Thành công với mô hình nhượng quyền thương mại
Tiệm Phở 24 đầu tiên được khai trương tại TPHCM cách đây hai năm. Bằng mô hình nhượng quyền thương mại (NQTM-Franchise), nay đã có đến 14 cửa hàng Phở 24 trên khắp đất nước và vươn ra nước ngoài.
Đúc kết kinh nghiệm, Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh Lý Quí Trung, Giám đốc điều hành tập đoàn nhà hàng Nam An (trong đó có Phở 24) đã viết cuốn sách “Franchise bí quyết thành công bằng mô hình nhượng quyền kinh doanh”.
Giới kinh doanh nhà hàng cao cấp vẫn truyền miệng nhau về sự thành công nhanh chóng của một thương hiệu phở Việt Nam qua hình thức NQTM...?
Phở 24 khai trương cửa hàng đầu tiên ở số 5 Nguyễn Thiệp. Từ tháng 6-2003 đến nay, chúng tôi đã có 14 cửa hàng phở tại Việt Nam và ở nước ngoài qua mô hình vừa nhượng quyền vừa liên doanh. Dự kiến đến cuối năm nay, Phở 24 sẽ mở rộng lên 20 cửa hàng trên toàn quốc.
Là nhà quản lý kinh doanh nhưng lại viết sách dạy doanh nhân làm giàu, khi “đá lấn sân” như vậy, ông có giấu nghề khi viết sách không?
Để chuẩn bị phát triển kinh doanh bằng mô hình NQTM, tôi đã dành nhiều năm trước đó để tìm tòi, nghiên cứu đọc nhiều tài liệu của rất nhiều nước trên thế giới và dự những cuộc hội thảo chuyên đề về NQTM. Xem nguồn tài liệu tham khảo in đằng sau sách người đọc sẽ thấy cách làm việc khoa học nghiêm túc của chúng tôi.
Tôi nhấn mạnh là quyển sách này dành cho doanh nhân Vệt Nam tham khảo và là nguồn tài liệu hướng dẫn cho nhân viên, đối tác. Kiến thức về nhượng quyền của người Việt mình còn giới hạn.
Nói chính xác hơn là khái niệm này còn khá mới mẻ với doanh nghiệp. Sách ra đời bằng sự trải nghiệm và những gì được học hỏi nghiên cứu. Khi viết sách, tôi rất tâm huyết và đặt lợi ích xã hội lên hàng đầu, điều quan trọng nhất là tôi muốn chia sẻ kiến thức thực tế của mình với các doanh nghiệp, nên hoàn toàn không thể có chuyện "giấu nghề” được.
Được biết toàn bộ nhuận bút của đợt sách đầu tiên đã được tác giả trao tặng cho Quỹ Trẻ em TP Hồ Chí Minh. Nếu tái bản, việc làm từ thiện có tiếp tục?
Hiện Nhà xuất bản Trẻ đang tái bản. Số tiền nhuận bút sau này tôi nghĩ vẫn sẽ dành cho mục đích từ thiện, tôi đang nghĩ về một quỹ dự phòng cho những hoàn cảnh đột xuất cần giúp đỡ. Thí dụ những người chịu thiệt hại do bão lụt, thiên tai hay bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào.
Anh từng nói kinh doanh ẩm thực là phải biết bán đúng cái người ta cần, chứ không phải bán cái mình có. Phở 24 có phải là cái người ta cần?
Ẩm thực Việt Nam phong phú và có những nét độc đáo riêng. Phở là món ăn truyền thống của người Việt, song qua thương hiệu Phở 24, tôi muốn giới thiệu với bạn bè trên thế giới cả phong cách ẩm thực của Việt Nam.
Có thể nói, trong chuỗi nhà hàng Nam An Group. Phở 24 là ý tưởng kinh doanh tôi tâm đắc nhất. Khi nghiên cứu thực hiện mùi vị cho Phở 24. Chúng tôi rất chú ý nét văn hóa ẩm thực của cả 3 miền, làm thế nào để người dân của 3 miền đều ăn được và thấy ngon. Tôi tin Phở 24 đã làm được điều đó.
