1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Tháng 6 xuất siêu trở lại: Cơ hội không chỉ từ con số

(Dân trí) - Xuất siêu 360 triệu USD trong tháng 6 là đáng mừng song tín hiệu lạc quan lại thể hiện nhiều hơn ở sự tăng trưởng mạnh mẽ về tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nhóm hàng hóa công nghệ, cho thấy phần nào biến đổi về chất của hoạt động thương mại.

Tháng 6 xuất siêu trở lại: Cơ hội không chỉ từ con số
Trong 15 năm tới, thương mại Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh với tổng giá trị thương mại có khả năng tăng lên xấp xỉ 187% cho đến năm 2026, gần như tăng gấp đôi so với thương mại toàn cầu.

Tổng cục Hải quan ngày 12/7 đã tổng hợp xong dữ liệu và công bố về tình hình xuất, nhập khẩu hàng hóa cả nước tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2012.

Tính riêng tháng 6, tổng kim ngạch hàng hoá xuất nhập khẩu đạt 19,42 tỷ USD, giảm 2,5% so với tháng trước. Trong đó, xuất khẩu đạt kim ngạch 9,89 tỷ USD, tăng 2% và nhập khẩu là 9,53 tỷ USD, giảm 6,8%.

Như vậy, tháng này cả nước đã xuất siêu trở lại 360 triệu USD sau khi nhập siêu 527 triệu USD hồi tháng 5. Trước đó, trong tháng 4, cả nước đã xuất siêu 3 triệu USD và 4 tháng đầu năm đã xuất siêu tổng cộng 78 triệu USD.

Lũy kế 6 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của cả nước đạt 106,82 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 53,33 tỷ USD, tăng 22,7% và nhập khẩu là 53,49 tỷ USD, tăng 6,3%. 

Kết quả này đã đưa cán cân thương mại của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm thâm hụt 158 triệu USD, bằng 0,3% tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt thấp hơn dự kiến mà Thủ tướng Chính phủ công bố gần đây, ước khoảng 685 triệu USD, bằng 1,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Việc nhập siêu giảm là dấu hiệu đáng mừng song nếu đặt trong bối cảnh hiện tại, khi mức giảm của nhập khẩu tháng 6 cao hơn gấp 3 lần so với mức tăng của xuất khẩu đã đặt ra vấn đề về cầu trong nước thấp. Do cầu tiêu dùng thấp, hàng tồn kho tăng cao nên doanh nghiệp phải co lại sản xuất, nhập ít hơn nguyên vật liệu.

Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất tại Việt Nam trong tháng 6 do Ngân hàng HSBC (Việt Nam) phối hợp cùng với công ty Markit Economics cho thấy, ngành sản xuất Việt Nam tiếp tục suy giảm, các điều kiện kinh doanh tiếp tục đi xuống với tốc độ nhanh trong 4 tháng qua.

Điều này được phản ánh qua sự sụt giảm từ 48,3 điểm trong tháng 5 xuống còn 46,6 điểm trong tháng 6 của chỉ số PMI đã được điều chỉnh theo mùa. Chỉ số trên 50 điểm sẽ biểu thị sự cải thiện các điều kiện kinh doanh so với tháng trước, trong khi kết quả dưới 50 điểm chỉ sự giảm sút. Ở Việt Nam, chỉ số PMI đã cho kết quả dưới mức trung bình 50 điểm trong 3 tháng liên tiếp.

Hiện tại, Chính phủ vẫn đang tập trung cho việc tháo gỡ khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp thông qua hạ lãi suất, giải phóng hàng tồn kho, mở rộng thị trường ra các nước và đẩy mạnh việc tiêu dùng hàng nội. Các chương trình này đã bắt đầu phát huy tác dụng.

Cơ cấu hàng xuất khẩu thay đổi 

Đáng lưu ý trong cơ cấu xuất nhập khẩu tháng 6, trong số những nhóm hàng xuất khẩu chính, kim ngạch nhóm điện thoại các loại và linh kiện đạt 1,23 tỷ USD, tăng tới 60,1% so với tháng trước, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này trong 2 quý đầu năm 2012 lên 5,03 tỷ USD, tăng 146,2%, tương ứng tăng 2,99 tỷ USD so với 6 tháng cùng năm 2011.

Nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện có trị giá xuất khẩu trong tháng 6 đạt 612 triệu USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng/2012 lên 3,38 tỷ USD, tăng 85,6% so với cùng kỳ năm 2011 (tương đương tăng 1,56 tỷ USD về số tuyệt đối).

Tuy nhiên, các nhóm hàng này đồng thời cũng nằm trong nhóm những mặt hàng được nhập khẩu về mạnh nhất. Thị trường nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng chủ yếu là Trung Quốc còn chủ thể nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là các doanh nghiệp FDI. Thực tế này cho thấy, để có sự cạnh tranh tốt hơn, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải chú ý nhiều hơn đến chất lượng hàng hóa nhập khẩu cũng như giá trị gia tăng trong việc gia công sản phẩm để xuất ra nước ngoài.

Vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, hàng thuỷ sản xuất khẩu trong tháng 6 bị giảm 4,7%, đạt 524 triệu USD, tuy nhiên tổng kim ngạch xuất khẩu trong 2 quý vẫn đạt 2,86 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2011.

Gạo được xem là mặt hàng đại diện cho gương mặt xuất khẩu của Việt Nam phần nào cải thiện được thị trường. Tháng 6, cả nước xuất khẩu 877.000 tấn gạo, tăng 19%, trị giá đạt 383 triệu USD, tăng 16% so với tháng trước. Tính đến hết 6 tháng, lượng gạo xuất khẩu là hơn 3,82 triệu tấn, giảm 6% và trị giá đạt 1,75 tỷ USD, giảm 12,2% so với cùng kỳ năm trước.

Hồi cuối tháng 5, ANZ công bố 1 báo cáo khá thú vị về Việt Nam, với lạc quan cho rằng Việt Nam đang trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất toàn cầu khi số lượng xuất khẩu các sản phẩm công nghệ bao gồm máy tính, sản phẩm và linh kiện điện tử, điện thoại và linh kiện điện thoại trong 4 tháng đầu năm đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi kim ngạch của một số mặt hàng xuất khẩu chủ đạo không thay đổi hoặc sụt giảm.

Việc các sản phẩm công nghệ trở thành mặt hàng đóng góp nhiều nhất vào tổng kim ngạch xuất khẩu và mức tăng trưởng luôn ở mức 2 con số được cho đã góp phần thu hẹp thâm hụt cán cân thương mại cũng như thay đổi cấu trúc thương mại của Việt Nam.

Theo nhìn nhận của ANZ, đây là ngành đầy hứa hẹn để thu hút dòng vốn FDI chảy vào trong nước. Sự tăng trưởng của xuất khẩu các sản phẩm công nghệ sẽ khiến thâm hụt thương mại Việt Nam giảm xuống 9 -10 tỷ USD mỗi năm trong các năm tới.

Tốc độ thương mại tăng gấp đôi toàn cầu trong 15 năm

Báo cáo mới nhất của khối nghiên cứu tại ngân hàng HSBC đưa ra dự báo, trong 15 năm tới, thương mại Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh với tổng giá trị thương mại có khả năng tăng lên xấp xỉ 187% cho đến năm 2026, gần như tăng gấp đôi so với thương mại toàn cầu.

Trong khoảng thời gian 5 năm tiếp theo, HSBC lạc quan rằng, tăng trưởng sẽ đạt mức 8,2%, sau đó sẽ giữ cùng tốc độ đến năm 2021 trước khi tăng chậm lại như các quốc gia châu Á khác ở mức 5,3% trong giai đoạn 2022-2026.

Theo chỉ số tin cậy thương mại của HSBC, độ tin cậy của các doanh nghiệp giao thương quốc tế ở Việt Nam vẫn ở mức ổn định và tương đối cao. Cuộc khảo sát của ngân hàng này cho thấy trong ngắn hạn, giao thương nội vùng tiếp tục giữ vai trò quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt Nam ở hiện tại và trong suốt 6 tháng tới.

Về yếu tố tỉ giá, báo cáo cập nhật tháng 7 của ANZ về kinh tế Việt Nam dự báo, trong 6 tháng cuối năm tiền Đồng đối mặt với nguy cơ mất giá nhẹ. Theo phân tích của bộ phận nghiên cứu của ngân hàng này, nhờ vào những dấu hiệu khả quan trong cán cân thương mại và tình hình lạm phát, đến cuối năm nay, tỉ giá hối đoái USD/VND sẽ chỉ tăng đến mức 21.500, tương đương với tỉ lệ giảm giá ở mức 2-2,5%.

Mức này chỉ hơi thấp hơn so với dự báo trước đây là USD/VND = 21.700, thể hiện được tính ổn định của tiền Đồng trong 6 tháng đầu năm và bước tiến trong khả năng bảo đảm sức mạnh đồng nội tệ của Ngân hàng Nhà nước. 

Đến nay, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam, theo công bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị sơ kết của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã lên đến 10 tuần nhập khẩu và có thể đạt 12 tuần nhập khẩu vào cuối năm. So với thời điểm cuối 2011 khi dự trữ ngoại tệ còn khoảng 9 tỷ USD, Việt Nam đã tăng được thêm gần 10 tỷ USD trong vòng 6 tháng qua. 

Nguồn dự trữ ngoại tệ tăng lên là một trong những cơ sở giúp tỉ giá ổn định. Về mặt lý thuyết, nếu VND mất giá sẽ hỗ trợ xuất khẩu, song nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển lại cho rằng, Việt Nam không nên làm mất giá tiền Đồng cho mục đích xuất khẩu vì sự hỗ trợ này không đáng kể.
Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm