Thế khó của người gửi tiền khi lãi suất hạ
(Dân trí) - Lãi suất tiết kiệm liên tục giảm sâu, hiện kỳ hạn 12 tháng tại nhiều nhà băng lớn về dưới 6%/năm, thấp nhất trong nhiều năm qua. Nhiều người loay hoay tìm các kênh đầu tư khác.
Tuần qua, nhiều ngân hàng lớn đồng loạt giảm lãi suất tiết kiệm, đặc biệt điều chỉnh mạnh nhất với các kỳ hạn 6-12 tháng trở lên.
Chỉ một ngân hàng trả lãi 7%/năm
4 ngân hàng có quy mô lớn nhất hệ thống gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank tuần vừa rồi đã hạ lãi suất tiết kiệm về 5,5%/năm.
So với đầu năm, lãi suất huy động tại 4 nhà băng quốc doanh này đã giảm 1,5-2 điểm %/năm. Nếu như đầu năm, khoản tiền gửi 1 tỷ đồng với kỳ hạn 12 tháng, khách được trả lãi 74 triệu đồng, thậm chí gửi online được lãi tới 82 triệu đồng tại VietinBank, nay mức lãi chỉ còn 55 triệu đồng.
*Biểu lãi suất huy động một số đơn vị (%/năm)
Ngân hàng | 1 tháng | 3 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
Agribank | 3,4 | 3,85 | 4,7 | 5,5 |
VietBank | 4,75 | 4,75 | 6,6 | 6,7 |
PVcomBank | 4,25 | 4,25 | 6,4 | 6,5 |
SCB | 4,75 | 4,75 | 6,35 | 6,45 |
NCB | 4,75 | 4,75 | 6,3 | 6,4 |
HDBank | 4,75 | 4,75 | 6,3 | 6,5 |
LBank | 4,35 | 4,35 | 6,3 | 6,4 |
VietABank | 4,6 | 4,6 | 6,1 | 6,5 |
Các ngân hàng tư nhân cũng đồng loạt giảm lãi suất tiền gửi.
Có bên như Techcombank trong chưa đầy 1 tháng giảm tới 3 lần. Biểu lãi suất huy động online với tài khoản tiết kiệm mở mới dưới 1 tỷ đồng cho tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng chỉ còn còn 3,65%/năm, kỳ hạn 3-5 tháng còn 4,05%/năm, giảm khoảng 2 điểm %. Còn với tiền gửi kỳ hạn 6-8 tháng và 9-11 tháng hiện lần lượt là 5,25%/năm và 5,3%/năm, giảm 1 điểm %.
NCB ngày cuối tuần vừa rồi cũng công bố giảm lãi suất lần thứ 2 kể từ đầu tháng 9. Nhà băng này giảm khoảng 3 điểm % lãi suất tiền gửi các kỳ hạn 6-36 tháng. Lãi suất huy động kỳ hạn 6-8 tháng giảm còn 6,3%/năm, kỳ hạn 9-12 tháng còn 6,35%/năm, kỳ hạn 12-36 tháng còn 6,4%/năm.
Từ đầu tháng 9 đến nay, tất cả ngân hàng đều đã điều chỉnh giảm lãi suất. Mặt bằng lãi suất hiện ngang giai đoạn thấp kỷ lục vì dịch Covid-19.
Lãi suất huy động trên thị trường liên tục giảm vài tháng qua trong bối cảnh hệ thống ngân hàng "thừa tiền" vì tăng trưởng tín dụng ảm đạm. Mức lãi suất huy động cao nhất trên thị trường hiện chỉ quanh 6-6,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.
Người gửi tiền làm gì khi lãi suất giảm?
Xu hướng giảm lãi suất tiết kiệm đã được hàng loạt công ty chứng khoán dự báo từ trước đó. Trong bối cảnh thanh khoản dồi dào, ngân hàng khó tìm đầu ra cho vay và nhu cầu tín dụng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19, xu hướng lãi suất hạ nhiệt sẽ còn tiếp diễn cho tới đến cuối năm.