Tại sao là con số 24, thưa anh?
Khi quyết định đầu tư xây dựng thương hiệu, chúng tôi nhắm đến không chỉ phục vụ thực khách trong nước mà sẽ mang đi "đánh xứ người", nên rất chú trọng yếu tố tên gọi của sản phẩm. Làm sao cho dễ nhớ, dễ viết, dễ đọc, dễ marketing? Chỉ có những con số thì người nước ngoài mới nhớ nhanh và nhớ lâu được. Lý do thứ hai là số 24 cũng chính là số thành phần gia vị của nồi phở. Trong tương lai gần, sẽ hướng tới phục vụ khách 24/24.
Có bao nhiều tiền để được nhượng quyền và đầu tư một cửa hàng Phở 24?
Thật ra, giá trị thương hiệu là một giá trị tài sản vô hình rất lớn, lớn hơn nhiều giá trị tài sản hữu hình. Bạn phải có số vốn dao động từ 60-70 nghìn USD. Một hợp đồng chuyển nhượng trung bình là 5 năm. Thời gian hoàn vốn dao động trong vòng 1-2 năm. Đây là khoảng thời gian khá lý tưởng trong kinh doanh ẩm thực.
Nhiều người cho rằng: mặt trái của NQTM là nguy cơ đánh mất uy tín của thương hiệu, mất quyền kiểm soát doanh nghiệp. Theo anh, sự lo lắng này có cơ sở không ? Và Phở 24 đã làm gì để tránh những nguy cơ trên?
Việc thẩm định đối tác phải chú trọng nhiều. Tôi vẫn thường ví việc bán nhượng quyền như những cuộc hôn nhân vậy. Phải tìm hiểu, nghiên cứu “đối tác” thật kỹ rồi mới kết hôn. Bản hợp đồng cũng như giấy đăng ký kết hôn, xé bỏ chưa chắc là xong, hậu quả để lại sau đó mới quan trọng.
Tập đoàn Nam An đã đăng ký sở hữu nhãn hiệu và biểu tượng độc quyền Phở 24 tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề bản quyền đối với những chi tiết nhỏ nhất như cách bài trí món ăn, quy trình nấu, sắp xếp bàn ghế. Tuy nhiên, thực tế vẫn phải chấp nhận những cái không hoàn hảo. Song tôi là người cầu toàn, tôi muốn tìm cái hoàn hảo hơn.
Theo anh, bức tranh của mô hình kinh doanh NQTM tại Việt Nam đang như thế nào?
Có thể ví như đứa trẻ chập chững lên 3. Tất cả đều chập chững, kể cả khung pháp lý. Song cũng phải biết mình đang ở đâu, tuy chỉ là những nét chấm phá mang tính phác họa, nhưng tôi rất tự tin để nói rằng đây là một bức tranh sáng.
Hơn một năm đã thủ hồi vốn và số tiền NQTM cũng không thấp đối với một thương hiệu trẻ như Phở 24. Chắc chắn ông chủ hiệu phở sẽ nhanh chóng giàu to?
(Cười lớn). Không thể giàu to được mà chỉ có thể nói là kha khá. Vì khi càng mở rộng, chi phí hỗ trợ cho cửa hàng khá nhiều. Thí dụ lần mở tại Jakarta (Indonesia) vừa rồi, chi phí đưa người của mình đi về rất nhiều lần. Nên nhượng quyền tại Indonesia cao hơn trong nước.
Và lời khuyên của nhà kinh doanh có thể nói là thành đạt?
Sau quyển sách dành cho doanh nhân Việt Nam trong NQTM, cuối năm nay, tôi sẽ xuất bản cuốn tiếp theo, viết cho người mua nhượng quyền. Theo tôi, mua nhượng quyền đúng thương hiệu đang có uy tín và đã được khẳng định là điều rất quan trọng. Thí dụ, doanh nghiệp bán NQTM đó để mở ít nhất trên 10 cửa hàng, có kinh nghiệm kinh doanh hơn một năm.
Theo Nhân dân/Pháp luật Việt Nam