Thanh Hóa: Người nuôi heo lao đao vì dịch tả lợn châu Phi

(Dân trí) - Sau khi tỉnh Thanh Hóa công bố dịch tả lợn châu Phi, nhiều gia đình có trang trại lợn ở huyện Yên Định và một số huyện lân cận không khỏi hoang mang lo lắng.

Người chăn nuôi không chỉ phải dừng mọi hoạt buôn bán, vận chuyển lợn mà còn tiêu tốn tiền triệu mỗi ngày để mua các loại hóa chất về tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi, phòng tránh dịch bệnh lây lan.

Chưa kịp vui mừng vì vừa bán được lứa lợn với giá cao trước Tết Nguyên Đán, ông Lê Ngọc Kim, một chủ trang trại lợn trên địa bàn xã Quý Lộc (huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) như đang ngồi trên đống lửa.

52681167_316923788961131_6332733878414868480_n.jpg

Ông Kim lo lắng với hàng trăm con lợn chưa thể xuất chuồng.

Khá lo lắng ông Kim cho biết: “Trại lợn gia đình tôi hiện có hơn 600 con lợn đang đến kỳ xuất chuồng nhưng sau khi có thông tin công bố ổ dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện thì tất cả phải “án binh bất động”. Không biết tình trạng này kéo dài bao lâu nữa, kiểu này thì chúng tôi chỉ có lỗ vốn”.

Cùng chung nỗi lo với ông Kim, ông Trịnh Xuân Đống (trú tại thôn 7, xã Quý Lộc) cũng đứng ngồi không yên khi giá lợn giảm mạnh, ông Đống thở dài:“ Hiện nay gia đình tôi phải vay mượn để mua bột cho 300 con lợn đã đến kỳ xuất chuồng ăn. Chẳng những thế, thông tin xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi khiến giá lợn giảm mạnh, chúng tôi ăn không ngon, ngủ không yên”.

Tương tự, trang trại của bà Lê Thị Nam, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư nông nghiệp Yên Định, nằm sát khu trang trại của gia đình ông Lê Văn Thanh (gia đình có 226 con lợn bị mắc dịch tả lợn châu Phi phải tiêu hủy) cũng đang lâm vào cảnh khó khăn.

53268232_317624722228709_8254545139930759168_n.png

Nhiều gia đình có lợn đã đến kỳ xuất đi nhưng vẫn phải "án binh bất động" vì dịch tả lợn châu Phi.

Theo bà Năm thì trước khi phát hiện dịch, bà đã liên hệ với thương lái định ngày 25/2 sẽ bán hơn 50 con lợn giống con, thế nhưng chưa kịp xuất đi thì phát hiện dịch nên thương lái không mua nữa.

Trang trại của công ty bà Năm có diện tích rộng tới 13.000 m2, hiện đang nuôi 150 con lợn, trong đó, riêng lợn giống ông bà gần 100 con, giá thị trường khoảng 20 triệu đồng/1 con. Số còn lại là lợn giống con, loại từ 5 - 7 kg/con, có giá từ 1,3 - 1,4 triệu đồng/con.

Được biết, toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có hơn 500 trang trại, hơn 2.300 gia trại và hơn 190.000 hộ chăn nuôi, với tổng đàn lợn 1,2 triệu con. Vừa qua, Trung ương đã hỗ trợ Thanh Hóa hơn 18.000 lít hóa chất và tỉnh Thanh Hóa bỏ tiền ra mua 17.500 lít hóa chất để phun tiêu độc, khử trùng trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là vùng có dịch.

chốt kiêm dich.jpg

Thanh Hóa lập 4 chốt kiểm dịch hoạt động 24/24.

Ngay sau khi có dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, tỉnh Thanh Hóa cũng đã thành lập thêm 4 chốt kiểm dịch liên ngành, túc trực 24/24 giờ không kể ngày nghỉ, ngày lễ. Đặc biệt, tại ổ dịch ở huyện Yên Định, công tác kiểm soát luôn đặt trong trạng thái nghiêm ngặt, lợn và các sản phẩm từ lợn không được đưa ra vào khu vực có dịch.

Ông Lê Đức Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Để khoanh vùng, và ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi, hiện nay chúng tôi đang tiến hành rà soát hơn 500 trang trại lợn trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa, nếu phát hiện trang trại, khu vực nào có nguy cơ lây nhiễm dịch sẽ thực hiện các biện pháp phòng chống. Từ khi phát hiện dịch, chúng tôi đã lấy 158 mẫu máu và nội tạng lợn ở nhiều trang trại, địa phương khác nhau, đến ngày 4/3 không phát hiện ổ dịch mới”.

Liên quan đến chính sách hỗ trợ của Nhà nước, ông Giang cũng thừa nhận là mức hỗ trợ theo quy định hiện tại thấp hơn giá thị trường. Vì vậy hiện ngành Nông nghiệp Thanh Hóa đang có đề nghị với cấp trên tăng mức hỗ trợ cho bà con.

Bình Minh