Tập đoàn xăng dầu: Bao giờ?

Theo cam kết, khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam chưa mở cửa thị trường xăng dầu ngay mà thực hiện theo từng giai đoạn, đến năm 2009 sẽ mở cửa hoàn toàn.

Trong quá trình đàm phán với các đối tác, VN đã phải chấp nhận nhượng bộ không ít để giữ được ngành hàng quan trọng này. Nếu trở thành thành viên WTO vào cuối năm nay, ngành xăng dầu VN chỉ còn hơn 2 năm nữa để nâng sức cạnh tranh và chủ động phát triển…

Tập đoàn xăng dầu, bao giờ?

VN hiện có 9 đầu mối nhập khẩu xăng dầu, trong đó Tổng Công ty Xăng dầu VN (Petrolimex VN) làm nòng cốt, chiếm tỷ lệ 60% khối lượng nhập khẩu mặt hàng này.

Với 290 tổng đại lý và gần 9.000 đại lý, cửa hàng bán lẻ, hệ thống phân phối này được đánh giá là quá kềnh càng, phát triển mạnh về bề rộng, nhưng thiếu chiều sâu.

Từ năm 2004, Thứ trưởng Thường trực Bộ Thương mại Phan Thế Ruệ đã bày tỏ quyết tâm cắt giảm hệ thống phân phối xăng dầu xuống còn một nửa.

Theo ông Ruệ, chỉ cần khoảng 150 tổng đại lý và 5.000 đại lý, hệ thống này sẽ vận hành tốt và các cơ quan chức năng có điều kiện kiểm tra, giám sát hiệu quả hơn. Tuy nhiên, 2 năm qua, quyết tâm của Bộ Thương mại vẫn chỉ dừng lại ở… quyết tâm, còn trên thực tế, đã có dấu hiệu… nở phình!

Mỗi năm, VN nhập khẩu khoảng 14 triệu tấn xăng dầu. Chiếc "bánh" nhập khẩu này được chia đều cho 9 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối. Và mỗi doanh nghiệp đầu mối đều xây dựng hệ thống phân phối, kinh doanh thứ cấp riêng.

Đó là nguyên nhân dẫn đến sự nở phình của mạng lưới phân phối, kinh doanh tổng thể. Một quan chức thuộc Petrolimex VN nói rằng, muốn rút gọn hệ thống phân phối, phải giảm bớt số lượng các doanh nghiệp đầu mối.

Ở Trung Quốc, chỉ có 2 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, Malaysia chỉ có 1, nhưng hệ thống của họ vẫn vận hành tốt. "Chỉ mạnh về lượng, nhưng yếu về chất, đó là điều nguy hiểm, các doanh nghiệp đầu mối nội địa sẽ khó xoay trở khi hội nhập, bởi sức cạnh tranh yếu, khả năng quản trị kém, nguồn lực tài chính có hạn. Nên thành lập tập đoàn xăng dầu, hoặc sáp nhập theo nhóm, để có những thương hiệu mạnh, khi mở cửa thị trường mới có thể đủ sức chống chọi”, quan chức này nói thêm.

Không dẹp được buôn lậu, đằng nào cũng thua!

Giá bán xăng và dầu trong nước luôn bị tác động trực tiếp bởi giá thế giới. Tuần này, giá dầu thế giới dao động ở mức ngất ngưỡng 78,71 USD/thùng và báo động một đợt biến động giá mới đối với thị trường xăng dầu VN.

Không chỉ bị ảnh hưởng bởi yếu tố khách quan này, ngành xăng dầu trong nước phải đối mặt với thực trạng nhức nhối nhiều năm qua chưa dẹp được, đó là buôn lậu xăng dầu qua biên giới.

Nếu đã gia nhập WTO mà tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, thì ngành xăng dầu VN có giỏi xoay trở cách mấy cũng thua!

Những nỗ lực hành chính của các cơ quan chức năng liên bộ và chính quyền các địa phương nhiều năm qua cho thấy không thể dẹp được nạn buôn lậu xăng dầu.

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, căn cơ của thực trạng nói trên chính là sự chênh lệch giá (giá bán xăng, dầu ở VN hiện thấp hơn bên Campuchia từ 3.000-5.000 đồng/lít).

Để dẹp nạn buôn lậu, phải triệt tiêu mức chênh lệch về giá bán giữa 2 nước. Cũng theo ông Thỏa, muốn làm được điều đó, phải thả giá bán trong nước theo giá thị trường thế giới.

