1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Tham nhũng ở Việt Nam: Người nước ngoài không hiểu nổi

“Cách tham nhũng ở Việt Nam rất đặc biệt, khiến những người nước ngoài không thể hiểu nổi. Ví dụ như người ta đưa quà biếu, hoặc tiền cho vợ hay con của quan chức, thay vì đưa tiền trực tiếp”. Ông Martin Rama, chuyên gia kinh tế của WB tại Việt Nam nhận xét.

Một vài tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam là quốc gia có tình trạng tham nhũng phức tạp. Tuy nhiên, không ít đối tượng của các cuộc khảo sát lại cho rằng tham nhũng không phải là rào cản chính trong kinh doanh. Vì sao vậy?

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới trong bản Chiến lược Hợp tác Quốc gia với Việt Nam trong giai đoạn 2007 - 2011 được công bố gần đây, có một điều đáng ngạc nhiên là những người trả lời khảo sát lại không coi tham nhũng là rào cản chính trong kinh doanh.

Trong Đánh giá Môi trường Đầu tư (ICA) 2006 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam được xếp thứ tự ngang bằng như Malaysia, một trong những nước ít tham nhũng nhất của khu vực (xem bảng).

Ông Martin Rama, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận xét với báo giới rằng, cách hối lộ ở Việt Nam rất tinh vi và biến ảo.

“Cách tham nhũng ở Việt Nam cũng rất đặc biệt, khiến những người nước ngoài không thể hiểu nổi. Ví dụ như người ta đưa quà biếu, hoặc tiền cho vợ hay con của quan chức, thay vì đưa tiền trực tiếp”.

Điều tra này phát hiện thấy quà biếu và tiền hối lộ được dùng trong quá trình làm việc với các cơ quan công quyền. Tuy nhiên, báo cáo trên cũng phát hiện ra rằng hình thức thanh toán không chính thức không được sử dụng nhiều. Mức hối lộ bình quân trong tất cả các cơ quan là 1,8 triệu đồng.

Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới nhận xét, con số này phù hợp với một nghiên cứu mang tính chẩn đoán về tham nhũng mới được Ban chấp hành Trung ương Đảng thực hiện dựa vào “tam giác” đối tượng là người dân, doanh nghiệp và công chức thuộc bộ máy công quyền. (Dự án này do cơ quan SIDA của Thụy Điển tài trợ).

Nghiên cứu này ước tính rằng, phí tổn cho mỗi giao dịch tăng thêm từ 100.000 đồng đến 2,1 triệu đồng. Cả hai nghiên cứu đều phát hiện ra rằng những đối tượng như cảnh sát giao thông, cán bộ nhà đất, hải quan, thuế vụ thường yêu cầu hoặc nhận hối lộ.

Theo những đánh giá này, giá trị nói chung của các khoản hối lộ mà doanh nghiệp phải trả không lớn nếu so với các nước đang phát triển khác, và thấp hơn dự kiến, nếu như tính đến tốc độ phát triển của Việt Nam. Riêng WB nhận định rằng, với cách nhìn trên thì đây là một đất nước tham nhũng tràn lan, nhưng là các vụ tham nhũng vặt.

Tuy nhiên, khoản hối lộ bình quân 1,8 triệu đồng tuy không đáng kể đối với một doanh nghiệp, nhưng lại có giá trị tương đương một tháng lương trung bình tại Việt Nam, và tác động của tham nhũng loại này lên xã hội không hề nhỏ chút nào.

Cùng với các khoản chi trả không chính thức trong các dịch vụ xã hội, các buổi "phụ đạo" được gọi là tự nguyện trong hệ thống giáo dục, cho tới các dịch vụ y tế ngoài khả năng chi trả, tham nhũng vặt kiểu này đã làm cho nhiều người dân Việt Nam khó chịu.

Đây chính là câu giải thích cho sự khác biệt giữa mức độ quan ngại tương đối thấp của các doanh nghiệp, so với mức độ nhận biết về tham nhũng nói chung được thể hiện trong báo cáo của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI).

Theo báo cáo của TI, chỉ số nhận biết tham nhũng xếp Việt Nam mức 2,6 điểm trong thang bậc 10 điểm, và điểm 10 là biểu hiện chuẩn liêm chính cao nhất. Trong bảng này, phần lớn các nước trong khu vực được xếp ở bậc cao hơn Việt Nam, ngoại trừ Philippines (2,5) và Indonesia (2,2).

Tham nhũng trong khu vực Đông Á (%)

Quốc gia

Tham nhũng có phải là rào cản chính trong kinh doanh không? (% người trả lời)

Không

Một phần nhỏ

Nghiêm trọng

Cambodia

4,7

39,4

55,9

Trung Quốc

24,1

48,5

27,3

Indonesia

29,3

29,2

41,5

Malaysia

53,8

31,7

14,5

Philippines

40,6

24,3

35,2

Thái lan

49,7

32,1

18,3

Việt Nam

52,3

17,8

14,2

(Nguồn: Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới)

Theo Tư Giang
VTC News

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm