1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thị trường tiền tệ lại… “lên cơn sốt”

Chỉ một thời gian rất ngắn, sau khi Công điện 02 (ngày 26/2) của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành, việc khống chế lãi suất huy động của các ngân hàng (NH) xuống dưới mức 12%/năm được thực thi.

Ngày 2/4, hầu hết các NH đã điều chỉnh các mức lãi suất huy động 1 năm từ 10,5% đến tối đa 11% (tùy kỳ hạn) theo sự thống nhất của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA).

Ngỡ rằng từ động thái này, giải pháp tài chính cho vấn đề kiểm soát lạm phát sẽ phát huy tác dụng nhưng chỉ ngay sau khi thỏa thuận giảm lãi suất huy động, thị trường tiền tệ lại có dấu hiệu... “nóng”.

Thực tế cho thấy, chưa đầy 1 tuần trước, mốc cho vay phổ biến của thị trường liên ngân hàng (TTLNH)  là 5-7%, kỳ hạn 1 tuần 7-7,5%/năm, nhưng ngay trong ngày 2/4, lãi suất của TTLNH đã vọt lên 12%/năm (với VND).

Ở thời điểm đó, có người đặt câu hỏi: phải chăng đây là phản ứng chỉ mang tính thời điểm trong ngày thực hiện giảm lãi suất theo thỏa thuận? Nhưng, sang ngày 3/4, lãi suất trên TTLNH lại vọt lên 15%/năm.

Điều đáng nói là trong thời điểm “nhạy cảm” nhất của thị trường tiền tệ thì nhiều NH, trong đó có các NH thương mại Nhà nước (TMNN)  lợi dụng lúc các “đồng nghiệp” khó khăn để cạnh tranh không lành mạnh?!

Mặc dù những ngày sau đó số lượng các khoản đi vay đã giảm đáng kể so với ngày đầu tiên giảm lãi suất huy động vốn  song, đáng tiếc là trong khi nhiều  NH thương mại cổ phần (TMCP) đưa ra các mức lãi suất cho vay khá hợp lý, thì các NH TMNN lại cho vay với lãi suất cao, nên nhiều doanh nghiệp (DN) đang gặp không ít khó khăn.

Do thiếu vốn, thay vì phải chịu vay với lãi suất cao, nhiều DN đành phải thu hẹp sản xuất. Đã có không ít DN chấp nhận phá vỡ các hợp đồng cũ, tạm đình chỉ ký các hợp đồng mới, thậm chí có DN đã tính đến chuyện cắt giảm nhân công. Những khó khăn trong việc vay vốn chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN.

“Cầu” vốn và lãi suất căng, khả năng tiếp cận vốn của các DN lại đứng trước khó khăn. Lãi suất cho vay “đầu ra” vừa đứng trước cơ hội giảm theo lãi suất huy động, giờ lại vấp phải trở ngại mới. Liệu điều này có ảnh hưởng đến kiềm chế lạm phát? Giờ đây, nhiều người lại nhắc tới vai trò của NHNN trong việc hỗ trợ thanh khoản cho các thành viên.

Thị trường tiền tệ “nóng” lên được các chuyên gia  giải thích  rằng do nhiều NH chưa chấp hành đúng các tỉ lệ an toàn trong hoạt động. Việc sử dụng vốn vay trên TTLNH với kỳ hạn ngắn để cho khách hàng vay lại, không thu hồi được nợ để bù đắp, vốn khả dụng bị thiếu hụt...

Bởi thế, khi thiếu hụt vốn khả dụng, các NH này phải chấp nhận vay với mức lãi suất cực cao để có vốn. Việc làm này đã “châm ngòi” cho cuộc đua tăng lãi suất cho vay lan rộng trên toàn hệ thống.

Hơn thế nữa, đây là kỳ đáo hạn quý đầu năm của nhiều hợp đồng tiền gửi, yêu cầu giải ngân tăng lên, cộng với yêu cầu dự trữ bắt buộc của các NH. Mặt khác, khi lực hút huy động không còn lợi thế về lãi suất, nhiều NH phải tính đến việc “phòng vệ” trước khả năng thanh khoản, do đó ngay cả những “mạnh thường quân” trong lĩnh vực này cũng không dễ dàng “mở hầu bao” vào thời điểm này...

Những diễn biến lãi suất trái chiều trên thị trường tiền tệ đang gây ra không ít lo ngại về tính ổn định của thị trường đối với nhiều người, nhất là với các nhà đầu tư. Tình trạng này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cơ chế tác động và hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ của NHNN.

Việc khống chế lãi suất huy động nhằm bình ổn thị trường tiền tệ, nhưng không khống chế lãi suất cho vay, sẽ có những tác động không nhỏ đến nền kinh tế của đất nước. Phải chăng đã đến lúc NHNN cần có thêm một động thái mới nhằm khống chế mức trần lãi suất cho vay của các NH, hay kiểm soát biên độ lãi suất cho vay so với lãi suất huy động?

Vẫn biết chính sách này đã bãi bỏ từ năm 1998, nhưng  ở thời điểm này, nếu một chính sách tương tự được đưa ra nhằm kiểm soát lãi suất cho vay, trước mắt sẽ gỡ rối cho nhiều DN vay vốn.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà việc vay vốn sẽ dễ dàng hơn, trong điều kiện lượng vốn huy động hạn chế, các NH sẽ rất thận trọng trong việc lựa chọn khách hàng để cho vay. Một hướng đi đúng trong việc góp phần kiềm chế lạm phát hiện nay chính là việc ưu tiên cho tín dụng sản xuất và đầu tư, đồng thời thu hẹp tín dụng tiêu dùng.

Theo Diệu Anh
Báo Hà Nội mới

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm