1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Đà Nẵng:

Tháo gỡ khó khăn về lãi suất cho các doanh nghiệp

(Dân trí) - Chiều qua (21/4), lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng đã có buổi gặp gỡ các doanh nghiệp lớn và các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn để bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn về lãi suất cho các doanh nghiệp.

Tháo gỡ khó khăn về lãi suất cho các doanh nghiệp - 1
Đà Nẵng chủ yếu là các DNNVV nên nhu cầu về vốn với mức lãi suất hợp lý để đầu tư sản xuất kinh doanh là rất cần thiết.
 
Đại diện gần 50 chi nhánh (CN) ngân hàng (NH) và 10 doanh nghiệp (DN) lớn trên địa bàn TP Đà Nẵng đã nghe Giám đốc NHNN CN Đà Nẵng Võ Minh báo cáo tình hình cho vay, áp dụng lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại (NHTM) đối với lĩnh vực sản xuất đến cuối tháng 3/2011.

 

Theo báo cáo của NHNN CN Đà Nẵng, đến cuối tháng 3/2011, tổng dư nợ toàn địa bàn đạt 45.254 tỷ đồng, trong đó tổng dư nợ cho vay lĩnh vực sản xuất thực hiện đạt 30.988 tỷ đồng (bao gồm cả ngoại tệ quy ra VNĐ), chiếm tỷ trọng 68,5% trên tổng dư nợ cho vay.

 

Lãi suất cho vay dư nợ VNĐ bình quân 18,3%/năm và lãi suất áp dụng đối với dư nợ bằng ngoại tệ bình quân 6,6%/năm; lãi suất cho vay khối tài chính tín dụng (TCTD) nhà nước và cổ phần nhà nước chi phối phổ biến ở mức 17-18%/năm, lãi suất cho vay cao nhất 18,46%/năm, lãi suất cho vay thấp nhất 16,68%/năm; lãi suất cho vay bình quân khối tổ chức tín dụng cổ phần, liên doanh và 100% vốn nước ngoài phổ biến ở mức 18-19%/năm, lãi suất cho vay cao nhất 20,5%/năm và lãi suất cho vay thấp nhất 16,7%/năm.

 

Theo đánh giá của ông Minh, nhìn chung mặt bằng lãi suất cho vay đối với lĩnh vực sản xuất là tương đối cao, song trong bối cảnh thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát thì với mức lãi suất cho vay hiện nay trên địa bàn Đà Nẵng là tương đối phù hợp nếu xét về tổng thể lãi suất đầu vào và đầu ra.

 

Trên cơ sở báo cáo của NHNN CN Đà Nẵng, nhiều DN và đại diện các NH cũng đã nêu lên thực trạng vào khó khăn chung của cả hai phía NH và DN.

 

Một đại diện của Hội doanh nhân trẻ Đà Nẵng cho biết, đối với những DN đầu tư vào các dự án dài hạn và triển khai từ nhiều năm nay trước đây được hưởng một số ưu đãi của nhà nước về lãi suất cho vay, nay áp dụng mức lãi suất cho vay mới sẽ gây rất nhiều khó khăn; trong khi đó giá cước vận chuyển, nguyên vật liệu, xăng dầu... đều tăng cao làm cho DN thêm khó khăn.

 

Trong khi đó, ở Đà Nẵng chủ yếu là các DN nhỏ và vừa nên nhu cầu về vốn với mức lãi suất hợp lý để đầu tư sản xuất kinh doanh là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, NHNN và UBND TP Đà Nẵng cần có tiến nói chung trong chỉ đạo, điều hành, tạo điều kiện để các DN tiếp cận các nguồn vốn.

 

Theo một DN xuất khẩu thủy sản tại Đà Nẵng, với mức lãi suất cao như hiện nay đã cản trở các DN tìm kiếm nguồn vốn từ kênh NH, nhiều DN liên tục thay đổi NH để vay bởi họ phải tính đến bài toán lỗ lãi nên NH nào áp dụng mức lãi suất hợp lý thì họ tìm đến. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của DN mà các NH cũng sẽ mất khách hàng.

 

Chia sẻ những khó khăn của DN, đại diện các NH trên địa bàn Đà Nẵng đã dẫn ra một số mức lãi suất mà họ đang áp dụng. Trong đó, mức lãi suất áp dụng phổ biến đối với DN xuất khẩu từ 16,5-17%, DN sản xuất kinh doanh là 17-18% và 18,5-19% đối với các lĩnh vực khác...

 

Các NH cho biết, mức lãi suất vay từ 13-14% là tương đối ổn định. Tuy nhiên, nhiều NH từ đầu năm đến nay huy động vốn khá khó khăn nhưng họ cũng phải cố gắng để giữ được nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu của DN.

 

Ông Võ Minh cho biết trong tình hình hiện nay, các TCTD và các NH cần thực hiện tốt chỉ đạo của Thống đốc ngân hàng Việt Nam tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN yêu cầu phải thực hiện tiết kiệm chi phí kinh doanh, áp dụng lãi suất kinh doanh ở mức hợp lý; ấn định lãi suất huy động vốn bằng đồng Việt Nam và USD theo quy định của NHNN; công bố công khai lãi suất huy động vào cho vay trên website và tại CN…

 

Đối với NHNN sẽ thực hiện điều hành linh hoạt lãi suất tái cấp vốn, lãi suất nghiệp vụ thị trường mở, hoàn thiện cơ chế điều hành lãi suất phù hợp với quy định của Luật ngân hàng nhà nước Việt Nam năm 2010; kết hợp với các công cụ chính sách tiền tệ khác để kiểm soát lãi suất thị trường ở mức hợp lý, phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát.

 

Nhiều ý kiến cũng thống nhất về một số biện pháp giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực sản xuất mà NHNN CN Đà Nẵng đưa ra như: Thực hiện nghiêm túc Thông tư 02/2011/TT-NHNN của NHNN Việt Nam quy định mức lãi suất huy động vốn tối đa bằng đồng Việt Nam; điều chỉnh lãi suất huy động ngoại tệ; thiết lập "đường cong" lãi suất trên thị trường tiền tệ Đà Nẵng; các NHTM tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất; đề xuất TP tiến hành hỗ trợ lãi suất cho một số đối tượng thuộc lĩnh vực sản xuất theo mức 1%/năm áp dụng cho 3 quý còn lại của năm 2011 và cho phép thực hiện đồng tài trợ giữa Quỹ đầu tư phát triển Đà Nẵng với các NHTM theo hướng NHTM thẩm định dự án, chịu trách nhiệm về tính hiệu quả, khả năng thu hồi vốn, NHTM cho vay 70% theo lãi suất thương mại, Quỹ đầu tư phát triển cho vay 30% theo lãi suất thấp giúp DN có mức lãi suất hợp lý, chịu đựng được và Quỹ sẽ trả cho NHTM mức phí 0,5%/năm tính trên số vốn mà Quỹ cho vay; tổ chức thực hiện chủ trương giảm lãi suất…

 

Công Bính