1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thị trường "lật kèo", cổ phiếu tập đoàn ông Phạm Nhật Vượng “cứu” VN-Index

(Dân trí) - Sau phiên “bùng nổ” tăng mạnh nhất 1 thập kỷ của VN-Index, thị trường trở xấu ngày 26/3 với hơn 460 mã cổ phiếu giảm và 70 mã giảm sàn. Chỉ số chính vẫn đạt được trạng thái xanh nhờ vào VIC.

Thị trường lật kèo, cổ phiếu tập đoàn ông Phạm Nhật Vượng “cứu” VN-Index - 1

Ông Phạm Nhật Vượng gây ấn tượng mạnh với hoạt động hỗ trợ mạnh mẽ công cuộc chống dịch Covid-19

 Kết thúc phiên giao dịch 26/3, chỉ số VN-Index vẫn đạt được trạng thái tăng 3,96 điểm tương ứng 0,57% lên 694,21 điểm trong khi chỉ số hai sàn còn lại đều đã quay đầu. HNX-Index giảm 2,28 điểm tương ứng 2,27% còn 97,81 điểm; UPCoM-Index giảm 0,53 điểm tương ứng 1,06% còn 49 điểm.

Thanh khoản đạt 221,85 triệu cổ phiếu tương ứng 4.050,8 tỷ đồng trên HSX và đạt 40,97 triệu cổ phiếu tương ứng 316,21 tỷ đồng trên HNX. Thị trường UPCoM có 9,97 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 117,68 tỷ đồng.

Sắc đỏ trở lại đóng vai trò chủ đạo. Trên toàn thị trường có tới 463 mã giảm giá và 70 mã giảm sàn, áp đảo hoàn toàn so với chỉ 237 mã tăng và 64 mã tăng trần.

Đáng chú ý là mặc dù VN-Index nhưng trên sàn HSX có tới 265 mã giảm giá trong khi chỉ có 108 mã tăng. Nguyên nhân khiến sàn này rơi vào tình trạng “xanh vỏ đỏ lòng” đó là lực kéo tại nhóm cổ phiếu Vingroup và một số “ông lớn” như VCB, VNM.

Chỉ riêng VIC đã đóng góp cho VN-Index tới 5,11 điểm, vượt xa mức tăng chung của chỉ số. Nói cách khác, riêng VIC đã “cân” cả thị trường. VHM đóng góp 1,81 điểm; VCB đóng góp 1,27 điểm và VNM đóng góp 0,99 điểm…

Cụ thể, VIC của Vingroup phiên này được mua vào rất mạnh, tăng trần 5.300 đồng lên 81.800 đồng, khớp lệnh hơn 1,24 triệu đơn vị, không hề còn dư bán trong khi vẫn còn dư mua giá trần.

VHM của Vinhomes tăng 1.900 đồng lên 61.000 đồng, khớp lệnh đạt hơn 2 triệu cổ phiếu. VRE của VinRetail cũng tăng 1.100 đồng lên 20.000 đồng.

Một số mã lớn khác như BID của BIDV cũng tăng giá, VCB của Vietcombank tăng 1.200 đồng lên 63.200 đồng, BHN của Habeco tăng 1.900 đồng lên 51.900 đồng. VNM của Vinamilk tăng 2.000 đồng lên 94.000 đồng; SAB của Sabeco tăng 5.000 đồng lên 125.000 đồng.

YEG tăng trần trở lại, tăng 3.400 đồng lên 52.000 đồng/cổ phiếu với khối lượng khớp lệnh khiêm tốn chỉ hơn 44 nghìn cổ phiếu nhưng không hề còn dư bán trong khi vẫn có dư mua giá trần.

Chiều ngược lại, phần lớn cổ phiếu trên thị trường rơi vào tình trạng mất giá. Trong rổ VN30 có tới 21 mã giảm giá và chỉ có 9 mã tăng. Một số mã có mức giảm đáng kể và có ảnh hưởng tới VN-Index là CTG, GAS, HPG, MWG, TCB, VPB…

Theo nhận định của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), phiên giao dịch 26/3 chỉ mang tính kỹ thuật khi chỉ số xanh nhưng các cổ phiếu giảm nhiều hơn.

“Thị trường chứng khoán lúc này chưa thể đủ độ an toàn để nhà đầu tư có thể giải ngân mạnh dạn. Tuy nhiên vẫn luôn có cơ hội riêng lẻ, do vậy chúng tôi mong rằng các nhà đầu tư có thể điều chỉnh giải ngân hợp lý và ở mức độ an toàn trong thời gian này” - báo cáo của VDSC khuyến nghị.

Còn theo Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), VN-Index dự báo sẽ tiếp tục thử thách vùng kháng cự 700-720 điểm trong phiên cuối tuần. Tuy nhiên, BVSC tiếp tục lưu ý rằng, tại đây, thị trường có khả năng sẽ gặp áp lực rung lắc, giảm điểm trở lại để kiểm định vùng hỗ trợ 653-673 điểm.

Điểm tiêu cực hiện tại vẫn là những diễn biến bất ngờ của dịch Covid-19, áp lực bán ròng liên tục của khối ngoại và biến động khó lường của thị trường thế giới.

Theo đó, chiến lược đầu tư được đưa ra là duy trì tỷ trọng danh mục ở mức thấp 10-20% cổ phiếu, ưu tiên nắm giữ các mã với tầm nhìn trung - dài hạn.

BVSC khuyên nhà đầu tư đã thực hiện giải ngân tại vùng quanh 653 điểm có thể tiếp tục xem xét giải ngân thêm với tỷ trọng thấp nếu chỉ số kiểm định thành công vùng hỗ trợ 653-673 điểm, nhưng chỉ dành cho các nhà đầu tư có vị thế tiền mặt lớn và có mức độ chịu đựng rủi ro cao.

Mai Chi

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm