Thắt chặt tiền tệ gây yếu kém thanh khoản ngân hàng?
Mấy ngày gần đây, lãi suất trên thị trường và nhất là lãi suất thị liên ngân hàng tiếp tục nóng lên. Đã xuất hiện đồn đoán rằng “thanh khoản ngân hàng có vấn đề” và đó là do Ngân hàng Nhà nước “thắt chặt tiền tệ”.
Thưa bà, theo chu kỳ, vào dịp này hàng năm, lãi suất trên thị trường luôn căng thẳng, thậm chí đe dọa tới an toàn thanh khoản một số ngân hàng. Hiện cung cầu vốn trên thị trường rất nóng bỏng, có phải thực tế này do Ngân hàng Nhà nước “thắt chặt” tiền tệ?
Theo thời vụ, cứ đến quý 4 hàng năm, nhu cầu nguồn tiền bao giờ cũng căng hơn so với thời gian còn lại trong năm vì đó là thời điểm toàn bộ nền kinh tế đẩy mạnh hoạt động quyết toán công nợ, thực hiện cam kết giải ngân, doanh nghiệp giải quyết hàng tồn kho...
Bởi vậy, hệ thống ngân hàng thương mại phải đẩy mạnh huy động vốn đứng nhu cầu vốn dồn dập: thanh toán khoản nợ đến hạn với nước ngoài, nhập khẩu hàng hóa, vốn cho sản xuất kinh doanh phục vụ sắm Tết và tạo nên chu kỳ căng thẳng vốn hàng năm.
Chúng tôi vẫn gọi đó là “tính thời vụ” trong hệ thống chứ hoàn toàn không phải do chính sách “thắt chặt tiền tệ” đã tạo nên yếu kém thanh khoản đối với một số ngân hàng.
Một chuyên gia nói rằng, hiện tượng ngân hàng thương mại bị “rỗng ruột” còn xuất phát từ hỗ trợ lãi suất. Bà nghĩ gì về điều này?
Đúng là thực tế ngân hàng thương mại thiếu VND trong mấy ngày qua ngoài nguyên nhân “tính thời vụ” như trên thì còn có lý do xuất phát từ hỗ trợ lãi suất.
Doanh nghiệp trong diện được hỗ trợ lãi suất nhờ có được nguồn vốn giá rẻ nên không phải lấy tiền của mình để sản xuất kinh doanh mà để số tiền đó trên tài khoản tiền gửi.
Khi dừng hỗ trợ lãi suất, buộc lòng nhóm đối tượng này rút tiền của mình ra khỏi tài khoản tiền gửi của ngân hàng để sản xuất kinh doanh, trong khi đó, nguồn tiền mà các ngân hàng thương mại đã giải ngân cho hỗ trợ lãi suất (ước hơn 412 nghìn tỷ đồng - PV) chưa kịp thu về. Thực tế này đã tạo ra thế “kẹt” cho các ngân hàng về mặt thời gian giữa “thu về” và “cho ra”.
Từ đó, có một số ngân hàng thương mại bị căng thẳng về nguồn vốn, tuy nhiên, chưa đến mức mất thanh khoản. Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời can thiệp hỗ trợ để các ngân hàng này vừa duy trì khả năng thanh khoản vừa đủ vốn đáp ứng cho khách hàng.
Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát sao sự biến động hẫng hụt từ chính sách hỗ trợ lãi suất và tôi nghĩ, an toàn hệ thống vẫn được đảm bảo.
Từ thực tế Ngân hàng Nhà nước phải bơm thẳng “thuốc trợ lực” cho một số ngân hàng thương mại, bà nhận xét gì về cơ cấu danh mục tài sản của các ngân hàng hiện nay?
Câu chuyện về cơ cấu nguồn vốn ngân hàng, cơ cấu danh mục tài sản đã bền vững hay chưa không còn là mới nhưng vẫn nóng hổi từ nhiều năm nay.
Mỗi lần đấu thầu tín phiếu kho bạc, trái phiếu Chính phủ... thì các ngân hàng thương mại quy mô nhỏ chỉ có thể mua được với khối lượng ít cỡ vài chục tỷ đồng, chứ không phải vài trăm, vài nghìn tỷ đồng như các ngân hàng thương mại quốc doanh. Chúng tôi vẫn gọi đó là “lương khô” để các ngân hàng thương mại phòng khi “trái nắng trở trời”.
Hơn nữa, vốn điều lệ của một số ngân hàng thương mại nhỏ gần đây được nâng lên khoảng 1.000 tỷ đồng, họ được huy động bên ngoài số lượng lớn gấp 10 hay 20 lần nhưng kể cả có được như thế cũng chẳng so được với những ngân hàng lớn.
Chưa kể, với quy mô vốn còn nhỏ, áp lực lợi nhuận từ cổ đông quá cao thì việc muốn mua nhiều “lương khô” cũng chẳng thể được. Vì thế, mỗi lần đấu thầu các công cụ nợ của Nhà nước, hầu hết đều bị ngân hàng lớn thâu tóm.
Từ thực tế căng thẳng thanh khoản tại một số ngân hàng thương mại cổ phần gần đây, theo bà, họ phải chú ý những gì đối với vấn đề quản trị rủi ro thanh khoản?
Quản trị rủi ro, bao gồm rủi ro thanh khoản, rủi ro tác nghiệp, rủi ro đạo đức… là bài toán vô cùng khó khăn mà lâu nay, Ngân hàng Nhà nước và Hiệp hội Ngân hàng thường xuyên nhắc nhở, cảnh báo đối với lãnh đạo các ngân hàng thương mại nhằm ngăn ngừa các loại rủi ro nói trên.
Chẳng hạn, ai biết, ai quản trị được rủi ro đạo đức khi cán bộ một ngân hàng này thông đồng với cán bộ một ngân hàng khác, từ đó hình thành đường dây móc ngoặc làm ăn với nhau?
Tôi lấy ví dụ: một khách hàng A, gửi vào ngân hàng B chỉ 200 triệu đồng nhưng được cán bộ ngân hàng B xác nhận tới 1 tỷ đồng. Khách hàng A mang xác nhận này đến ngân hàng C đặt cọc và vay tới 800 triệu đồng.
Lâu nay, kiểm soát việc “ai là người có thẩm quyền xác nhận số dư tiền gửi cho khách hàng” ở nhiều ngân hàng thương mại còn khá lỏng lẻo.
Hiện tại, Hiệp hội Ngân hàng đang nghiên cứu ý tưởng thành lập cơ quan lưu trữ dữ liệu, tích hợp các thông tin, vụ việc vi phạm, có đánh giá phân tích nguyên nhân (nghề nghiệp, đạo đức, luật pháp…), để cho hội viên tra cứu, nhằm phòng tránh loại rủi ro này.
Theo Nguyễn Hoài
VnEconomy