Bỏ độc quyền đào tạo chứng khoán:

Thị trường cạnh tranh sẽ cho nhiều giải pháp

(Dân trí) – "Chỉ nhìn vào số lượng người đang đợi chờ được nhận vào học hiện nay thôi cũng đủ thấy việc độc quyền tự nó không đủ đáp ứng nhu cầu xã hội. Những hiện tượng tiêu cực tất yếu nảy sinh, như chen ngang nhờ quen biết, chạy chọt, thuê người học hộ thi hộ cho xong, v.v…"

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh vừa đồng ý cho phép mở rộng các khóa đào tạo chứng khoán tại 5 trường đại học thay vì bắt buộc phải học tại Trung tâm đào tạo Chứng khoán như hiện nay. Đây có lẽ nên coi là những bước đầu tiên của việc phi tập trung hóa việc đào tạo chứng khoán, một việc mà nhiều người đánh giá là hợp lý để có một môi trường đào tạo lành mạnh.

 

Ông Nguyễn Đức Thành, chuyên gia kinh tế, Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia, Tokyo (Nhật Bản) đã có cuộc trao đổi với Dân trí về vấn đề này.

 

Tình trạng độc quyền trong đào tạo chứng khoán tại Việt Nam, theo đó là những hệ luỵ như tình trạng quá tải của các lớp học hay chất lượng đào tạo là những vấn đề đã nhiều người nói tới. Ông có nhận xét gì về  vấn đề này?

 

Theo tôi, trước hết chúng ta cần phân biệt rành mạch các bước mà một người phải trải qua để trở thành chuyên gia chứng khoán chuyên nghiệp.

 

Bước thứ nhất là được đào tạo kiến thức chuyên môn, bước thứ hai là được thừa nhận trình độ và bước thứ ba là được chấp nhận hành nghề. Tương ứng với mỗi bước có một nhóm dịch vụ đi kèm: dịch vụ cung ứng tri thức (đào tạo), dịch vụ chứng nhận trình độ (cấp chứng chỉ) và cuối cùng là dịch vụ cấp chứng chỉ hành nghề.

 

Ba bước này có thể thấy ở nhiều ngành nghề khác, từ nghề luật sư, bác sỹ cho đến phiên dịch ngoại ngữ. Điều tôi muốn lưu ý trước hết là không nên tự ràng buộc mình vào một thiên kiến cho rằng các dịch vụ này nhất thiết phải do Nhà nước cung cấp.

 

Ở Việt Nam hiện nay, trong lĩnh vực đào tạo chứng khoán, có điểm đặc thù là muốn có chứng chỉ hành nghề thì phải học qua 3 khoá đào tạo của UBCK, cụ thể là Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Đào tạo Chứng khoán (TTKHĐTCK). Điều này tất nhiên đã tạo nên độc quyền trong việc đào tạo. Bởi vì nếu anh học và nhận chứng chỉ ở chỗ khác thì không được dự thi cấp chứng chỉ hành nghề, nên học ở những nơi khác sẽ chẳng ích gì; cho nên có thể nói, dịch vụ đào tạo chứng khoán hiện nay là do TTKHĐTCK độc quyền cung ứng.

 

Điểm khác nhau cơ bản giữa các nhóm dịch vụ như ông nói?

 

Đối với nhóm thứ nhất, nhóm dịch vụ cung ứng tri thức, đặc điểm của nó là tính phổ thông và xã hội hoá cao, thường có tính phi tập trung, và rất xa lạ với độc quyền Nhà nước. Nhóm thứ hai, dịch vụ chứng nhận trình độ, cũng tương tự. Nó có thể được cung cấp bởi chính cơ sở đào tạo. 

 

Nhóm cuối cùng là cấp chứng chỉ hành nghề, cũng là một loại hình dịch vụ, nhưng có tính chất đặc biệt hơn, không thể xã hội hoá tuỳ tiện. Loại dịch vụ này có thể do Nhà nước độc quyền cung cấp, nhưng cũng không hoàn toàn tuyệt đối, vì ở một số nước, các hiệp hội nghề nghiệp cũng có thể làm điều này. 

 

Xét về bản chất độc quyền, hậu quả mà nó mang lại sẽ như thế nào, thưa ông?

 

Theo tôi, hậu quả của việc độc quyền đạo tạo chứng khoán thời gian qua có ảnh hưởng trên ba khía cạnh.

 

Thứ nhất, ảnh hưởng lên chính đơn vị tổ chức cung ứng dịch vụ đào tạo, tức là TTKHĐTCK của UBCKNN. Do nhu cầu của xã hội rất lớn, đã dẫn tới sự quá tải trong khâu đào tạo, dẫn tới sự trì đọng ở nhiều khâu,  ngay cả khi các cán bộ của Trung tâm đã rất nỗ lực. Ví dụ như phải mất nhiều thời gian cho các khâu tổ chức, từ khâu đăng kí, đóng tiền của học viên đến khâu đào tạo và cuối cùng là khâu thi cử.

