Thị trường truyền hình với cơn sốc giảm giá đầu năm
Theo Bộ Thông tin Truyền thông, đến tháng 7/2015 tổng thuê bao truyền hình trả tiền toàn quốc đạt xấp xỉ 10 triệu, dự báo đến hết năm 2016, tổng số thuê bao truyền hình trả tiền ước đạt khoảng 12 triệu. Tuy nhiên, các nhà cung cấp dịch vụ đều cho biết cạnh tranh gay gắt đang khiến việc phát triển thuê bao ngày càng khó khăn.
Giảm giá càng sâu, khách hàng càng lợi
Những cơn lốc khuyến mại như tặng đầu thu, tặng sữa, tặng 30-50% cước…cho những khách hàng đăng ký và đóng cước một năm luôn là những chiêu hấp dẫn, giúp cho nhiều nhà mạng tăng được thuê bao, chiếm lĩnh thị trường. Đặc biệt, khi cuộc đua trên thị trường này có thêm những nhà cung cấp mới từ lĩnh vực viễn thông nhảy vào, dùng các hình thức bù chéo giữa các dịch vụ để giảm mạnh cước truyền hình khiến cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt.
Vốn dĩ là một nhà cung cấp có yếu tố ngoại, bao lâu nay đứng ngoài cuộc đua giá, tập trung phát triển nội dung khác biệt để cạnh tranh, Truyền hình số vệ tinh K+ cũng rốt cuộc phải nhảy vào cuộc đua khốc liệt này để tăng thị phần. Mới đây, nhà đài này đã công bố chiến lược mới, thay vì hai gói cước Access+ và PremiumHD trước đây , K+ chỉ còn một gói dịch vụ duy nhất Premium+ với mức giá 125.000 đồng. Mức giá này chỉ bằng một nửa mức giá của gói PremiumHD trước nhưng được hưởng nguyên số lượng 130 kênh, cũng như các chương trình đặc sắc đỉnh cao của K+. Ông Lê Chí Công, Tổng giám đốc K+ khẳng định, đây là bước đi mới sau khi K+ đã có lượng khách hàng đủ lớn để bước sang giai đoạn phát triển tăng tốc mới.
Động thái này của K+ khiến các nhà cung cấp khác không khỏi lo ngại, bởi trước khi hạ giá, K+ đã tích lũy cho mình một lượng lớn các bản quyền nội dung khủng. Tuy nhiên đối với người tiêu dùng, giá dịch vụ càng rẻ càng đáng mừng, đặc biệt là đối với các dịch vụ đã khẳng định đươc chất lượng cao.
Tăng số lượng để bù doanh thu
Theo các chuyên gia, khi lao vào cuộc đua về giá, các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình sẽ phải đối mặt với bài toán sụt giảm doanh thu hay cắt giảm chất lượng dịch vụ. Hay có doanh nghiệp lựa chọn con đường giá rẻ ngay từ đầu, tuy nhiên sau thời gian phát triển thuê bao ban đầu phải đối mặt với việc thuê bao rời bỏ mạng vì không thỏa mãn về chất lượng nội dung.
“Doanh thu bằng đơn giá nhân sản lượng, nếu đơn giá giảm mà sản lượng tăng cao thì có thể tăng lợi nhuận hơn. K+ đã phải tính toán hết những yếu tố ảnh hưởng liên quan như giá bản quyền tăng cao, điểm hòa vốn, khả năng cạnh tranh trên thị trường, tăng trưởng về khách hàng…Chúng tôi tin rằng sẽ phát triển thuê bao tốt, nhưng không tránh khỏi những khó khăn ban đầu”, ông Công cho hay.
Theo K+, nhà cung cấp này sẽ tiếp tục đầu tư và tạo sự khác biệt với các nhà cung cấp khác bằng những nội dung giải trí đỉnh cao thể thao trên 4 kênh K+1, K+PM, K+PC, K+NS như: bản quyền trọn vẹn giải bóng đá Ngoại hạng Anh (EPL) và Vô địch quốc gia Tây Ban Nha (La Liga); hệ thống giải tennis ATP World Tour, các chương trình thể thao đồng hành mang bản sắc riêng của K+ được đầu tư công phu như “Bản tin Thethao+” và “Thethao+”; các môn thể thao cảm giác mạnh; giải Golf quốc tế,…Đặc biệt về phim ảnh, ngoài những series phim truyền hình bom tấn trên thế giới, K+ sẽ tiếp tục đầu tư để khán giả Việt Nam được thưởng thức những bộ phim điện ảnh Việt Nam đặc sắc vừa chiếu rạp.
Nhà đài này cũng cho biết, đã bắt đầu triển khai ứng dụng myK+ và các thuê bao của mình có thể xem các kênh K+ mọi lúc, mọi nơi ngay trên các thiết bị kết nối Internet như điện thoại di động, máy tính, máy tính bảng…Như vậy, các thuê bao sẽ không còn lo lắng về việc bỏ lỡ những trận cầu đỉnh cao, các trận quần vợt đẳng cấp hay những bộ phim yêu thích.
Tuy nhiên, vấn đề sau khi giảm giá, liệu K+ có còn bản quyền Ngoại hạng Anh trong ba mùa tới vẫn đang được đông đảo khán giả truyền hình quan tâm nhất. Ông Công khẳng định “Chiến lược về nội dung của K+ là không thay đổi và luôn theo hướng cung cấp nội dung đặc sắc nhất, mới nhất. Đầu tư vào bản quyền Ngoại hạng Anh vẫn là 1 trong các ưu tiên chiến lược của K+”.
PV