Tháp truyền hình, biểu tượng và bài toán kiếm tiền

Chuyến du lịch Nhật Bản nhân dịp Tết vừa qua của gia đình anh Mạnh Hùng (Hà Nội) có trải nghiệm thú vị nhất là cả ngày lang thang không chán tại tháp truyền hình Sky Tree.

Trở thành điểm đến hút khách nhất “xứ sở mặt trời mọc”, mỗi năm nơi đây thu hút khoảng 6 triệu lượt du khách đến tham quan với doanh thu bán vé và dịch vụ chừng 20 tỷ yen.

Trông người

Khánh thành vào năm 2012, so với kinh phí đầu tư là 65 tỷ yen (800 triệu USD), nguồn thu hiện tại của SkyTree hiện nay đã vượt qua dự tính của các nhà đầu tư bỏ vốn vào nó.

Tobu Railway và 6 đài truyền hình Nhật Bản do NHK đứng đầu vào năm 2009 đã bắt tay khởi động dự án tháp truyền hình Skytree chiều cao 634m với lý do chính là bởi tháp truyền hình Tokyo với chiều cao 333m, đã gặp nhiều trở ngại khi thu tín hiệu truyền hình do các tòa nhà chọc trời ở Tokyo có chiều cao lên tới 200-300m.

Song với ý tưởng sáng tạo của các bên tham gia, SkyTree đã trở thành điểm đến hút khách hàng đầu Nhật Bản. Lợi thế nổi bật của tòa tháp này là ngoài việc tham quan, ngắm nhìn thành phố từ trên cao, du khách có thể kết hợp việc ăn uống, vui chơi, xem phim, mua sắm, tham quan thủy cung và bảo tàng ngay tại khuôn viên của tòa tháp. Lên tòa tháp, ai cũng một lần muốn thử và ghi lại cảm giác mạo hiểm khi đứng trên tấm kính trong suốt giữa lưng chừng trời chụp ảnh, mà ngay dưới chân mình là cả thành phố Tokyo.

Ngoài thành công về mặt kinh doanh, SkyTree còn trở thành một trong những biểu tượng của Nhật Bản, xuất hiện trên rất nhiều vật phẩm lưu niệm, bưu thiếp bán cho khách du lịch quốc tế khi đến thăm xứ sở này. Thậm chí người ta còn đo đếm được cả tác động tích cực của nó đối với nền kinh tế.

Đơn cử, năm 2011, có 6,2 triệu lượt khách quốc tế tới Nhật Bản, thì năm 2012, sau khi tháp hoàn thành, có 8,3 triệu lượt khách, tăng 35%. Hoặc do lợi nhuận từ việc cho thuê tại Tokyo đứng đầu bảng xếp hạng danh sách các thành phố đáng đầu tư trên thế giới, nên các đài truyền hình có thêm nguồn doanh thu ổn định mới để đầu tư cải thiện chất lượng hoạt động, thay vì chỉ phụ thuộc vào quảng cáo như bấy lâu nay.

Ngoài SkyTree, thế giới còn có rất nhiều câu chuyện thành công khác từ việc đầu tư xây dựng các tháp truyền hình. Shanghai Oriental Pearl Group Co. Ltd, Tập đoàn tư nhân lớn tại Quảng Châu (Trung Quốc) vào năm 1992 đã xây dựng tháp Đông Phương Minh Châu cao 600m.

Đây là ví dụ điển hình cho sự kết hợp thành công giữa một công trình quốc gia với việc kinh doanh, phát triển dịch vụ, du lịch. Thành công lớn nhất phải kể đến là tác động lan tỏa của công trình, thúc đẩy sự phát triển các dự án cạnh sông Hoàng Phố.

Hiện khu trung tâm PuDong, nơi đặt tòa tháp, trở thành khu trung tâm tài chính khách sạn thương mại cao cấp và lớn nhất Trung Quốc. Tháp đã trở thành một điểm đến tại Thượng Hải trong suốt thời gian 20 năm qua, hiện mỗi ngày thu hút từ 15.000 đến 35.000 lượt khách.

Tương tự, Tháp truyền hình Berlin (Đức), khánh thành năm 1969, chiều cao 368m, được coi là biểu tượng của quốc gia và thu hút 1,2 triệu lượt khách mỗi năm với giá vé vào cửa 15-23 euro. Như vậy, nếu tính riêng doanh thu vé vào cửa, tháp truyền hình này đã thu về khoảng 18-28 triệu euro mỗi năm. Hay như Tháp truyền hình CN ở Toronto, Canada cao 553m, có khoảng 1,5 triệu lượt khách với vé vào cửa 22-29 đô-la Canada, tương đương doanh thu 33-44 triệu đô-la Canada mỗi năm.

Điểm chung của các tòa tháp thành công là các tháp đều nằm trong quy hoạch của một tổng thể quy hoạch lớn, với các công trình hỗ trợ như nhà ở cao tầng, khu văn phòng, khách sạn, khu bán lẻ và các dịch vụ vui chơi giải trí, quảng trường, công viên. Các tháp đều có vị trí thuận lợi về giao thông, đặc biệt là có vị trí sát các không gian mặt nước, cảnh quan. Chiều cao tháp, ý tưởng nhân văn và bề dày văn hóa trong thiết kế của tháp (tính biểu tượng), giải pháp công nghệ và công năng thân tháp là những yếu tố quyết định đến việc thu hút khách tham quan.

