Thị trường chứng khoán: Lúc ta tháo chạy thì họ đầu tư!
Chỉ số VN-Index đã phục hồi hơn 80 điểm kể từ khi suy giảm xuống mức đáy 400 điểm hồi đầu tháng 8. Nhiều người tin rằng thị trường đang củng cố và dần ổn định lại. Ông Trần Đắc Sinh, giám đốc Trung tâm giao dịch chứng khoán TPHCM trao đổi xoay quanh vấn đề này.
Thưa ông, có nhiều ý kiến cho rằng thị trường chứng khoán đang ổn định và vững chắc trở lại. Nhưng trên thị trường vẫn là những nhà đầu tư cũ - vậy thị trường có ổn định thật sự và lâu dài?
Một thị trường lý tưởng là thị trường có được 70% nhà đầu tư tổ chức, 30% là nhà đầu tư cá nhân. Hiện nay tỷ lệ này ở thị trường VN thì ngược lại, thậm chí tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân còn cao hơn. Trong đó, tính chuyên nghiệp, vốn, sức chịu đựng của nhà đầu tư cá nhân không bằng nhà đầu tư có tổ chức.
Tôi nói thị trường hôm nay tốt hơn hôm qua, chứ không nói nó ổn định. Có thể nói thị trường chúng ta chưa được ổn định và bền vững vì những lý do trên. Chúng ta đang trên đường xây dựng nên một thị trường phát triển bền vững.
Có nhiều ý kiến cho rằng thời gian qua do tăng hàng hoá mạnh nên thị trường đi xuống?
Trong thời gian thị trường sụt giảm, tỷ trọng đóng góp của người nước ngoài trong tổng mua khớp lệnh trên sàn đã tăng 30-40%, giao dịch thoả thuận cũng chiếm tỷ trọng 60-70% thị trường |
Giá cổ phiếu luôn theo quan hệ cung cầu. Chỉ những người chưa hiểu nhiều về thị trường chứng khoán mới đổ lỗi cho việc do tăng cung nên thị trường xuống. Tôi đã họp với tất cả giám đốc công ty chứng khoán, các công ty niêm yết lớn, không ai nói như vậy. Nên nhớ khi chưa niêm yết, cổ phiếu Sacombank (STB) đã nằm trong túi người dân, trong mối quan hệ cung cầu ngoài xã hội rồi.
Tất cả công ty lên niêm yết là những công ty đã từng qua thị trường OTC, lúc đó giá của nó là chưa thực chất, vì phần lớn giao dịch không rõ ràng, không trong “ánh sáng”, mua bán như trong một con hẻm. Ở OTC, có người mua STB giá 80, có thể chỉ một cổ phiếu được mua với giá 80 thôi, nhưng lời đồn đẩy giá lên, hình thành một cái giá không đúng.
Còn khi lên sàn giao dịch, mua bán cả xã hội biết, nhìn vào đó người dân tự quyết định mua hay bán. Vì vậy, không nên so sánh giá trong hẻm với giá ở trong tầm nhìn của cả xã hội.
Khi giá STB ở mức 58-60, tôi gọi đó là quan hệ cung cầu, là tâm lý nhà đầu tư tại thời điểm đó. Hình thành giá dựa trên bao nhiêu yếu tố: quan hệ cung cầu, tâm lý khi bán, tình hình công ty, tin đồn xấu tốt, tình hình chính trị xã hội khi đó.
Chúng tôi nhận định thị trường bình thường, phải tăng hàng hoá hơn nữa, phát triển mạnh các công ty niêm yết, mở rộng đường cho các quỹ đầu tư nước ngoài vào nhanh, giúp các nhà đầu tư nhỏ lẻ hiểu và bản lĩnh hơn, khuyến khích các nhà đầu tư vào, kể cả nhà đầu tư cá nhân vào.
Ông vừa cho rằng nhiều nhà đầu tư cá nhân thị trường thiếu tính ổn định, bây giờ lại nói khuyến khích nhà đầu tư cá nhân vào thị trường?
Không, tôi luôn luôn “trải thảm” mời họ vào. Chúng tôi muốn chứng khoán hoá công chúng. Thị trường nào cũng cần có những nhà đầu tư mới. “Mới” thời gian qua là “mới” theo phong trào.
Còn “mới” của chúng tôi là trang bị kiến thức cho họ, khuyên họ chủ động trang bị kiến thức, anh không thể mua cổ phiếu với bất cứ giá nào, và nếu không có kinh nghiệm thì anh nên đầu tư qua các định chế trung gian.
Bên cạnh đó, cần xây dựng một thị trường bền vững để bảo vệ và gắn kết với nhà đầu tư.
Đến bây giờ quỹ đầu tư nước ngoài vẫn còn đứng quan sát là nhiều, và chưa thực sự bỏ tiền vào thị trường chứng khoán VN. Theo ông bao giờ là thời điểm họ sẽ thực sự bỏ tiền vào?
Hiện nay có khoảng 15 quỹ đầu tư, trong đó có khoảng 5 quỹ mới. Quỹ vào trước đã đầu tư rồi, người vào sau đang quan sát, chưa bỏ tiền.
Tôi tiếc là thị trường chứng khoán VN còn bé quá, không đủ dung lượng và không nhiều cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền vào, quỹ nước ngoài mấy chục tỉ USD, bỏ vào 100-200 triệu USD thì đâu có nhiều đối với họ. Thị trường VN mới 3 - 4 tỉ USD, quá nhỏ so với Thái Lan (hơn 100 tỉ USD), Singapore (200 tỉ USD).
Thị trường đã đi được 6 năm, nhưng cứ mỗi khi thị trường xuống là một lần “nhờ vả” nhà đầu tư nước ngoài “cứu”? Điều này nói lên điều gì?
Có hai cách nghĩ. Thứ nhất, nhà đầu tư nước ngoài qua đây đầu tư kiếm lời, họ chọn thời điểm thích hợp để mua giá rẻ lúc cổ phiếu bị bán tháo. Có thể nói, nhờ họ mua mà hình thành nên tính ổn định, “cứu” thị trường.
Cách nghĩ thứ hai là nhà đầu tư nước ngoài rất khôn ngoan, lúc ta tháo chạy là lúc họ “lượm” tiền. Họ là nhà đầu tư chuyên nghiệp, khôn ngoan hơn nhà đầu tư cá nhân, những người thấy họ mua thì mua theo, và gặp biến động tâm lý thì đua nhau bán ra, trong lúc đó, nhà đầu tư nước ngoài không bán ra mà còn mua vào.
Vì vậy, tôi nghĩ nói thị trường có dựa vào nhà đầu tư nước ngoài là có phần đúng.
Theo Hồng Sương
Báo Sài Gòn tiếp thị