Tuy nhiên, không dễ thả nổi giá bán, bởi sẽ kéo theo sự bùng nổ giá của nhiều mặt hàng thiết yếu khác, làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), gây tác động xấu đến mức tăng trưởng kinh tế.

Tại hội nghị toàn ngành xăng dầu mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Tá cho biết, từ nay đến cuối năm, VN phải bù lỗ xăng dầu 8.000-9.000 tỷ đồng và tiền này được trích từ ngân sách.

Như vậy, ngoài những khoản cấp bù chính đáng, chúng ta đang “bù lỗ” cho buôn lậu (!?). Đó là chưa nói đến chuyện Nhà nước ra sức chống buôn lậu, còn nhiều doanh nghiệp (đầu mối) xăng dầu lại “tích cực”…buôn lậu dưới hình thức tạm nhập, tái xuất.

Tình trạng "nội công, ngoại kích" nói trên, nếu không được cải thiện trong 2 năm tới, khả năng cạnh tranh của ngành xăng dầu nội địa sẽ bị suy giảm khi thực hiện cam kết mở cửa thị trường.

Giải bài toán bỏ trợ cấp

Cơ chế bù lỗ cho mặt hàng xăng đã bị bãi bỏ từ tháng 6/2004. Từ đó đến nay, VN chỉ bù lỗ cho các mặt hàng dầu, do giá dầu thế giới tăng, nhưng trong nước vẫn bán theo giá của Chính phủ.

Bộ Tài chính cho rằng, tại một số nước trong khu vực Đông Nam Á như Indonesia hay Philippines, dù đã là thành viên của WTO, nhưng những nước này vẫn trợ giá cho ngành xăng dầu nội địa. VN cũng sẽ duy trì ở mức độ cần thiết, nhưng theo cam kết trong WTO, phải dần xóa bỏ hoàn toàn.

Điều này đặt ra không ít thách thức cho các công ty xăng dầu trong nước. Đa số các doanh nghiệp xăng dầu VN hiện nay thiếu tích lũy tài chính cần thiết và phản ứng yếu ớt, thiếu linh hoạt trước mỗi đợt biến động của giá dầu thế giới. Nói cách khác, nhiều năm qua, những doanh nghiệp này đã quen với "bầu sữa ngân sách".

Nếu bỏ trợ giá hoàn toàn sẽ khiến nhiều doanh nghiệp hụt hẫng, khó trụ vững, nói gì đến chuyện cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Thực tế này đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước phải thực hiện được điều cốt tử, đó là tự tích lũy tài chính và xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp, tiết giảm tối đa chi phí để tăng sức cạnh tranh.

Mỗi năm, VN khai thác khoảng 18 triệu tấn dầu thô và lợi nhuận từ xuất khẩu dầu thô được “trích chéo” để bù cho mặt hàng dầu.

Theo tính toán của Bộ Công nghiệp, đến năm 2009, khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động, nguồn nguyên liệu dầu thô sẽ phải dành cho nhà máy lọc dầu nhằm cung ứng 60% nhu cầu xăng của cả nước, cho nên, kinh phí để cấp bù sẽ không còn.

Đổi lại, sự chủ động về nguồn hàng sẽ giúp các doanh nghiệp xăng dầu trong nước chiếm ưu thế tại thị trường bán lẻ trong nước.

Ở Trung Quốc, sau 2 tập đoàn SHELL và BP, TOTAL cũng đã ngấp nghé thâm nhập vào. Dù vậy, các công ty xăng dầu nội địa Trung Quốc vẫn không bị "bể" mà còn phát triển mạnh hơn nhờ chuẩn bị tốt, cũng như tranh thủ sự hỗ trợ linh hoạt của chính phủ.

Nguồn tin từ Bộ Thương mại cho hay, tập đoàn SHELL cũng đã gõ cửa thị trường xăng dầu VN và chắc chắn nhiều tập đoàn khác cũng đang nhòm ngó.

Rõ ràng, từ nay đến năm 2009, nếu các chính sách quản lý, điều hành cũng như năng lực nội tại của các doanh nghiệp xăng dầu trong nước không được cải thiện nhanh và có chất lượng, nguy cơ thất thế trước các tập đoàn xăng dầu lớn là có thể nhìn thấy trước!

Theo Thúy Hải
Báo Sài Gòn Giải Phóng