Thị trường khách sạn và nghỉ dưỡng còn chông chênh

(Dân trí) - Tỷ lệ khách du lịch quay lại Việt Nam rất thấp trong khi phân khúc thị trường khách sạn và BĐS nghỉ dưỡng vẫn là một ngành công nghiệp non trẻ. Do đó, các nhà đầu tư có thể rơi vào trường hợp mất cảnh giác, thiếu sự chuẩn bị trước các biến động.

Thị trường khách sạn và nghỉ dưỡng còn chông chênh - 1
Thị trường khách sạn và BĐS nghỉ dưỡng không phải là mảnh đất "dễ xơi" (ảnh minh họa)
 
Theo ông Mauro Gasparotti, Trưởng bộ phận dịch vụ khách sạn/khu nghỉ dưỡng CBRE Việt Nam: “ Thị trường khách sạn và bất động sản nghỉ dưỡng ở Việt Nam đã thay đổi nhiều kể từ giai đoạn trước khủng hoảng, với việc khách hàng ngày càng đòi hỏi cao hơn và có nhiều lựa chọn hơn. Nhiều dự án mới đang xây dựng hoặc gần sắp hoàn thiện xây dựng sẽ đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn và khách hàng cũng đòi hỏi cao hơn so với trước đây.”

Như chúng ta đã biết ở các quốc gia như Thái Lan và Indonesia, có sự khác biệt khá rõ ràng giữa các dự án tiêu chuẩn và dự án cao cấp hơn. “Những thay đổi này không nhất thiết có nghĩa là giá cả và chi phí xây dựng cao hơn, mà là sự kết hợp tốt hơn giữa thiết kế, chất lượng, giá cả và dịch vụ thông qua việc xây dựng kế hoạch phát triển rõ ràng, cẩn trọng, chi tiết, hiệu quả và hiểu biết thị trường hơn. Đây là những điều hiếm thấy ở Việt Nam trước đây”.- ông Gasparotti nói.

Trong khi đó, thị trường du lịch nội địa ngắn hạn và trung hạn vẫn chưa có xu hướng rõ ràng, với cơ cấu khách của khách sạn thành phố và khách của các khu nghỉ dưỡng vẫn liên tục thay đổi.

Tỷ lệ thất nghiệp cao ở Mỹ và Châu Âu đã có ảnh hưởng bất lợi đến số lượng khách phương tây du lịch đến khu vực Đông Nam Á, trong khi số lượng khách Trung Quốc và Nga tới khu vực này có vẻ đang gia tăng liên tục.

Một nhân tố quan trọng khác cũng cần phải được xem xét khi phân tích lượng khách du lịch đó là tỷ lệ khách du lịch quay trở lại. Ông Gasparotti cho biết: “Tỷ lệ khách du lịch quay lại Việt Nam hiện nay rất thấp. Tôi không lấy làm ngạc nhiên lắm khi tỷ lệ phần trăm khách du lịch quay trở lại Việt Nam chỉ ở hàng đơn vị so với con số 60% ở Thái Lan.

Những khách du lịch quay lại là nhân tố quan trọng đối với thị trường nhà ở nghỉ dưỡng, vì thông thường, khách du lịch nước ngoài chỉ mua nhà nghỉ dưỡng tại một quốc gia khác khi họ ưa thích nơi đó đến mức muốn quay trở lại đó nhiều lần.

Một lượng nhu cầu đáng kể trong ngành kinh doanh khách sạn và khu nghỉ dưỡng đang hình thành từ đối tượng khách nội địa. Cũng giống như Ấn Độ, Trung Quốc và các quốc gia đang phát triển khác, nhu cầu du lịch trong nước ở Việt Nam vẫn là nguồn kinh doanh chính của các khách sạn và khu nghỉ dưỡng địa phương.

Đề cập đến vấn đề này, chuyên gia của CBRE cho rằng: “Khách du lịch địa phương cung cấp tiềm năng lớn cho các dự án phát triển khách sạn, khu nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, khách du lịch Việt Nam hiện nay đã không giống những năm trước đây, họ đòi hỏi cao hơn, quan tâm nhiều đến giá trị và dịch vụ, và nắm bắt được nhiều thông tin hơn”.

Kinh nghiệm ở các quốc gia khác cho thấy, những chủ dự án thấy trước được những thay đổi của người tiêu dùng và điều này giúp họ có thể tạo ra những dòng sản phẩm phù hợp nhất cho thị trường.

“Chính vì vậy, việc các chủ dự án chỉ đơn thuần lặp lại các thiết kế sẵn có mà không nghiên cứu kĩ những thay đổi của thị trường có thể phải đối mặt với nhiều rủi ro trong một thị trường đang phát triển nhanh như ở Việt Nam.” - Ông McIntosh, Giám đốc điều hành khối khách sạn của CBRE khẳng định.

Lan Hương