1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Tesco - thế lực bán lẻ mới

Không phô diễn ồn ào, thậm chí trụ sở làm việc cũng rất ư khiêm tốn, thế nhưng Tập đoàn siêu thị Tesco của xứ sở sương mù đã bất ngờ trỗi dậy làm bao nhà phân phối tên tuổi trên thế giới run sợ. Họ đã làm được điều đó như thế nào?

Nếu không có loạt vụ đánh bom kinh hoàng ở London thì chắc chắn báo cáo mới đây về khoản lợi nhuận dự tính thu tới 2 tỷ Bảng Anh trong năm nay, tăng trên 20% so với năm 2004 của Tập đoàn siêu thị Tesco sẽ là tâm điểm bàn tán của giới kinh doanh Anh quốc.

Từ một trung tâm bán tạp phẩm, dưới sự dẫn dắt tài tình của Giám đốc điều hành Terry Leah, Công ty Tesco đã vươn lên, trở thành nhà phân phối hàng số 1 Anh Quốc, với doanh số chiếm 13% thị phần bán lẻ nội địa.

Cụ thể hơn là ở Anh Quốc, cứ 8 đồng người ta rút ra khỏi ví để chi tiêu thì có 1 đồng chạy vào các cửa hàng phân phối của Tesco, và hàng của hãng cũng chiếm tới 1/3 trong tổng số các tạp phẩm tiêu dùng ở Anh.

Chẳng giống ai!

Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, Anh Quốc cũng như các nơi khác ngập tràn sản phẩm của các "đại gia" phân phối hàng đầu thế giới, vì thế sự xuất hiện của Tesco được coi là một "hiện tượng".

Đâu là sức sống mãnh liệt, là khả năng đề kháng của một hãng nhỏ giữa chốn thương trường? Andrew Simms - chuyên gia Quỹ Kinh tế học mới (New Economic Foundation) đánh giá: "Thành công của Tesco là sự kết hợp nhuần nhuyễn và đầy sáng tạo cách thức làm ăn của các hãng hàng đầu thế giới".

Giống như nhà phân phối Wal - Mart của Mỹ, Tesco cũng chủ trương mở rộng phạm vi hoạt động. Nhưng ở Tesco còn mang đậm phong cách Dell - nhà phân phối máy tính hàng đầu của Mỹ: "Tìm lợi ích cho mình từ việc cung cấp tiện ích cho người tiêu dùng".

Trong tất cả 2.365 cửa hàng của hãng nằm rải rác ở 13 quốc gia, Tesco luôn chú trọng việc tuyển dụng lao động địa phương. Chính lao động địa phương đã giúp Tesco phát hiện được cách tiếp cận sở thích, thị hiếu của người tiêu dùng để điều chỉnh cho phù hợp.

Từ những năm 1990, khi cái tên Tesco còn xa lạ trên thị trường thì nhận thức "có khách mới có mình" đã ăn sâu trong tiềm thức những người quản lý công ty. Ngay từ ngày đó, ở mỗi cửa hàng của Tesco luôn có những chương trình rút thăm có thưởng nhằm níu kéo người mua trở lại.

Đi tìm những khe hở

Không có tiềm lực tài chính hùng hậu như Wal - Mart của Mỹ hay Carrefour của Pháp, Tesco luôn phải tự tìm cho mình những khe hở trên thị trường. Những năm cuối thập kỷ 90 khi nhiều nhà phân phối lớn thờ ơ với sức mua yếu ớt của người tiêu dùng Đông Âu thì Tesco lại tìm đến Hungary, Slovakia và Poland, bắt tay với các nhà phân phối địa phương.

Đây là những bước xuất ngoại thử nghiệm đầu tiên. Sự hợp tác đó đã giúp Tesco tận dụng được sự hiểu biết về thị hiếu người tiêu dùng địa phương và giảm nhẹ được những chi phí mở rộng hoạt động.

Và cũng thật may mắn, khi các nền kinh tế này phát triển đã làm bùng phát các cơn sốt tiêu dùng hàng hóa tại hệ thống cửa hàng Tesco ở Đông Âu. Với chiến lược tránh đối đầu với các "đại gia" nên Tesco đa chủ động chế việc bành trướng ở thị trường Tây Âu, và chuyển hướng vào thị trường Trung Quốc theo sau sựhợp tác chặt chẽ với các nhà phân phối Đài Loan để đi trước chiếm lĩnh thị phần tại thị trường tiêu dùng đông đảo nhưng còn bỡ ngỡ với cung cách mua sắm thời công nghiệp.

Và thị trường hơn 1 tỷ dân này không chỉ cho Tesco cơ hội phát triển, mà còn giúp hãng cạnh tranh ngang ngửa với cả Wal - Mart và Carrefour. Tìm kiếm lỗ hổng để tận tâm thoả mãn nhu cầu "thượng đế" cũng đã giúp Tesco vững bước tiến vào thị trường khó tính Nhật Bản, nơi mà trước đó ít lâu nhà phân phối lớn thứ 2 thế giới -Carrefour của Pháp phải "bỏ của chạy lấy người".

Bước tiến bất ngờ của Tesco, nhất là khi hãng này giành vị trí phân phối số 1 ở Anh Quốc, đã buộc Wal - Mart phải thay đổi cái nhìn của mình, và động thái mới nhất là nhanh chóng tiến hành địa phương hoá các cửa hàng của họ ở nước ngoài. Họ đã phải thừa nhận một thế lực cạnh tranh mới trên thị trường bán lẻ thế giới.

Theo DĐDN