Thị trường ATM: Ngân hàng lớn coi thường ngân hàng nhỏ?
Việt Nam đang có tới 4 hệ thống máy ATM gồm: Công ty Chuyển mạch tài chính BankNet, hệ thống Connec 24 của Vietcombank, liên minh VNBC do Ngân hàng Đông Á khởi xướng và cuối cùng là liên minh giữa ANZ và Sacombank.
Ngày 19/5 vừa qua, trong khuôn khổ Banking Việt Nam lần thứ 5, đã diễn ra một cuộc hội thảo bàn tròn về vấn đề hiện đại hóa công nghệ với phát triển bền vững hệ thống ngân hàng Việt Nam đã được tổ chức tại Hà Nội
Tuy nhiên, phần lớn thời gian của cuộc hội thảo này lại chủ yếu dành cho vấn đề kết nối giữa các hệ thống ATM của các ngân hàng thương mại trong nước và việc có hay không chuyện các ngân hàng lớn coi thường các ngân hàng nhỏ đang là một câu hỏi lớn.
Song song với các dịch vụ rút tiền mặt, chuyển khoản, in sao kê, thanh toán hóa đơn, truy vấn tin, Internet banking, Home banking... hệ thống máy rút tiền tự động ATM, thanh toán bằng thẻ thông minh và hệ thống điểm chấp nhận thẻ (POS) đang phát triển rất nhanh tại các ngân hàng thương mại trong nước
Hiện có gần 20 ngân hàng đã và sẽ mở dịch vụ phát hành thẻ và sử dụng hệ thống ATM với khoảng 2 triệu thẻ, gần 100.000 thẻ quốc tế và gần 1.900 máy ATM.
Riêng trong năm 2005, số lượng máy ATM tăng đột biến với gần 1000 máy và số lượng máy ATM được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.
Bình luận về nguyên nhân và bản chất của tình trạng trên cũng như vấn đề kết nối ATM, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á lại cho rằng: Việt Nam hiện có 2 khối ngân hàng lớn và các ngân hàng nhỏ.
Các ngân hàng nhỏ rất khó chơi với các ngân hàng lớn, do các ngân hàng lớn coi thường các ngân hàng nhỏ trong khi các ngân hàng nhỏ lại tự coi thường mình.
Đây cũng chính là những lý do cản trở sự phát triển của các ngân hàng Việt Nam trong kết nối và đầu tư phát triển hệ thống ATM.
Cũng theo ông Trần Phương Bình, các ngân hàng Việt Nam, kể cả các ngân hàng nhỏ, không thể ngồi chờ Ngân hàng Nhà nước mà phải có định hướng phát triển của riêng mình, đầu tư hệ thống ATM để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
"Việc kết nối giữa các hệ thống ATM về mặt công nghệ không có vấn đề gì mà quan trọng là vấn đề con người. Ai là người đứng ra để tổ chức thực hiện vấn đề này trong khi một số ngân hàng vẫn muốn áp đặt và muốn bao trùm tầm ảnh hưởng của mình lên các ngân hàng khác?", ông Bình thẳng thắn nhận xét. |
Theo ông Tạ Quang Tiến, Cục trưởng Cục Công nghệ tin học ngân hàng, Việt Nam đang đi theo tiền lệ 3 giai đoạn mà ngân hàng các nước đã từng trải qua gồm: mỗi ngân hàng tự xây dựng và có một hệ thống riêng; một số ngân hàng thỏa thuận dùng chung, hình thành nhiều nhóm trong một quốc gia; hợp tác cùng nhau xây dựng một hệ thống dùng chung duy nhất.
Điều đáng tiếc là mặc dù Việt Nam có lợi thế của người đi sau nhưng vẫn bị xoáy vào lối mòn của người đi trước. Nguyên nhân, theo ông Tiến, là do chúng ta thiếu một cơ chế chỉ đạo điều hành, thiếu một tổ chức có nhiệm vụ làm đầu mối tập hợp và vận động, thiếu sự đồng thuận giữa các ngân hàng.
Tình trạng trên gây sự lãng phí lớn khi mỗi ngân hàng phải đầu tư một nguồn tài chính khá lớn để quản lý và vận hành một hệ thống của riêng mình trong khi các khách hàng lại phải chịu cảnh chỉ sử dụng được máy của một ngân hàng hoặc trong hệ thống nhỏ.
Thậm chí có những nhà hàng, khách sạn, siêu thị, có tới 3-4 máy ATM cùng đặt trong khi địa điểm khác lại không có.
Hiện tại Liên minh thẻ VNBC đang hoạt động rất thành công và sẽ có bước phát triển mạnh mẽ bằng việc chính thức kết nối với Tập đoàn China UnionPay của Trung Quốc, cho phép các chủ thẻ của VNBC sẽ có thể thực hiện giao dịch tại các máy ATM/POS của hệ thống China UnionPay tại Trung Quốc, Hồng Kông và Macao.
Một ngân hàng khác của Singapore là United Overseas Bank (UOB) cũng đã chính thức gửi đơn đề nghị được gia nhập hệ thống của VNBC. UOB là một trong những ngân hàng hàng đầu của khu vực, có mạng lưới gồm 500 văn phòng đặt tại các nước trong đó có 69 chi nhánh tại Singapore và hơn 430 văn phòng tại các nước Australia, Pháp, Nhật, Anh, Mỹ...
Cùng với việc công bố đầu tư cho công nghệ thẻ chíp kết hợp với thẻ từ như một giải pháp công nghệ "ví điện tử", ông Trần Phương Bình nhấn mạnh: "Chúng tôi hoan nghênh và chào đón tất cả các ngân hàng khác cùng tham gia với chúng tôi. Còn nếu không, chúng tôi cũng xin hứa sẽ đạt được mức 10.000 điểm chấp nhận thanh toán vào cuối năm 2007".
Ý kiến về việc có sự coi thường giữa các ngân hàng lớn và nhỏ cũng nhận được sự đồng tình của ông Nguyễn Quang A, Chủ tịch Ngân hàng VPBank. Ông Quang A cho rằng: Ngân hàng Nhà nước cần phải có một hướng dẫn hoặc một văn bản tương tự để định hướng cho vấn đề này. Định hướng chứ không phải quyết định và để các ngân hàng đầu tư đúng hướng, áp dụng môt tiêu chuẩn chung.
Tuy nhiên, không thừa nhận vấn đề các ngân hàng lớn coi thường ngân hàng nhỏ, ông Đặng Mạnh Phổ, Giám đốc Trung tâm Tin học của Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam, đồng thời là Tổng giám đốc BankNet, cho rằng sự hình thành các liên minh thẻ ATM chủ yếu là do tự phát chứ chưa có một tính toán đồng bộ.
Việc kết nối giữa các ngân hàng không phải "một sớm một chiều" là có thể làm được. Và các ngân hàng cần nhận thức được tầm quan trọng của việc kết nối và cần phải "chân tình" thì mới có thể làm được.
Ông Tạ Quang Tiến cũng thừa nhận: việc kết nối giữa các hệ thống không phải việc ngày một ngày hai. Các ngân hàng tuy không thể ngồi chờ ngân hàng Nhà nước nhưng cũng cần quan tâm đến vấn đề kết nối và cần hiểu kết nối như một giải pháp cuối cùng để tránh lãng phí và mang lại sự thuận lợi cho người sử dụng.
Theo Thanh Hà
Vneconomy