 

Thứ hai, ảnh hưởng đến khách hàng, tức là người học. Họ phải chịu thiệt thòi vì phải đối diện với một độc quyền bán. Họ chỉ có thể học chỗ đó mà không có sự lựa chọn nào khác. Nếu thị trường là cạnh tranh, thì người học có thể lựa chọn nơi nào phù hợp nhất với họ như: thời gian, địa điểm, chất lượng và chi phí. Khi không có quyền lựa chọn, tất nhiên lợi ích xã hội bị suy giảm.

 

Hơn nữa, chỉ nhìn vào số lượng người đang đợi chờ được nhận vào học hiện nay thôi cũng đủ thấy việc độc quyền tự nó không đủ đáp ứng nhu cầu xã hội. Cùng với sự đợi chờ là những hiện tượng tiêu cực tất yếu nảy sinh, như chen ngang nhờ quen biết, chạy chọt, thuê người học hộ thi hộ cho xong, v.v… Chưa kể là học viên phải chấp nhận chất lượng dịch vụ do cơ sở đào tạo độc quyền đưa ra.

 

Theo tôi biết có những phòng học cao điểm có thể lên tới hơn 500 người (một quy mô khổng lồ khiến tất cả giảng viên trên thế giới ghen tị), nhưng có người giảng bài vẫn điềm nhiên sử dụng phấn viết chứ không dùng máy chiếu, hệ thống điều hoà thì không được nâng cấp đầy đủ. Và cuối cùng thì học viên đành phải chịu trận tất cả.

 

Thứ ba, trên một quy mô nhỏ hơn, là ảnh hướng đến bản thân đội ngũ giảng viên. Vì chỉ có một cơ sở đào tạo được xã hội xem là có giá trị, đội ngũ giảng viên cũng không có lựa chọn nào khác: họ phải đối diện với một độc quyền mua. Nếu chỉ có thể giảng dạy ở một nơi duy nhất, khả năng mặc cả của họ rõ ràng là yếu hơn.

 

Thêm vào đó, do cơ sở đào tạo là độc quyền, không phải cạnh tranh với các cơ sở khác để thu hút học sinh, họ không nhất định phải nỗ lực tìm kiếm những giảng viên tốt nhất. Do đó, có khả năng là những người do quen biết hay những mối liên hệ nào đó, vẫn có thể làm giảng viên mà học viên đành chấp nhận. Trong khi những giảng viên giỏi hơn có thể không được dùng tới.

 

Những điều nêu trên dẫn tới hệ quả tất yếu chất lượng và số lượng đào tạo sẽ không cao, khó lòng đáp ứng được như cầu thực sự của  xã hội và gây nên những méo mó không cần thiết.

 

Vậy đâu là lời giải cho bài toán độc quyền đã tồn tại trên thị trường chứng khoán mấy năm qua, thưa ông?

 

Quan điểm của tôi là phải giải độc quyền. Nhà nước cần điều chỉnh lại cấu trúc thị trường theo hướng mang tính cạnh tranh cao hơn, nghĩa là tăng số nhà cung ứng dịch vụ đào tạo.

 

Vừa rồi có chính sách cho phép năm trường đại học được đào tạo đã là một bước đi đúng đắn để giải độc quyền. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở năm cơ sở đào tạo như vậy rất có thể là chưa đủ. Nếu cầu vẫn lớn hơn cung, thị trường vẫn mang tính độc quyền (độc quyền nhóm).

 

Về lâu dài, theo tôi, các đơn vị, tổ chức nào đáp ứng được một số điều kiện nhất định theo luật định về điều kiện chuyên môn hay điều kiện vật chất thì đều nên được phép cung ứng dịch vụ. Khi đó sẽ xuất hiện thị trường cạnh tranh, giống như đào tạo ngoại ngữ hay các ngành nghề khác vậy.

 

Trong bối cảnh đó, các cơ sở phải cạnh tranh với nhau trên cả hai thị trường: thị trường người học và thị trường người dạy, để giúp cải thiện chất lượng đào tạo cũng như số lượng đào tạo.

 

Về phía người học sẽ có thể chọn lựa trung tâm đào tạo nào phù hợp nhất với điều kiện của họ. Về phía giảng viên cũng vậy, họ có thể lựa chọn nơi nào ưu ái họ nhất. Như vậy các cơ sở phải cạnh tranh với nhau và kiện toàn chất lượng đào tạo. Còn về cấp chứng chỉ, thường thì ở đâu đào tạo nơi đó sẽ cấp chứng chỉ luôn. Và bản thân các chứng chỉ cũng sẽ cạnh tranh với nhau để xây dựng uy tín cho cơ sở cấp chứng chỉ.

