Thị trường chứng khoán: Chịu đau đại phẫu

Thị trường chứng khoán (TTCK) hiện nay cần phải có cuộc đại phẫu để phát triển ổn định, tuy nhiên, cơ quan quản lý và các thành viên thị trường liệu có chịu được đau?

Thị trường chứng khoán: Chịu đau đại phẫu  - 1
Chứng khóan Việt Nam chờ đợi cuộc đại phẫu trong năm 2012.

Nếu như ở những TTCK khác, thị trường giảm rồi lại lên, đan xen nhau theo chu kỳ hình sin khiến nhà đầu tư gắn bó và mạnh dạn bỏ vốn thì TTCK Việt Nam ngược lại: giảm điểm, giảm điểm là điệp khúc liên tục diễn ra trong năm 2011, để rồi cuối năm cánh báo chí dùng đủ vốn từ gây sốc để tổng kết như "năm thất bát nhất", "thị trường giảm mạnh nhất trên thế giới".… Giảm 34% với VN-Index và 51% với HNX-Index là con số chốt về mức giảm trước phiên giao dịch cuối cùng năm con Mèo.

Đáng chú ý, mức điểm hiện tại của VN-Index không phản ánh chính xác biến động giá của đa số cổ phiếu trên sàn, bởi các quỹ ETF trong năm 2011 tập trung đầu tư theo chỉ số đã dồn tiền và kích giá gần 20 mã có vốn hóa lớn trên sàn, kéo chỉ số chung của thị trường có những giai đoạn tăng, trong khi hầu hết chứng khoán còn lại giảm mạnh.

Hơn 60% cổ phiếu trên 2 sàn có giá dưới mệnh giá, thậm chí nhiều cổ phiếu rơi về mức 1.000 - 2.000 đồng đã cho thấy mức độ bi đát của TTCK Việt Nam và sự đắng cay của phần lớn nhà đầu tư.

Nhìn lại những gì đã qua năm 2011 để thấm thía hậu quả của tình trạng thao túng giá tràn lan, tình trạng lạm dụng phát hành trong 2 - 3 năm trước đó đã không được ngăn chặn và xử lý nghiêm kịp thời.

Căn bệnh thành tích đua giành giật khách hàng để tăng thị phần, nuông chiều nhà đầu tư VIP một cách thái quá khiến nhiều CTCK bỏ qua mọi quy tắc quản trị rủi ro.

Hậu quả là những vụ nổ tín dụng trên TTCK, những nhà đầu tư khiếu kiện CTCK lạm dụng tiền và tài khoản, những số lỗ hàng tỷ đồng trong BCTC cuối năm...…

Nói về TTCK không thể không nhắc đến các DN niêm yết. Khó khăn chung của nền kinh tế khiến số lượng DN lỗ trong năm 2011 tăng mạnh so với năm 2010, tuy nhiên xét trên một bình diện chung không hẳn các DN niêm yết đều quá tệ khi số lượng DN có lãi vẫn chiếm 65%.

Nhiều DN hoạt động dựa trên ngành nghề chính vẫn thu được lãi lớn và tăng trưởng tốt so với năm 2010 như FPT, MSN, VNM, VCB, CTG...… Song một số DN cũng đã nản lòng khi nhắc đến cổ phiếu của mình đang được niêm yết trên TTCK Việt Nam.

Họ nản là phải, bởi dù đã trả cổ tức cao (25%/năm), tiền mặt của DN còn dồi dào nhưng giá cổ phiếu vẫn rơi đều đều do hệ lụy của tình trạng giải chấp. Giá cổ phiếu là một yếu tố đối tác nhìn vào khi giao thương quốc tế, giá cổ phiếu cũng là thước đo để DN có thể huy động được vốn hay không.

Nói đi cũng phải đề cập lại đến những mặt trái của khối DNNY. Nhiều DN sử dụng vốn huy động từ thị trường không hiệu quả, cú đứt gãy của thị trường BĐS đẩy nhiều DN vào tình cảnh mất vốn, làm xói mòn niềm tin của các nhà đầu tư. Đã có những ý kiến lo ngại về nguy cơ đổ vỡ của thị trường tài chính bậc cao này.

Không có cách nào khác, TTCK Việt Nam phải tự cứu mình, tự bước qua cái bóng của mình để tồn tại và phát triển. Muốn làm được việc này, thị trường phải trải qua cơn đại phẫu, phải có những bước đi quyết tâm cụ thể của cơ quan quản lý và toàn thị trường.

Có liều thuốc chữa cơn bạo bệnh nào mà không đắng? Bước sang năm 2012, các thành viên thị trường đang sẵn sàng chấp nhận cải tổ.

Theo Anh Việt
Đầu tư Chứng khoán