1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thị trường trong nước “đột phá” nhờ hàng Việt

(Dân trí) - Năm 2010 được đánh giá là năm thị trường trong nước có những bước phát triển khá, nhờ các giải pháp kích cầu tiêu dùng thông qua Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…

Thị trường trong nước “đột phá” nhờ hàng Việt - 1
Nhiều chương trình hàng Việt được đưa về nông thôn (ảnh: Tuổi trẻ)
 
Năm 2010, theo nhận định của Bộ Công Thương, nền kinh tế nước ta còn gặp nhiều khó khăn, thách thức: kinh tế tăng trưởng nhưng chưa thực sự ổn định, khả năng tái lạm phát cao vẫn tiềm ẩn, nhập siêu còn lớn, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp.

Tuy nhiên, do có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, nhờ có sự đồng thuận và sự hưởng ứng tích cực của toàn dân và doanh nghiệp nên nền kinh tế nước ta tiếp tục giữ được sự ổn định và có chuyển biến tích cực. Các cân đối kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định.

Xuất khẩu đạt mức tăng trưởng cao 25,5%, vượt mức kế hoạch của Quốc hội giao, nhập siêu đã dần được kiểm soát, dưới mức 20% kim ngạch xuất khẩu, cụ thể là 17,3%. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá năm 2010 đạt khoảng 71,6 tỷ USD, tăng 25,5% so với năm 2009 và tăng 18% so với kế hoạch.

Tốc độ tăng GDP năm 2010 đạt 6,78%, trong đó công nghiệp và xây dựng tăng 7,6% (riêng công nghiệp tăng khoảng 6,9%). Đến cuối năm 2010, tỷ trọng ngành công nghiệp và xây dựng đạt 41,1% (trong đó riêng công nghiệp chiếm 34,2%). Giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 14,0% so với năm 2009.

Đáng chú ý, báo cáo tại Hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2010 và triển khai kế hoạch năm 2011 của ngành cho thấy, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm khai thác và chiếm lĩnh thị trường trong nước.

Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước ước đạt 1.561,6 nghìn tỷ đồng, tăng 24,5% so với năm 2009. Đây là mức tăng khá cao, nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì vẫn tăng gần 13%.

Đây là năm thị trường trong nước có những bước phát triển khá, nhờ các giải pháp kích cầu tiêu dùng thông qua Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Các chương trình khuyến mãi, giảm giá của các doanh nghiệp phân phối, các đợt đưa hàng về nông thôn, về các khu công nghiệp, các đợt tổ chức hội chợ, triển lãm, thực hiện các đề án hỗ trợ lãi suất hoặc cho vay vốn để mở các điểm bán hàng ổn định giá...

Nhiều doanh nghiệp thương mại đã củng cố và phát triển hệ thống phân phối, triển khai các loại hình bán buôn, bán lẻ mới theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp. Mạng lưới chợ và loại hình thương mại truyền thống tiếp tục được quan tâm phát triển…

Lan Hương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm