“Thất vọng” về quyết định bỏ Quy chế GSP

(Dân trí) - Việc Uỷ ban châu Âu đã bỏ phiếu thông qua việc không tiếp tục dành Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) giai đoạn 2009 - 2011 đối với các mặt hàng giày dép đã gây sốc cho nhiều doanh nghiêp và Bộ Công Thương đã có ý kiến về việc này.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết: Chúng tôi hoàn toàn thất vọng với quyết định này của EC. Bởi vì, Việt Nam đã vận động, giải thích đầy đủ các nội dung mang tính kỹ thuật, hậu quả về kinh tế và đặc biệt là về mặt xã hội trong trường hợp không tiếp tục được hưởng GSP.

Việt Nam vẫn là nước đang phát triển ở trình độ thấp (thu nhập bình quân hàng năm dưới 1.000 USD) nhưng ngành giày dép lại không được tiếp tục nhận sự hỗ trợ này của EU.

Hơn thế, quyết định này của EC lại được đưa ra vào đúng thời điểm Việt Nam phải cố gắng mới vượt qua khó khăn do tác động của suy giảm kinh tế toàn cầu và chắc chắn quyết định này sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến lao động Việt Nam làm việc trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu giày dép, trong đó chủ yếu là lao động nữ, có thu nhập thấp.

Quyết định này làm trầm trọng hơn hậu quả về kinh tế trong bối cảnh EU hiện đang áp đặt thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da xuất khẩu của Việt Nam.

Ngoài tác động về kinh tế, việc EC không tiếp tục dành Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) còn có tác động xấu nào khác, thưa ông?

Quyết định này của EC đối với Việt Nam còn tác động về mặt an sinh xã hội, vì ngành da giày vẫn được coi là một trong những ngành quan trọng giúp Việt Nam trong công cuộc xoá đói giảm nghèo và thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc.

Thậm chí, EU không tiếp tục dành GSP cho một số mặt hàng của Việt Nam như đã và đang dành cho các nước khác, trong đó có những nước phát triển hơn Việt Nam.

Bởi vậy, Quyết định này của EU không chỉ ảnh hưởng đến Việt Nam mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của doanh nghiệp EU đang làm ăn với Việt Nam và của người tiêu dùng EU.

Xin Thứ trưởng cho biết phía Bộ Công Thương và phía Việt Nam đã làm gì trước quyết định của của EU?

Về vấn đề này, trực tiếp Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đã có thư gửi Chủ tịch EC và Chủ tịch Nghị viện châu Âu.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã gửi thư đến Cao uỷ Thương mại EC và Bộ trưởng Kinh tế 27 nước thành viên, giải thích lập luận của EU chưa hợp lý, chưa công bằng và đề nghị kiểm tra, đối chiếu lại các thông tin, số liệu; đồng thời thông báo cho EU những tác động đến an sinh xã hội của Việt Nam nếu Quyết định này của EU được đưa ra.

Đáng tiếc là mặc dù đã rất nỗ lực của các cơ quan Việt Nam, song EC vẫn thông qua quyết định không cho Việt Nam được tiếp tục hưởng GSP đối với nhóm hàng XII (trong đó bao gồm da giày, ô dù…)

Việc tính toán ngưỡng 50% thiếu minh bạch và công bằng như trên đã làm cho một số hiệp hội và nhiều doanh nghiệp EU không nhất trí nên đã phản đối chính thức bằng văn bản và lên tiếng trên một số phương tiện thông tin đại chúng.

Rất nhiều nước thành viên EU đã không ủng hộ cách tính toán của EC và một số nước đã đề xuất với EC một số giải pháp cụ thể để xử lý vấn đề này không trái với quy định về GSP nhưng vẫn đảm bảo có tình có lý. Đáng tiếc, các đề xuất này, kể cả đề xuất của nước Chủ tịch luân phiên EU, đã không được EC chấp thuận.

Lan Hương