 

Khi đã giải độc quyền ở nhóm dịch vụ thứ nhất và thứ hai, thì UBCK nên tập trung năng lực vào nhóm dịch vụ cuối cùng, tức là cấp chứng chỉ hành nghề thông qua sát hạch. Để đồng bộ với thị trường đào tạo, theo tôi về lâu dài, nên bỏ điều kiện ai được quyền tham dự kỳ thi. Ai thi cũng được, không cần biết anh xuất thân từ đâu, anh học chỗ nào, khi thi mà anh qua được yêu cầu của kì thi thì sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề.

 

Chúng ta cũng có thể học hỏi từ những kỳ thi chuẩn hoá kiến thức của quốc tế như: TOEFL, GMAT, GRE hay các kì thi chuyên nghiệp về tài chính như CFA ( Chartered Financial Analyst- chứng chỉ dành riêng cho nhà phân tích tài chính chuyên nghiệp). Vấn đề là người tổ chức kỳ thi phải nghiêm minh, đề thi phải bao quát được các vấn đề chuyên môn.

 

Quan điểm “ai thi cũng đựơc” của ông có vẻ hơi cấp tiến quá. Theo ông làm thế nào để kiểm soát chất lượng nếu ai cũng được dự thi?

 

Tôi biết hiện nay trong giới làm chính sách vẫn thịnh hành quan điểm cho rằng phải có điều kiện cho người dự thi, như là số năm kinh nghiệm, chuyên môn cơ sở (background) phải liên quan đến ngành tài chính-kinh tế, v.v… nhằm sàng lọc một lần trước khi vào thi. Đó là một phương pháp khá hữu hiệu nhưng không phải là duy nhất.

 

Tuy nhiên thực tế cho thấy có những người đã rất thành đạt trên thị trường mà không hề được đào tạo bài bản. Do đó, nếu sàng lọc như vậy có thể khiến nhiều người tài giỏi bị bỏ qua.

 

Theo tôi, thay vì chúng ta đi sàng lọc, hãy tạo cơ chế để thí sinh tự sàng lọc trước khi dự thi. Đó là quá trình tự chọn lọc (self-selection) rất thông dụng trong kinh tế học. Công cụ ở đây có thể đơn giản là lệ phí thi.

 

Về ý nghĩa kinh tế, lệ phí thi chỉ cần trang trải đủ chi phí tổ chức kỳ thi là được. Về ý nghĩa là một công cụ tự chọn lọc, lệ phí thí có thể cao hơn mức hoà vốn một cách đáng kể. Bởi vì nếu lệ phí thi thấp, có thể một anh sinh viên mới ra trường cũng muốn dự cho vui. Nhưng nếu lệ phí thi đủ cao, người ta sẽ phải cân nhắc nghiêm túc việc đi thi, về khả năng thi đỗ, cũng như khả năng họ sẽ làm được gì thực sự sau khi thi.

 

Lấy việc thi CFA làm ví dụ. Lệ phí mỗi lần dự thi là 1000 USD, và nếu anh trượt, phải một năm sau anh mới được dự thi. Vậy là họ áp đặt một lúc hai tiêu chí sàng lọc: tiền và thời gian. Rõ ràng với điều kiện nêu trên, không ai thi CFA cho vui cả.

 

Về phía UBCK với tư cách là người cung cấp dịch vụ thi tuyển và cấp chứng chỉ, họ cần cải tiến các thủ tục hành chính cho thí sinh dự thi cũng như công nghệ ra đề và chấm thi. Đặc biệt là phải giữ được việc sát hạch sao cho trong sáng, nghiêm minh.

 

Tuy nhiên, nói thì dễ mà làm thì sẽ khó. Trong điều kiện hiện nay, nâng cao chất lượng sát hạch hiện hành, theo cá nhân tôi được biết, vẫn là vấn đề nan giải. Chúng ta hiện vẫn sử dụng các công nghệ truyền thống như làm bài trên giấy. Lấy ví dụ ở Đài Loan, thí sinh làm bài trên máy tính, trả lời rất nhiều các câu hỏi trắc nghiệm lấy từ một ngân hàng câu hỏi. Khi hết giờ, máy tính tự dừng lại và chấm điểm luôn. Nếu anh thi đỗ, máy tính có thể in chứng chỉ ra cho anh ngay. 

 

Để áp dụng công nghệ tiên tiến như thế, tôi cho rằng Việt Nam sẽ không thể làm được ngay trong một sớm một chiều. Chẳng hạn việc xây dựng phầm mềm ngân hàng câu hỏi sao cho có thể bao phủ hết tất cả các tri thức của ngành trong điều kiện Việt Nam cũng là một thách thức. Đó thực sự là điều nan giải. Nếu Việt Nam tự xây dựng sẽ rất lâu và nếu mua chắc chắn sẽ rất đắt.

 

Đây là bài toán mà UBCKNN phải giải thôi.

 

Xin cảm ơn ông!

 

An Hạ
(thực hiện)