấp, trong khi điều khoản hợp đồng linh hoạt.

Tuy nhiên, một số người cho rằng, trong một chừng mực nhất định, khu vực phía Đông sẽ vẫn duy trì lợi thế và tính ổn định so với các quận mới phát triển - nơi sẽ có nhiều thay đổi trong những năm tới.

Bên cạnh đó, các chủ đầu tư văn phòng tại khu vực phía Đông sẽ không dễ dàng “buông” khách hàng, khi mà họ đã bỏ ra nhiều triệu USD để đầu tư. Để giữ chân khách hàng, các chủ đầu tư này có thể sẽ hạ giá thuê và tăng thêm những điều khoản có lợi cho người thuê, như không cần đặt cọc, trả tiền theo từng quý thay vì theo từng năm hiện tại...

Theo Hà Quang
Báo Đầu tư