Trong bối cảnh tìm kiếm các nguồn thu không hề dễ như hiện nay, theo Financial Times, việc đầu tư xây dựng tháp truyền hình đang ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư muốn chuyển vốn vào những tài sản có lợi nhuận cố định, dài hạn.

Tháp truyền hình Skytree không chỉ là biểu tượng của Tokyo, mà còn là điển hình thành công về kinh doanh
Tháp truyền hình Skytree không chỉ là biểu tượng của Tokyo, mà còn là điển hình thành công về kinh doanh

… để học cho ta

Trong khi đó, du khách trong và ngoài nước đến Hà Nội vẫn than phiền về việc thiếu chỗ để tiêu tiền. Một chuyên gia nước ngoài làm việc lâu năm tại Hà Nội cho biết, 5 năm ở Hà Nội, món quà lưu niệm mà ông mang về cho bạn bè, người thân ở Mỹ mỗi dịp về nước không thay đổi, đó là mô hình Chùa Một Cột.

"Thật khó tìm một món quà lưu niệm của Hà Nội ngoài mô hình này", vị chuyên gia nói. Nhìn rộng hơn, nói đến sản phẩm du lịch đặc trưng của Việt Nam, rất nhiều người lúng túng. Chị Mai Anh, một hướng dẫn viên du lịch tại TP. HCM kể, chị hầu như không thể tư vấn được cho khách quốc tế mua món đồ lưu niệm nào khi rời Việt Nam. Du khách thích mua những món quà nhỏ giá từ 5-10 USD, họ không thích mua hàng sơn mài, thổ cẩm vì đơn điệu quá. Các sản phẩm làm bằng gỗ cũng không thực sự hấp dẫn.

“Họ thích một đồ gì đó nhẹ, đặc trưng mà vẫn đẹp, hiện đại, quả thực khó kiếm vô cùng”, chị Mai Anh cho biết.

Ngoài việc thiếu biểu tượng, ngành du lịch Hà Nội và Việt Nam còn thiếu các điểm đến hiện đại nhằm cải thiện khả năng thu hút khách mở hầu bao. Thống kê của nhiều công ty du lịch cho thấy, khách quốc tế chi tiêu cho việc mua sắm và vui chơi ở Việt Nam thấp. Nếu như một khách tới Thái Lan bỏ ra cả nghìn USD để mua sắm và vui chơi, thì tại Việt Nam chỉ dừng lại khoảng 200-300 USD.

Đến Hà Nội, ngoài lang thang ở phố cổ, đi dạo Bờ Hồ, thăm Văn Miếu Quốc Tử Giám, xem rối nước và mấy làng nghề thủ công, gốm sứ Bát Tràng, du khách chỉ còn nước đi ngủ sớm. Hầu như không có một trung tâm mua sắm tầm cỡ cũng như nơi vui chơi giải trí thú vị nên rất khó "móc hầu bao" của họ.

Trong bối cảnh đó, dự án Tháp truyền hình Việt Nam dự kiến được xây dựng tại khu vực Khu đô thị mới Tây Hồ Tây với tổng diện tích khoảng 14,1 héc-ta đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Dự án bao gồm khối tháp cao và khối đế tháp, ngoài ra có khối phụ trợ bao gồm cả các chung cư, văn phòng, khách sạn, khu dịch vụ, vui chơi giải trí và tổ chức sự kiện.

Nikken Sekkei Ltd (Nhật Bản) là đơn vị được đề nghị tư vấn, xây dựng Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi với 2 phương án đầu tư để chủ đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành phê duyệt. Đây cũng là công ty tư vấn thiết kế Tháp truyền hình Tokyo Skytree. Dự kiến khi hoàn thành, tháp truyền hình Việt Nam sẽ có chiều cao 636m, cao hơn 2m so với Tokyo Skytree và trở thành Tháp truyền hình cao nhất thế giới.

Theo chủ đầu tư, Tháp Truyền hình Việt Nam sẽ là một biểu tượng cho sự năng động, phát triển của đất nước, là điểm nhấn trong quy hoạch phát triển của Thủ đô Hà Nội, mang lại nguồn lợi nhuận từ các dịch vụ thương mại, du lịch, khu vui chơi giải trí, gia tăng giá trị bất động sản, thu hút các nhà đầu tư, tạo hàng nghìn công ăn việc làm, đồng thời phục vụ cho nhiệm vụ truyền dẫn phát thanh, truyền hình, viễn thông, khí tượng thủy văn, an ninh quốc phòng…

Được đầu tư bài bản, tham khảo kỹ các bài học từ dự án khác trên thế giới, tháp truyền hình Việt Nam được kỳ vọng sau khi hoàn thành sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của Hà Nội. Du khách có thể đến đây tham quan, nghỉ ngơi, mua sắm, vui chơi giải trí, biểu diễn nghệ thuật… Cũng sẽ thật vui khi hình ảnh tòa tháp sẽ hiện hữu trên những tấm thiệp và những món quà lưu niệm, để du khách quốc tế đến Việt Nam sẽ mang về nước mình một món quà đặc sắc, với hình ảnh một Việt Nam phát triển và đổi mới, thay vì những hình ảnh về một đất nước lạc hậu, kém phát triển như lâu nay.

PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển du lịch nhận xét: “Hà Nội có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, tuy nhiên mấu chốt đó là quyết tâm thực thi để xây dựng sản phẩm du lịch đủ hấp dẫn, thu hút du khách”.

Theo Đức Huy
ĐTCK