Lãi suất tiết kiệm giảm đã khiến một bộ phận người gửi tiền thay đổi suy nghĩ về các kênh đầu tư.
Trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư cá nhân đã mua ròng hơn 5.000 tỷ đồng trên HoSE trong tuần 11/9-15/9. Tính riêng khớp lệnh, họ mua ròng hơn 3.781 tỷ đồng. Đây là tuần mua ròng mạnh nhất của nhà đầu tư cá nhân trong 4 tháng trở lại đây. Tỷ suất sinh lời của kênh chứng khoán cũng vượt trội hơn gửi tiết kiệm.
Dù vậy, không phải tất cả người gửi tiền đều thay đổi quan điểm. Dù lãi suất giảm, tiền gửi của người dân vẫn duy trì ổn định. Tiền gửi cư dân vào hệ thống ngân hàng tăng liên tục nửa đầu năm. Chỉ trong tháng 6, người dân gửi thêm hơn 35.000 tỷ đồng vào ngân hàng.
Lý do là nhiều khách hàng chọn kênh tiết kiệm do tính chất ổn định và an toàn, trong khi các kênh đầu tư khác dù hấp dẫn nhưng có nhiều rủi ro. Ngọc An (27 tuổi, Hà Nội) mỗi tháng đều gửi tiết kiệm 10 triệu đồng, đều đặn vài năm nay. Cô nói công việc bận rộn, hàng tháng phải tính toán chi trả nhiều chi phí, không muốn vào những kênh đầu tư mạo hiểm để thêm "nặng gánh".
"Tôi từng thử rót tiền vào chứng khoán, song lúc được, lúc mất, tính chung không lời nhiều. Trong khi đó, gửi tiền ngân hàng thì luôn có lãi", An nói.
Nhưng nhiều người khác đang loay hoay tìm kênh rót tiền. Bà Minh (67 tuổi, Bắc Ninh) thậm chí lo sợ lãi suất giảm sâu sẽ khiến bà "tiêu hết tiền trước khi chết". Gần đây, bà cùng những người bạn trong hội cao tuổi đang bắt đầu tham khảo con cái về việc đổ tiền vào kênh khác.
Sắp tới, bà Minh cho biết nếu có tiền hoặc đáo hạn tiền sẽ chỉ gửi kỳ hạn ngắn 1-3 tháng để linh hoạt nguồn vốn, chờ một cơ hội rót tiền vào chỗ khác.
Cất tiền vào đâu?
Chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân Nguyễn Thị Thùy Chi đưa ra lời khuyên, nếu thu nhập hiện tại của bạn đã đủ để chi trả các chi phí hàng tháng, bạn không nên chỉ đầu tư vào các lớp tài sản tạo ra dòng tiền. Chẳng hạn, nếu chỉ đem đi gửi tiết kiệm, dòng tiền này sẽ bị "bào mòn" bởi lạm phát và ảnh hưởng đến hiệu suất đầu tư.
"Lãi suất tiết kiệm hiện đã không còn hấp dẫn, tuy nhiên, một phần tỷ trọng vẫn nên để vào lớp tài sản này để danh mục của bạn cân bằng về thanh khoản và tối ưu về rủi ro", chuyên gia tư vấn.
Còn đối với kênh chứng khoán, từ đầu năm, thị trường có mức định giá rẻ so với lịch sử. "Việc đầu tư vào thị trường ở thời điểm này sẽ phải chấp nhận các rủi ro trong ngắn hạn nhưng về mặt dài hạn, thị trường vẫn còn hấp dẫn", vị này cho hay.
Với bất động sản, thị trường đang khó khăn, cộng thêm các yếu tố cộng hưởng như lãi suất cho vay vẫn còn cao, tính thanh khoản đang kém dẫn đến áp lực cho các nhà đầu tư. "Nhiều bất động sản có mức giá rẻ hơn so với thị trường có thể đến quý IV tới hoặc quý I/2024 mới xuất hiện", chuyên gia nhận định.