Thị trường BĐS Hà Nội dự báo còn lo ngại

(Dân trí) - Trận lụt tháng 11/2008 đã phần nào kiểm chứng chất lượng xây dựng công trình tại một số khu vực của Hà Nội và thị trường BĐS ở Thủ đô sẽ cần nhiều thời gian để phát triển chín muồi vì đang chờ đợi một hệ thống hạ tầng hoàn thiện hơn.

Thị trường cần nhiều thời gian để chín muồi
 
Thị trường BĐS Hà Nội bước vào năm 2008 với một khởi đầu tốt đẹp. Tuy nhiên sau đó trong suốt thời gian còn lại của năm, thị trường gặp rất nhiều khó khăn như tỷ lệ lạm phát tăng nhanh, thắt chặt tín dụng và các tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới. Giá xây dựng tăng, tốc độ hoàn vốn của các dự án chậm trong khi thị trường tín dụng ngày càng thắt chặt gây khó khăn về mặt tài chính cho các nhà đầu tư.
 
Thị trường BĐS Hà Nội dự báo còn lo ngại - 1
Thị trường BĐS được dự báo tiếp tục khó khăn.

Kể từ quý 3/2008 mặc dù tỷ lệ lạm phát giảm dần và giá xây dựng chững lại, nhưng ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới buộc nhiều nhà đầu tư rút khỏi Việt Nam hoặc tạm dừng dự án của mình. Mặc dù có những hi vọng thị trường phát triển nhanh chóng nhưng trên thực tế tiến độ thi công của các dự án diễn ra chậm hơn so với dự kiến.

Theo nhận định của Công ty CBRE, trong một thị trường BĐS nhỏ, đang phát triển và rất nhạy cảm với các biến động như Việt Nam thì các bên tham gia vào thị trường BĐS cũng như người dân sẽ có xu hướng dễ mất bình tĩnh và nhanh chóng dừng lại mọi hoạt động giao dịch.

Trong đó, phản ứng tự nhiên đối với một thị trường đang đi xuống là sự bi quan, tuy nhiên không nghi ngờ gì rằng thị trường bất động sản Hà Nội cũng như các thị trường BĐS khác của Việt Nam nói chung sẽ trở lại chu kỳ tăng trưởng trong thời gian trung hạn (2 - 6 năm).
 
Một số nhà đầu tư, những người lạc quan về khả năng thu lợi nhuận, vẫn đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án của mình. Nhưng ngược lại có rất nhiều dự án đang bị đình trệ.
 
Trận lụt tháng 11/2008 đã phần nào kiểm chứng chất lượng xây dựng công trình tại một số khu vực của Hà Nội và chúng ta có thể thấy rõ những vấn đề về cơ sở hạ tầng. Thị trường BĐS Hà Nội sẽ cần nhiều thời gian để phát triển chín muồi vì tất cả vẫn đang chờ đợi một hệ thống giao thông, hạ tầng giao thông, hệ thống phòng chống lũ lụt, và các hệ thống cơ sở hạ tầng tiêu biểu khác hoàn thiện hơn để hình thành một thành phố thực sự phát triển.
 
Thành phố Hà Nội đang chứng kiến một thế hệ các tòa nhà cao tầng áp dụng những công nghệ mới, những phong cách kiến trúc mới mọc lên trên phạm vi toàn thành phố. Tuy nhiên, với một hạ tầng, đặc biệt là giao thông như hiện nay thì không phải tất cả các công trình xây dựng hiện đại đều phát huy hết giá trị của nó.
 
Thậm chí sự gia tăng về mật độ xây dựng các tòa nhà cao tầng trong các khu trung tâm vượt quá xa so với tốc độ phát triển giao thông đã ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống của người dân,

Tâm lý chờ đợi

Là một công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực tiếp thị BĐS, CBRE đã nhận thấy rằng: Từ nửa năm cuối của 2008 có ít giao dịch văn phòng hơn do ít công ty thành lập mới hơn cũng như các công ty đang hoạt động hoãn lại kế hoạch mở rộng. Trong qu‎ý 4/2008, một vài tòa văn phòng hạng B đã giảm giá chào thuê làm cho giá chào thuê trung bình của các tòa văn phòng hạng B giảm khoảng 3% so với quý‎ trước.

Do ảnh hưởng bởi nền kinh tế, cả khách thuê và nhà đầu tư đều cẩn trọng hơn với những xu hướng biến động của thị trường. Các chủ tòa nhà nhận thấy rõ hơn sự cạnh tranh của nguồn cung trong tương lai và bắt đầu xem xét lại để đưa ra mức giá chào thuê hợp lý hơn.
 
Trong khi đó có những khách thuê sẵn sàng chuyển văn phòng ra khỏi các tòa nhà có chất lượng cao, giá thuê cao đến các tòa nhà phù hợp hơn vì biết sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong năm 2009.

Những trung tâm thương mại có uy tín như Hanoi Tower, Trang Tien Plaza, Vincom City Towers, Big C, Opera Business Centre, Pacific Place, và Parkson Viet Tower vẫn giữ hệ số cho thuê và giá cho thuê cao. Việc cải tạo lại nhà mặt phố thành các cửa hàng bán lẻ vẫn tiếp tục là xu thế chính trong năm 2009...

Theo dự báo của một số chuyên gia, tác động của việc mở cửa toàn phần thị trường bán lẻ đối với các nhà bán lẻ quốc tế theo cam kết với WTO được dự báo sẽ chưa tạo ra những tác động sâu sắc đến thị trường bán lẻ trong nước trong năm 2009, nhưng sẽ có nhiều ảnh hưởng hơn trong thời gian sau đó khi nền kinh tế thế giới phục hồi và các nhà bán lẻ quốc tế tiếp tục các kế hoạch mở rộng của mình.

Về nhà ở, đây có thể coi là thị trường ảm đạm nhất trong năm qua. Theo nhận định của giới chuyên môn, do dự báo kinh tế ảm đạm và tâm lý kỳ vọng giá nhà sẽ giảm hơn trong năm 2009.
 
Với dự đoán như vậy về thị trường nhà đất năm 2009, nhiều khả năng người mua sẽ tiếp tục chờ đợi trong khi một số người bán vẫn giữ hàng vì họ không muốn giảm giá. Thị trường thuê căn hộ đi xuống cũng làm giảm tổng cầu thị trường căn hộ. Tâm lý này khiến các bên tham gia có xu hướng chờ đợi trong ngắn hạn.   

Lan Hương