Chuyên gia tài chính Lê Trọng Nhi:

Thắt chặt tín dụng chưa nhất quán

Nhiều doanh nghiệp đổ xô đi vay USD vì có lợi hơn vay VND. Liệu tình trạng này có ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ hay nền kinh tế? Chuyên gia tài chính Lê Trọng Nhi trao đổi với PV.

Thưa ông, việc doanh nghiệp đổ xô đi vay USD làm tăng tín dụng USD, liệu có tác động gì xấu đến thị trường tiền tệ?

 

Hẳn nhiên là không. Không ở cả phương diện vi mô - chính sách lẫn vĩ mô - kinh doanh. Nếu hiểu rằng nghị quyết 11/NQ/CP đã đặt một nền móng mới cho kế hoạch giảm và chấm dứt tình trạng đôla hóa trong nền kinh tế bằng biện pháp kết hối và mục đích là làm VND có giá trị và vị trí tuyệt đối ở mọi giao dịch thanh toán trong nước - bắt đầu với các khối quốc doanh từ đầu tháng 7, thì việc tăng tín dụng USD như hiện nay là dấu hiệu không ổn trong chính sách và điều hành.
 
Thắt chặt tín dụng chưa nhất quán - 1
Chuyên gia tài chính Lê Trọng Nhi

 

Với giới kinh doanh, thông thường họ nhạy hơn đối với chính sách của Chính phủ nhưng cũng rất rủi ro nếu họ không chịu tính toán nhằm làm giảm chi phí hoặc chuyển rủi ro trong chi phí kinh doanh (vẫn còn phần lớn các doanh nghiệp VN ít chấp nhận chi phí này!?).

 

Đặc biệt đối với các doanh nghiệp không có nguồn USD để cân đối và phải trông chờ vào nguồn bên ngoài hệ thống chính thức hoặc ngân hàng đã cho họ vay. Một loạt rủi ro tiềm ẩn trong tín dụng USD với bối cảnh hiện nay.

 

Kế hoạch kiềm chế và kiểm soát lạm phát thông qua chính sách tiền tệ đến nay vẫn chưa thể hiện tác dụng tích cực như dự tính: lạm phát chững lại hoặc giảm xuống và lãi suất VND cũng giảm theo. Thắt chặt VND nhưng tháo USD chỉ có thể là một kỹ thuật điều tiết tạm thời để giải quyết điểm nghẽn cơ chế lãi suất của VND. Tuy nhiên, điều này có thể đã tạo nên một ức chế tâm lý giật cục cho thị trường tiền tệ. 

 

Có quan điểm cho rằng việc tăng vay đồng đôla sẽ không ảnh hưởng lớn đến cán cân thanh toán, ông có đồng quan điểm này?

 

Về tổng thể thì chỉ có thể tạm đồng ý với quan điểm đó trên lý thuyết và ở một mức độ hẹp. Vì vậy nếu nói rằng sẽ không ảnh hưởng lớn đến cán cân thanh toán thì đó cũng chỉ là cách nhìn “xoa dịu” hoặc cách tính toán “trấn an” đối với tính sinh động cộng hưởng rất cao của tỉ giá, lãi suất, lạm phát và tổng thu nhập quốc nội đối với bốn tài khoản quan trọng cấu thành cán cân thanh toán là tài khoản vãng lai, tài khoản vốn, tài khoản dự trữ quốc gia và tài khoản sai số.

 

Tóm lại, ít nhiều sẽ có những ảnh hưởng đến cán cân thanh toán và tôi hi vọng không tổn thương đến tài khoản dự trữ quốc gia. 

 

Quản lý nhà nước phải làm thế nào trong bối cảnh doanh nghiệp đổ xô đi vay USD?

 

Đang khi chính sách tiền tệ thắt chặt (hiểu chung là bao gồm VND và USD...) để chống lạm phát, nhưng nếu các doanh nghiệp hướng đến tín dụng USD và vay được USD ngay trong thị trường nội địa để tận dụng lãi suất thấp thì phải chăng cũng có nghĩa chính sách thắt chặt hiện nay chưa nhất quán và chưa có vòng khép kín hợp lý với mục đích chính của nó?!

 

Vì vậy khi chưa và không có những thông tin cũng như dữ liệu chính thức và tin cậy cao, tôi thiết nghĩ không thể bình luận sâu hơn về cách thức quản lý nhà nước với việc nới lỏng tín dụng USD này.

 

Về lâu dài, nếu không còn đôla hóa thì tình trạng này sẽ hết. Nhưng trước mắt phải làm sao để lãi suất USD và VND gần nhau hơn?

 

Như đã đề cập về việc giảm thiểu tối đa và xóa bỏ tình trạng đôla hóa thì lâu dài sẽ không còn câu chuyện tín dụng USD này. Không giải quyết được cơn bệnh lạm phát đã kéo dài và giật cục suốt bốn năm qua thì chưa thể nói đến việc đưa lãi suất VND và USD gần nhau hơn.

 

Như vậy, chính sách tiền tệ vẫn phải đi đầu và chính sách tài khóa cùng những chính sách kinh tế khác sẽ phải phối hợp đồng bộ và hỗ trợ tích cực, thích ứng hơn mới có những cơ hội hướng nhanh đến vùng hợp lý của VND trong giao dịch thanh toán, đồng thời trở lại thời kỳ tăng trưởng GDP mà không tạo ra lạm phát.

 

Theo Ngân hàng Nhà nước, dư nợ ngoại tệ toàn hệ thống đến ngày 10-6 đã tăng 22,21% so với đầu năm, tính đến ngày 20-7 tiếp tục tăng thêm 1,96%. Trong khi đó huy động ngoại tệ đến cuối tháng 6 chỉ tăng 8,89%. Tính riêng tại TP.HCM, trong bảy tháng đầu năm dư nợ ngoại tệ tăng đến 19,18%, gấp gần tám lần so với tăng trưởng tín dụng bằng VND. Trong khi đó tăng trưởng huy động ngoại tệ chỉ 3,33%.

Nhu cầu vay vốn ngoại tệ tăng cao thời gian qua chủ yếu do lãi suất vay USD quá hấp dẫn, hiện ở mức 6-7%, bằng 1/3 so với lãi suất vay VND. Tình trạng mất cân đối giữa huy động và cho vay ngoại tệ đã dẫn đến tình trạng nhiều ngân hàng huy động USD vượt trần.

 

Theo Lê Nguyên Minh
Tuổi Trẻ